Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ khi chuyển Covid-19 sang 'bệnh nhóm B'

P.V| 21/03/2022 03:00

PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, khi Covid-19 được chuyển sang nhóm B thì các chính sách phải xây dựng cho phù hợp vì bệnh này có quá nhiều tính chất đặc thù và phức tạp.

Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ khi chuyển Covid-19 sang 'bệnh nhóm B'

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Trong Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2022-2023 theo Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Các chuyên gia dịch tễ đều đồng tình với đề xuất của Chính phủ, song nhiều câu hỏi mới được đặt ra cần có lời đáp thỏa đáng.

Theo ông Trần Đắc Phu, để đưa Covid-19 ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A và đưa vào nhóm B thì cần có các điều kiện nhất định. Thứ nhất, dịch có gây bùng phát mạnh hay không, có xuất hiện biến chủng nữa không? Thứ hai, tình hình chuyển nặng và tử vong có lớn không, có gây quá tải hệ thống y tế hay không? Thứ ba, phải căn cứ vào khả năng đáp ứng về y tế, hiệu quả của vaccine, thuốc điều trị. Thứ tư, phải xem dịch có ảnh hưởng đến lĩnh vực kinh tế-xã hội, an sinh của người dân hay không.

Nếu dịch đặc biệt lây lan nhanh, còn bệnh nhân nặng, quá tải đối với việc đáp ứng y tế và khả năng kiểm soát dịch thì chưa nên công nhận thành bệnh truyền nhiễm nhóm B. Phải căn cứ từ luận chứng khoa học và cả thực tiễn để đưa ra quyết định chuyển sang loại bệnh truyền nhiễm nhóm B. Hiện, Tổ chức Y tế thế giới cũng chưa xếp Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Tương tự, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cũng cho rằng sau khi xuất hiện Omicron thì sẽ có thêm các biến chủng khác, cho nên chỉ khi nào tình hình dịch tễ đáp ứng được mức độ ổn định về số ca mắc và tử vong thì mới nên xem đây là bệnh truyền nhiễm nhóm B. Giống như sốt xuất huyết, sởi, có thể bùng phát lên từng khu vực, từng vùng, từng mùa nhưng cũng đã thành bệnh lưu hành (bệnh đặc hữu).

Các câu hỏi còn bỏ ngỏ

Khi Covid-19 được chuyển sang loại bệnh truyền nhiễm nhóm B thì từ việc điều tra dịch tễ, xét nghiệm, công bố số liệu cho tới việc cách ly, điều trị... đều có thay đổi đáng kể. Ví dụ, sẽ không còn hạn chế tập trung đông người; không còn buộc cách ly người bệnh; không bắt buộc điều trị như với bệnh nhân nhóm A; không còn các đợt xét nghiệm diện rộng; không còn đếm số ca mắc; không có khái niệm F0; không còn việc miễn phí điều trị, cách ly.

Link bài viết

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết: "Chúng ta đang thích nghi linh hoạt với dịch Covid-19, tỷ lệ tiêm chủng vaccine đã đạt mức cao. Song, không thể sử dụng các biện pháp phòng, chống Covid-19 giống với các bệnh thuộc nhóm B thông thường như cúm, ho gà, lao phổi..., mà phải có biện pháp phòng, chống dịch hợp lý, đặc thù.

Câu hỏi đặt ra là Bộ Y tế có nên xem xét "tư cách đặc thù" đối với Covid-19? Nghĩa là, tuy đã chuyển sang "nhóm B" nhưng tùy vào tình hình dịch tễ cụ thể (tỷ lệ bệnh nhân trở nặng, số ca tử vong) ở các địa bàn cụ thể mà có thể áp dụng một số biện pháp phòng, chống nhất định như với bệnh truyền nhiễm nhóm A. Nghĩa là, với Covid-19 cách thức chống chọi phải được áp dụng một cách linh hoạt, mềm dẻo, không rập khuôn, cứng nhắc theo lý thuyết.

Việc chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính cho công tác phòng, chống dịch, giảm áp lực lên các cơ sở y tế, nhân viên y tế, khi người bệnh phải tự trả chi phí điều trị hoặc bảo hiểm y tế thanh toán theo luật định. Vậy, việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là người nghèo, người dễ bị tổn thương sẽ được áp dụng như thế nào khi họ mắc Covid-19? Chữa bệnh suy hô hấp cấp tính nặng không đơn giản, nhất là khi phải áp dụng các biện pháp điều trị tích cực.

Trong khi đó, với đặc tính lây nhanh, người nghèo mắc bệnh lại không có điều kiện tự cách ly an toàn nên rất dễ truyền SARS-CoV-2 cho thành viên gia đình. Một gia đình có thể có 7-10 người bệnh ở nhiều lứa tuổi, nhiều thế hệ. Số tiền để điều trị sẽ rất lớn, quá sức chịu đựng của người yếu thế.

Một vấn đề nữa là, nếu Covid-19 được chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, thì người bệnh được khuyến cáo vẫn tự cách ly vì đã là bệnh truyền nhiễm thì cách ly là điều nên làm. Tuy nhiên, khi đã bỏ việc cách ly bắt buộc thì khó trông chờ vào sự tự giác của người dân và như vậy, bệnh càng có điều kiện lây lan mạnh hơn.

Theo ông Trần Đắc Phu, một số bệnh truyền nhiễm nhóm B vẫn phải được công bố dịch trên toàn quốc. Với Covid-19, khi chuyển sang nhóm B thì tùy tính chất, mức độ của dịch để có quyết định công bố hay không. Đồng thời, chính sách phải được xây dựng sao cho phù hợp vì loại bệnh này có quá nhiều tính chất đặc thù và phức tạp. Nên, theo ý kiến của các chuyên gia y tế, khi nghiên cứu để chuyển Covid-19 sang nhóm B thì cơ quan chức năng cần thành lập các nhóm nghiên cứu, có sự tham gia của các bộ, ngành, các cấp, đặc biệt là Bộ Y tế, đồng thời cần phải có lộ trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ khi chuyển Covid-19 sang 'bệnh nhóm B'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO