Nguy cơ Việt Nam chỉ là nền kinh tế "gia công"

07/12/2012 04:45

Nếu không cải thiện năng lực cạnh tranh, Việt Nam mãi vẫn là nền kinh tế "gia công" với một đàn gà công nghiệp - chỉ lớn lên mà không tăng trưởng về chất lượng và đẳng cấp, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định.

Nguy cơ Việt Nam chỉ là nền kinh tế

Nếu không cải thiện năng lực cạnh tranh, Việt Nam mãi vẫn là nền kinh tế "gia công" với một đàn gà công nghiệp - chỉ lớn lên mà không tăng trưởng về chất lượng và đẳng cấp, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định.

Hội thảo Tái xác định lợi thế cạnh tranh của Việt Nam thông qua tăng cường khả năng thích ứng trước các rủi ro vừa diễn ra sáng 6/12 tại Hà Nội. Nhìn nhận đây là thời điểm khó khăn nhất của Việt Nam nhưng hầu hết diễn giả cho rằng suy thoái như hiện nay chính là lúc để chúng ta "tỉnh ra nhiều" và nhìn nhận lại những lợi thế cạnh tranh sẵn có đã bị bỏ qua.

Có nhiều cơ hội phát triển nhưng các doanh nghiệp chỉ lớn lên mà không tăng được đẳng cấp.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, những năm qua, Việt Nam quá mải phát triển nền kinh tế theo chiều rộng mà không phát triển được theo chiều sâu dù 10 năm trước đã nhận ra điều này.

Ông Lộc nói: "Hy vọng cú sốc kinh tế lần này, với việc hàng loạt doanh nghiệp rút khỏi thị trường, hàng loạt dự án ngừng trệ đã thực sự chặn lại quán tính phát triển theo chiều rộng của nền kinh tế và sẽ mở một cơ hội, một sức ép buộc các doanh nghiệp phát triển với những lợi thế cạnh tranh mới".

Người có phát biểu thẳng thắn nhưng được những người tham dự đánh giá là đúng và trúng nhất là Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên. Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cũng đồng quan điểm với Chủ tịch VCCI khi không ngần ngại gọi nền kinh tế sau 20 năm đổi mới vẫn chỉ là "nền kinh tế gia công".

Hơn thế nữa, ông Trần Đình Thiên đánh giá năng lực hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam "có vấn đề" và đang lãng phí những lợi thế cạnh tranh sẵn có.

"Không chuẩn bị cho hội nhập một cách tích cực nên khi hội nhập đến chúng ta không trở tay được. Ít nước có thể thu hút đầu tư nước ngoài nhiều như Việt Nam - thu hút mấy chục tỷ đôla - mà đẳng cấp vẫn không lên được. Điều này là một sự lãng phí lớn", chuyên gia này cho biết.

Theo vị chuyên gia này, tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI ngày càng tăng lên còn doanh nghiệp trong nước thì giảm sút. Ông Thiên cho rằng, không nên nhìn vào lượng xuất khẩu mà hãy nhìn vào đẳng cấp xuất khẩu.

"Ta đang nuôi doanh nghiệp giống như nuôi gà công nghiệp. Cơ hội phát triển nhiều nhưng doanh nghiệp chỉ lớn lên chứ không tăng chất lượng và đẳng cấp", ông Thiên ví von.

Phản biện lại ý kiến trên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Hòa Bình cho rằng, lĩnh vực doanh nghiệp ông đang hoạt động đang rất cạnh tranh.

Theo người đứng đầu Vietcombank, ở lĩnh vực tài chính ngân hàng, những "con gà công nghiệp" này đang buộc phải chọi với những con gà chọi sừng sỏ là các tổ chức tín dụng trên thế giới.

"Tôi nghĩ lĩnh vực này cạnh tranh rất gay gắt. Minh chứng là, có lúc tỷ giá mua bằng hoặc thậm chí cao hơn tỷ giá bán. Lãi suất thì có lúc cho vay thấp hơn huy động. Về dịch vụ, đôi khi phải tặng thẻ phát hành trước để khách dùng dịch vụ. Vì vậy không thể nói ngành của chúng tôi thiếu cạnh tranh được", ông Hòa Bình dẫn chứng.

Trước nhận xét này, ông Trần Đình Thiên đồng ý tách những "chú gà" tài chính ra khỏi đàn gà công nghiệp nhưng theo ông, "đàn gà" của Việt Nam nhìn chung là đặt trong môi trường ít cạnh tranh. Những doanh nghiệp nào bước vào quỹ đạo hội nhập sớm thì năng lực vươn lên rất rõ ràng.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần FPT - đánh giá, thực sự Việt Nam đã rất hấp dẫn với đầu tư nước ngoài.

Chủ tịch FPT cho rằng nên coi nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam là một lợi thế cạnh tranh bởi nếu nhìn vào Việt Nam mà chỉ thấy những ưu đãi về lao động rẻ thì chưa đủ.

"Tại sao Samsung lại chọn Việt Nam làm nơi xây dựng nhà máy sản xuất lớn nhất thế giới? Khác biệt là ở chỗ, công nhân Việt Nam dám đề xuất với họ nên làm thế này, thế kia", người đứng đầu Tập đoàn công nghệ FPT nhìn nhận.

Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2012 – 2013 vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, xếp Việt Nam ở vị trí thứ 75 trên tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thấp hơn 10 bậc so với bảng xếp hạng năm ngoái, Việt Nam để Philippines vượt qua và trở thành nước đứng áp chót về năng lực cạnh tranh trong số 8 quốc gia ASEAN được lựa chọn khảo sát.

Nói thêm về kết quả này, ông Sushant Palakurthi Rao, Giám đốc phụ trách châu Á của WEF cho hay: "Báo cáo của WEF không đưa ra để dự báo kinh tế, nó cũng không phải một cái bình trong suốt để các bạn nhìn vào đó nói nền kinh tế của mình sẽ đi về đâu. Đây chỉ là cái để nhìn vào biết nền kinh tế của bạn đang hoạt động như thế nào, làm thế nào cải thiện từng lĩnh vực mà thôi".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nguy cơ Việt Nam chỉ là nền kinh tế "gia công"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO