Người Hà Lan ân hận...

THIÊN THANH| 04/06/2009 05:36

Sau khi để cho hàng chục triệu lượt khách khắp thế giới đến tham quan, các công trình kè biển vĩ đại nhất thế kỷ XX được xây dựng vào thập niên 1950 và 1960 thì bây giờ người Hà Lan bỗng nhiên nói ngược lại: “Nếu được làm lại thì chúng tôi sẽ không xây những công trình lấp đá vá bể như thế nữa”.

Người Hà Lan ân hận...

Sau khi để cho hàng chục triệu lượt khách khắp thế giới đến tham quan, các công trình kè biển vĩ đại nhất thế kỷ XX được xây dựng vào thập niên 1950 và 1960 thì bây giờ người Hà Lan bỗng nhiên nói ngược lại: “Nếu được làm lại thì chúng tôi sẽ không xây những công trình lấp đá vá bể như thế nữa”.

Chỉ cần vào Google xem về trận bão với nước biển dâng cao ở mảnh đất thấp nhất thế giới này đêm 31/1/1953, sẽ thấy mức độ kinh hoàng của thiên tai mà người Hà Lan phải hứng chịu. Bão làm nước biển dâng lên phá vỡ đê ngăn mặn và cuốn trôi mọi thứ ra đại dương.

Lúc ấy người Hà Lan đã có lời thề sắt đá là không để tai họa từ biển phá vỡ cuộc sống của họ thêm lần nào nữa. Kè chống lũ tự hành Hollandse Ijssel chắn ngang cửa ngõ nối Rotterdam và biển Bắc, đập cửa lùa Nieuwe Waterweg với hai cánh tay đòn, mỗi cánh dài bằng chiều cao tháp Eiffel được khẩn trương xây dựng với khoảng 7 tỷ USD, chiếm toàn bộ sự quan tâm và niềm tự hào của người Hà Lan suốt nửa cuối thế kỷ XX.

Toàn bộ hệ thống này được xem như kỳ quan thứ tám của thế giới. Cả thế giới ngưỡng mộ những công trình “khủng long” đó. Nó thỏa mãn khát vọng chinh phục thiên nhiên của con người!

Có lẽ cách ứng phó với thảm họa từ thiên nhiên của Hà Lan là câu trả lời hoàn hảo nếu như không có những hồi chuông gióng lên về tình hình biến đổi khí hậu trên toàn thế giới. Càng ngày con người càng đối mặt với những diễn biến khó lường của khí hậu đang nóng lên và mực nước biển dâng cao và càng ngày con người càng hiểu ra rằng cung cách ứng xử thô bạo với thiên nhiên đang bị đáp trả rất nặng nề. Thảm họa đang đến với những vùng đất bình yên nhất trên trái đất. Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam trước đây rất ít bão, thế nhưng trong một thập kỷ qua đã bị nhiều cơn bão lớn tàn phá: năm 1997 là bão Linda, năm 2006 là bão Durion.

Đập cửa lùa Nieuwe Waterweg

Cơn bão Nargis quét qua châu thổ Irawaddy (Myanmar) tháng 5/2008 và hậu quả nặng nề gây ra là một cảnh báo đối với đồng bằng sông Cửu Long. Những phản ứng ngày càng dữ dội của thiên nhiên trong mấy thập niên qua đã hình thành ở phương Tây những nhận thức mới trong cách ứng xử với môi trường tự
nhiên.

Tư duy chinh phục thiên nhiên đang chuyển biến thành chung sống hài hòa với thiên nhiên. Và chính trong bối cảnh đó người Hà Lan bắt đầu thay đổi tư duy, họ không muốn làm một cuộc dời non lấp biển như đã từng làm trong thế kỷ XX, họ mong muốn bất cứ một hành vi nào đối với thiên nhiên cũng phải mang tính thân thiện. Nuôi dưỡng bờ biển đang trở thành một tư duy mới của đất nước Hà Lan, Pháp và nhiều nước phương Tây khác.

Người Hà Lan gần như từ bỏ hoàn toàn ý định tiếp tục xây mới những kè, đập tự hành khổng lồ để đối chọi với biển cả. Họ bắt đầu đưa ra những giải pháp mềm “nuôi dưỡng bờ biển”, và may mắn thay họ được cả thế giới ủng hộ. Bây giờ trên nhiều bờ biển Hà Lan, khung cảnh quen thuộc với du khách là tàu hút cát từ biển vào để nuôi dưỡng bờ biển. Việt Nam sẽ là vùng chịu nhiều ảnh hưởng của mực nước biển dâng.

Trong khoảng 10 năm nay, ở khắp các vùng duyên hải Việt Nam luôn diễn ra cuộc chiến chống biển xâm thực, chống mất dải bờ biển. Bờ biển vàng Cửa Đại Hội An, nơi trung tâm du lịch biển phát triển mạnh, có giá trị tấc đất tấc vàng nhưng mỗi mùa biển động, hàng chục hecta đất vàng nằm trong các dự án xây dựng resort lại trôi tuột ra biển theo chân sóng dữ. Người dân sống quanh khu vực biển Lộc An (Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn lo sợ khi thấy bờ biển ngày càng xói lở nghiêm trọng.

Chỉ trong vòng 13 năm, từ 1991 đến 2004, quá trình xói lở làm dải đồi cát ven biển cao gần 10m, dài hơn 1.000m bị xóa sổ. Đường bờ biển bị đẩy lùi vào bên trong, có đoạn vào sâu 180m với hàng triệu mét khối cát biến mất. Đến đầu năm 2003, có 2 cửa mới
hình thành, nối thông đầm phá với biển. Phía trong là các công trình kinh tế xã hội quan trọng như tuyến đường huyết mạch
ven biển của tỉnh, khu dân cư, khu du lịch, khách sạn...

Nếu không kịp thời ngăn chặn, Lộc An sẽ mất hệ sinh thái ngập mặn có giá trị. Sau nhiều lần trồng cây giữ đất, xây dựng đê lấp các cửa biển thất bại, sóng biển đã đánh sập hết các công trình, chính quyền địa phương gần như bất lực trong việc chống xói lở... Người Việt Nam chưa xây những công trình kè biển vĩ đại như Hà Lan và may mắn tiếp cận được tư duy mới của họ. Ở nhiều vùng như Lộc An - Vũng Tàu, người Việt đang giữ biển theo công nghệ mềm, những ống phun cát miệt mài đưa cát vàocác công trình “mềm” này giúp bờ biển được bồi tụ tự nhiên và lấn ra biển mỗi năm đến 50m.

Đó là những công trình hoàn toàn thân thiện với thiên nhiên, với đời sống của con người, không hề có “phản ứng phụ”. Ở những nơi khác, cuộc chiến để giữ lại các khu rừng ngập mặn (như rừng ngập mặn Cần Giờ) đã được các nhà khoa học đánh giá là công trình mềm tuyệt vời để chống lại sức mạnh của biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người Hà Lan ân hận...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO