Ngành dầu khí: Triển vọng tích cực

15/07/2009 01:26

Trong dài hạn, ngành dầu khí Việt Nam vẫn rất tiềm năng và có nhiều triển vọng tích cực.

Ngành dầu khí: Triển vọng tích cực

Trong dài hạn, ngành dầu khí Việt Nam vẫn rất tiềm năng và có nhiều triển vọng tích cực. Mặc dù cả OPEC và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cùng dự đoán rằng, nhu cầu dầu thô toàn cầu sẽ hạ xuống trong ngắn hạn, nhưng theo phân tích của CTCK Kim Eng, trong dài hạn, ngành dầu khí Việt Nam vẫn rất tiềm năng và có nhiều triển vọng tích cực.

Biến động của giá dầu thế giới

Giá dầu thế giới trong những năm gần đây có những biến động mạnh. Sau khi đạt mức cao kỷ lục 147 USD/thùng hồi đầu tháng 7/2008, giá dầu rớt 77,6% trong vòng 6 tháng, xuống 33 USD/thùng, mức thấp nhất trong vòng 5 năm.

Sau đó, giá dầu liên tục biến động, khôi phục dần quanh mức 70 USD/thùng từ tháng 6/2009.

Sụt giảm tiêu thụ xăng dầu toàn cầu

Báo cáo hàng tháng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho thấy, do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, dự báo mức tiêu thụ xăng dầu năm 2009 liên tục được điều chỉnh: từ -0,6 triệu thùng/ngày trong tháng Hai xuống -1,0 triệu thùng/ngày trong tháng Ba, -1,4 triệu thùng/ngày trong tháng Tư và -1,6 triệu thùng/ngày trong tháng Năm.

Giá trị xuất khẩu dầu thô của Việt Nam vẫn ở mức cao

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - nhà độc quyền trong ngành dầu khí ở Việt Nam đã có 62 hợp đồng dầu khí trong năm 2008. Với 5 mỏ dầu mới được phát hiện năm 2008 đã gia tăng trữ lượng dầu khí của Việt Nam thêm 127 triệu tấn. PVN đạt mức sản lượng kỷ lục 15 triệu tấn dầu thô và 7,5 tỷ mét khối khí trong năm 2008.

Cũng trong năm này, Việt Nam xuất khẩu 13,8 triệu tấn dầu thô, đạt giá trị 10,4 tỷ USD. Mặc dù khối lượng xuất khẩu giảm 8,7%, nhưng giá trị xuất khẩu vẫn tăng trưởng ấn tượng 21,9% nhờ giá xăng dầu thế giới tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2008.

Việt Nam sẽ cần ít nhất là 6,5 triệu tấn dầu thô/năm để cung cấp cho Dung Quất - nhà máy lọc dầu đầu tiên đi vào hoạt động từ năm 2009 và mở hết công suất trong năm 2010.

Việt Nam trở thành nước nhập siêu xăng dầu

Năm 2008, Việt Nam trở thành nước nhập siêu xăng dầu với giá trị nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu là 13 tỷ USD, trong khi giá trị xuất khẩu dầu thô chỉ đạt 10,4 tỷ USD.

Nhu cầu trong nước cho các sản phẩm dầu thành phẩm được dự đoán sẽ tăng 8%/năm trong giai đoạn 2008 - 2010, trong khi khai thác và sản xuất dầu thô 10 năm qua chỉ tăng trưởng với mức tăng kép bình quân hàng năm (CAGR) là 4%.

Việt Nam sẽ cần ít nhất là 6,5 triệu tấn dầu thô/năm để cung cấp cho Dung Quất - nhà máy lọc dầu đầu tiên đi vào hoạt động từ năm 2009 và mở hết công suất trong năm 2010.

Nhu cầu dầu thô sẽ còn tăng thêm 18,4 triệu tấn/năm khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và Nhà máy Lọc dầu số 3 Long Sơn lần lượt đi vào hoạt động trong năm 2013 và 2014. Do vậy, Việt Nam có thể sẽ phải nhập khẩu thêm dầu thô trong thời gian tới.

Mở rộng các hoạt động thăm dò khai thác và chế biến sản phẩm dầu khí

Theo như kế hoạch của PVN, tập đoàn này sẽ đầu tư 19 tỷ USD trong giai đoạn 2009 - 2015 để mở rộng các hoạt động lọc và chế biến dầu. Ngoài ra, PVN đang tích cực tìm kiếm các dự án thăm dò và khai thác cả trong và ngoài nước.

Hiện tại, PVN đã tham gia 20 dự án thăm dò và khai thác ở nước ngoài cùng các tập đoàn dầu khí lớn. Sự mở rộng của Tập đoàn vào các hoạt động thượng nguồn cũng như hạ nguồn dự kiến sẽ làm gia tăng nhu cầu về giàn khoan cũng như các thiết bị và dịch vụ kỹ thuật dầu khí.

Tiêu thụ gas tiếp tục tăng

Năm 2008, PVN cung cấp khoảng 7 tỷ mét khối khí, 70 ngàn tấn khí cô đặc và 260 ngàn tấn khí hóa lỏng cho sản xuất hoá chất, phân đạm, sản xuất điện và vận tải. Tuy nhiên, sản xuất khí nội địa hiện tại chủ yếu dành cho các nhà máy điện và phân đạm, chứ chưa phục vụ dân dụng do thiếu hụt nguồn cung.

Nhu cầu nội địa đối với sản phẩn gas dự kiến tăng 10%/năm cả trong khu vực công nghiệp và dân dụng. Mức sống được nâng lên, sự bùng nổ các dự án xây dựng, xây mới các nhà máy phân đạm và nhiệt điện sẽ là yếu tố thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ gas và khí hoá lỏng.

Triển vọng

Mặc dù cả OPEC và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cùng dự đoán rằng, nhu cầu dầu thô toàn cầu sẽ hạ xuống trong ngắn hạn, nhưng chúng tôi vẫn lạc quan vào tiềm năng dài hạn của ngành dầu khí Việt Nam.

Ngoài việc Việt Nam là một trong những nước mới nổi thuộc khu vực có tốc độ tăng trưởng dương, nhu cầu ngày càng tăng về dầu khí của Việt Nam trong tương lai là chất xúc tác quan trọng cho sự phát triển của ngành này.

Chúng tôi tin rằng, Tổng công ty Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) là một đại diện tiêu biểu trong ngành dầu khí Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành dầu khí: Triển vọng tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO