Mua trái phiếu doanh nghiệp “ba không”: Rủi ro là rất lớn

Song Anh| 29/01/2021 06:00

Thiên về kỳ vọng lợi tức cao, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tiềm ẩn rủi ro đối với nhiều nhà đầu tư. Đó là ý kiến của PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính.

TS. Đinh Trọng Thịnh

TS. Đinh Trọng Thịnh

* Thị trường đang nóng lên với trái phiếu doanh nghiệp “ba không”: không xếp hạng, không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán vẫn có thể phát hành. Ông bình luận thế nào về tình trạng này?

- Trái phiếu vốn cần thiết cho nền kinh tế thị trường, nên việc huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu cũng là biện pháp tương đối phổ biến trên thế giới. Việt Nam mong muốn thị trường trái phiếu phát triển, nhưng việc mua bán trái phiếu là vấn đề còn quá mới, lại chưa có luật định. 

Tuy nhiên, việc nhiều doanh nghiệp cần vốn là cứ phát hành, với lãi suất 12-13%/năm, thậm chí có doanh nghiệp đưa ra lãi suất 16-17%/năm để thu hút người mua. Tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp này đã tự ý phát hành mà không có cơ quan nào đứng giữa đảm bảo. 

Trong khi đó, nhiều người có tiền, thường được gọi là nhà đầu tư hay trái chủ, không nắm vững các điều kiện thị trường và quy định, chính sách liên quan đến trái phiếu. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, đầu tư vào trái phiếu thì khó bị mất. Trong khi đó, đổ vốn vào những doanh nghiệp “ba không” rủi ro là rất lớn, thậm chí có tình trạng lừa đảo thông qua hình thức huy động vốn này.

* Theo ông, tình trạng này bắt nguồn từ đâu?

- Nó bắt nguồn từ việc lãi suất huy động của ngân hàng xuống chậm, lại khó vay, trong khi đó thị trường tài chính của nước ta mới phát triển và thiếu quy định rõ ràng và chi tiết về phát hành trái phiếu. Cạnh đó, bản thân những người có vốn, thường gọi là nhà đầu tư hay trái chủ, không được trang bị đầy đủ kiến thức về trái phiếu doanh nghiệp và không loại trừ lòng tham của một số cá nhân. Sẽ là “liều mạng” nếu nhà đầu tư chỉ nhìn vào lãi suất cao của trái phiếu doanh nghiệp. 

* Theo ông thì nền kinh tế sẽ ra sao nếu như “quả bom trái phiếu doanh nghiệp” phát nổ?

- Nếu phát nổ, nó có thể gây ra những xáo trộn, rối loạn thị trường tài chính - tiền tệ, gây tắc nghẽn dòng vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và làm cho nền kinh tế đi chậm lại. Bởi vì, khi nó phát nổ, các dòng vốn sẽ bị đảo lộn, thậm chí tới mấy năm sau các nhà đầu tư vẫn ngại bỏ tiền mua. 

Trái phiếu gắn liền với năng lực tài chính của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp vỡ nợ, có nghĩa trái phiếu không còn giá trị. Do đó, việc cần làm ngay là giúp các nhà đầu tư hiểu biết nhiều hơn về trái phiếu. Chỉ khi đó, nước ta mới có được thị trường trái phiếu hoạt động đúng nghĩa. 

Việc phát hành trái phiếu như thế nào cũng cần được quy định rõ và phải được quản lý một cách chặt chẽ. Đặc biệt với Việt Nam, một thị trường mới chỉ đi những bước chập chững, càng cần sự kiểm tra, giám sát và quản lý của Nhà nước cũng như các cơ quan chức năng có liên quan. 

* Như vậy, cơ chế quản lý nhà nước và chế tài xử lý lại một lần nữa đi sau thị trường?

- Đúng vậy. Thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp rầm rộ phát hành trái phiếu, nhưng chưa có tổ chức có trách nhiệm đứng ra xử lý, tránh cho thị trường đi vào rối loạn và bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư. 

Xử lý thực trạng này, cơ chế, chính sách liên quan đến thị trường vốn cần đẩy nhanh hơn nữa. Đặc biệt, phải có giải pháp để nhà đầu tư tiếp cận được thị trường trái phiếu với các cơ chế đảm bảo. Những quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng như điều kiện đảm bảo phải được làm rõ. Chỉ như vậy mới hy vọng có được thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh và bền vững. 

* Thị trường tài chính bị đảo lộn do doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn phát hành trái phiếu, vấn đề này từng xảy ra trên thế giới, phải không, thưa ông?

- Điều này chỉ xảy ra với những nước mới bắt đầu phát triển kinh tế thị trường. Ở những nước phát triển, họ có luật hay những chính sách, quy định chi tiết và rõ ràng doanh nghiệp thuộc loại nào được phát hành trái phiếu, phát hành như thế nào, mức lãi suất bao nhiêu... Các nhà đầu tư trong nền kinh tế thị trường biết rằng đầu tư vào trái phiếu là rủi ro không nhỏ, cho nên họ luôn xem xét tình hình tài chính, khả năng vay nợ, trả nợ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Kế đến, họ cân đối rủi ro và cuối cùng mới xem xét đến lợi nhuận khi đầu tư. Tại Việt Nam, nhiều nhà đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp đã không làm được điều này. Do đó, nhìn vào thị trường có thể thấy rõ những bất ổn. 

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mua trái phiếu doanh nghiệp “ba không”: Rủi ro là rất lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO