Một nét thiên tài, một tầm tư tưởng

TƯƠNG LAI| 19/05/2010 09:10

Bác Hồ trân trọng tình yêu nước, nghĩa đồng bào của giới “thân sĩ, trí thức, phú hào” cũng như giới công thương, “những người giàu thì [được quyền] giàu thêm”!

Một nét thiên tài, một tầm tư tưởng

“Một đội ngũ, một tầm nhìn” mục tiêu phần đấu của đội ngũ doanh nhân gợi nhớ đến cũng đội ngũ ấy với những bước thăng trầm nghiệt ngã dưới tác động của một tầm nhìn trước đổi mới, để từ đó hiểu rõ một tầm nhìn khác, tầm nhìn ghi dấu ấn thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đó là tư tưởng Hồ Chí Minh về “dân giàu nước mạnh” thể hiện nhất quán trong tư duy cũng như trong chỉ đạo thực tiễn từ buổi đầu dựng nước cho đến “điều mong muốn cuối cùng” của Người trong di chúc.

Khởi đầu là lời nhắn nhủ “xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”; “nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp thương nghiệp, thịnh vượng” trong “Thư gửi các giới công thương Việt Nam” bốn mươi ngày sau “Tuyên ngôn Độc lập” 2/9/1945, ngày 13/10/1945. Đó cũng là lý do ngày này được chọn làm “Ngày Doanh nhân Việt Nam”.

Ý tưởng ấy, Hồ Chí Minh đã nêu lên vào tháng 2 năm 1947 trong buổi nói chuyện với đồng bào và cán bộ, chiến sĩ ở Thanh Hóa, chỉ gần hai tháng sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946. Đó là lúc Trung ương và Chính phủ chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc, đầu não của cuộc kháng chiến. Đang làm việc ở Chùa Thầy, Bác Hồ quyết định cần đi ngay vào Thanh Hóa trước khi lên Việt Bắc. Ngày 17/2/1947 xuất phát, đêm nghỉ lại ở đồn điền Chi Nê, hôm sau đến thị xã Thanh Hóa.

Tại đây, ngày 20/2/1947 Bác nói chuyện với “các đại biểu thân sĩ, trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa”. Cùng với việc nhắc nhở đồng bào tham gia kháng chiến, Bác dành nhiều thì giờ nói về việc xây dựng xã hội mới. Hai lần Bác nhăc đến mục tiêu kinh tế của xã hội mới đó: “Nghèo trở nên đủ, đủ trở nên giàu và giàu thì giàu thêm”; “Làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm”.

Nội dung xây dựng xã hội mới được Bác diễn đạt một cách dễ hiểu nhưng rất hàm súc, thể hiện được khát vọng cháy bỏng của mọi tầng lớp nhân dân. Trong khẩu hiệu “nghèo trở nên đủ, đủ trở nên giàu và giàu thì giàu thêm” mọi tầng lớp nhân dân đều có mặt, không thiếu một ai. Càng thấy rõ hơn ý nghĩa sâu sắc điều này khi đối chiếu với những vấn nạn do sự áp đặt một cách khiên cưỡng và giáo điều những mệnh đề lý luận về đấu tranh giai cấp được hiểu một cách thô thiển và lệch lạc.

Thật ra Hồ Chí Minh đã bác bỏ giáo điều nguy hại ấy từ những năm 20 thế kỷ trước, khi khẳng định ở Việt Nam “cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây”. Chính vì thế, phải “phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản” với lập luận rằng “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn nhất của đất nước...

Người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên động lực vĩ đại và duy nhất của đời sống xã hội của họ”. Ngẫm nhìn lại lịch sử, cứ lúc nào nắm vững luận điểm cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh, xác lập vững chắc mục tiêu dân tộc thì lúc ấy cách mạng tiến bước thắng lợi. Lúc nào giáo điều, áp đặt một cách máy móc, đưa nội dung đấu tranh giai cấp lên trước, làm mờ nội dung dân tộc thì lúc ấy cách mạng sẽ phải gánh chịu những thất bại nặng nề.

Xin nhắc lại một chi tiết đáng suy nghĩ. Trong tập 5 của “Hồ Chí Minh toàn tập”, ở trang trước liền kề “Bài nói chuyện với các đại biểu thân sĩ, trí thức phú hào tỉnh Thanh Hóa” có lá thư viết ngày 19/2/1947 yêu cầu: “1. Trả đồn điền của ông Phạm Lê Bổng lại cho ông ấy. 2. Người quản lý hiện giờ, phải trả lại sản vật hoa mùa đầy đủ theo lệ thường. Nếu thiếu hoặc hư hỏng vật gì, thì theo phép luật mà xử trí. Nếu người quản lý mượn tên người nào hoặc đoàn thể nào mà làm quấy, thì cứ theo phép luật mà trị. 3. Hôm trước, ông Bổng có hứa với tôi: Đồn điền đó có thể thu nạp 500 đồng bào tản cư. Hỏi lại ông ấy rõ ràng. Thật có thể hay không. Nếu quả có thể, thì bao giờ người tản cư đến được. 4. Làm xong việc rồi, báo cáo cho tôi biết”.

Bác Hồ trân trọng tình yêu nước, nghĩa đồng bào của giới “thân sĩ, trí thức, phú hào” cũng như giới công thương, “những người giàu thì [được quyền] giàu thêm”!

Với Hồ Chí Minh, không một tầng lớp xã hội nào không được quan tâm. Một lần nữa cho thấy cơ sở xã hội của Nhà nước trong tư tưởng Hồ Chí Minh là rất rộng lớn và không hề thay đổi phạm vi trong quá trình cách mạng: cơ sở đó là dân tộc.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, không hề có chuyện khi bước lên một giai đoạn cao hơn thì Nhà nước thu hẹp cơ sở xã hội ấy lại, gạt bỏ một số giai cấp và tầng lớp. Với Hồ Chí Minh, không tầng lớp xã hội nào “nửa đường đứt gánh”, càng tuyệt đối không có chuyện “qua sông đắm đò”. Thiên tài, chỉ có thể gọi là thiên tài về tư tưởng, và tầm nhìn ấy.Đừng quên rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh về “dân giàu nước mạnh” để trở thành Nghị quyết của Đảng về “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” phải mất gần nửa thế kỷ!

Thời điểm xuất hiện thuộc phạm trù lịch sử. Có tôn trọng lịch sử thì mới hiểu và theo được tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong dòng chảy lịch sử ấy, Hồ Chí Minh có lúc hé lộ ra những dự phóng mà càng suy ngẫm càng hiểu ra điều gọi là thiên tài ấy. Chẳng hạn, năm 1941, trong cuốn sách nhỏ viết làm tài liệu tuyên truyền về “Lịch sử nước ta”, ở cuối có mục “Những năm tháng quan trọng”, Bác viết: “1945 - Việt Nam độc lập”!

Trong Tổng tập Hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, lúc ấy có người hỏi Bác về điều này, Bác chỉ trả lời: “Để xem sao”! Hoặc như trong diễn văn đọc tại lễ mừng Quốc khánh 2/9/1960, Bác nói: “Toàn dân ta đoàn kết nhất trí, bền bỉ đấu trang, thì chậm lắm là 15 năm nữa, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc - Nam nhất định sẽ sum họp một nhà”.

Trong bút tích bản thảo in trên báo “Nhân Dân” số ra ngày 30/4/1985 cho thấy: Bác gạch dưới những chữ “chậm lắm là 15 năm nữa”! Hoặc như vào đầu năm 1969, Bác đã lưu ý đồng chí Tư lệnh bộ đội Phòng không - Không quân: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua... Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội!”.

Phải đặt cái nhìn của Hồ Chí Minh về doanh nhân, về trí thức trên cái bệ phóng thiên tài của tư duy Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, gắn liền tầm vóc tư duy của lãnh tụ với những ánh thiên tài phát lộ như vừa dẫn ra ở trên, mới thấy ra được vai trò và trách nhiệm của doanh nhân và trí thức trong sự nghiệp phát triển đất nước với giai đoạn lịch sử mới.

Từ chiều dài lịch sử ấy, bằng sự khảo nghiệm của thực tiễn, càng nổi rõ lên bài học sống động: lúc nào thực sự giương cao ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta gặt hái những thành tựu lớn lao, lúc nào xa rời tư tưởng đó, nói một đằng làm một nẻo, cái giá phải trả rất nặng nề. Điều này ai cũng có thể thấy.

Trải nghiệm lịch sử ấy cho thấy: học tập tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, trước hết là học theo tầm nhìn Hồ Chí Minh để có những quyết sách đúng với tư tưởng Hồ Chí Minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Một nét thiên tài, một tầm tư tưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO