Mở cửa đón kiều bào về làm viên chức

27/10/2010 08:35

Một số lần chúng tôi đi công tác tìm hiểu cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thì họ nói Quốc hội các bác cứ tranh luận làm gì chuyện này cho mất thời gian. Thực tế hiện nay chẳng có ai muốn về để đăng ký vào viên chức ở Việt Nam”

Mở cửa đón kiều bào về làm viên chức

“Một số lần chúng tôi đi công tác tìm hiểu cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thì họ nói Quốc hội các bác cứ tranh luận làm gì chuyện này cho mất thời gian. Thực tế hiện nay chẳng có ai muốn về để đăng ký vào viên chức ở Việt Nam” - viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo (đại biểu Kiên Giang) cho biết tại phiên Quốc hội thảo luận về dự án Luật viên chức sáng 26/10.

GS Ngô Bảo Châu trong buổi về làm việc tại Viện Toán học Việt Nam vào tháng 9/2010 - Ảnh: V.Dũng

Ông Thảo cho rằng quy định người Việt Nam ở nước ngoài phải cư trú tại Việt Nam thì mới được tuyển làm viên chức sẽ rất khó thực hiện. “Ví dụ như GS Ngô Bảo Châu, chính lãnh đạo nước ta cũng muốn mời về để làm viện trưởng Viện Toán học, bây giờ nếu quy định rằng người có hai quốc tịch thì loại trừ hoặc phải thường trú tại Việt Nam thì đúng là kẹt.

GS Ngô Bảo Châu mang hai quốc tịch (Pháp và Việt Nam) và cũng đi đi lại lại” - ông Thảo nói. Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Ngô Đức Mạnh (Bình Phước) đề nghị: “Với những người có tài năng thật sự như vậy, nhất là có tâm huyết thì không thể là tuyển dụng hay làm đơn để xin tuyển mà rõ ràng phải có những cơ chế khác như mời tham gia điều hành quản lý, nhất là phải gắn người ấy với vị trí công việc, với tên tuổi của đơn vị sự nghiệp công lập”.

GS Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) phân tích: “Hôm nay viên chức ấy có thể ở Seoul nhưng sau năm tiếng đồng hồ đã có mặt tại Hà Nội, và hôm nay ở New York nhưng một ngày sau đã có thể có mặt tại Hà Nội rồi. Trong xu thế hội nhập này mà đưa ra những rào cản như vậy thì liệu có thu hút được những trí tuệ của công dân hay không, dù họ vẫn cứ ở nước ngoài”.

Không nên cấm viên chức đình công

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng đề nghị Quốc hội không nên đưa vào luật nội dung cấm viên chức tham gia đình công: “Bởi vì người viên chức, người công nhân, người dân không còn quyền gì cả ngoài quyền phản ứng một cách tiêu cực bằng cách đình công để ép những người quản lý phải thực hiện đảm bảo quyền lợi cho người ta. Bây giờ mình lại cấm thì theo tôi nghĩ có nên không? Tôi nghĩ công chức là phục vụ nhân dân, trực tiếp giải quyết công việc của dân cho nên anh không được phép đình công, nhưng viên chức thì có thể”.

Vấn đề được các đại biểu thảo luận sôi nổi là có hay không thành lập hội đồng quản lý trong các đơn vị sự nghiệp.

Theo ông Mạnh: “Dự án luật cố gắng đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị sự nghiệp công nhưng bên cạnh đó tôi thấy cần có hội đồng quản lý. Tôi nghĩ người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công thực chất là người quản lý và điều hành đơn vị sự nghiệp ấy, cho nên người này cần được giao quyền tự chủ. Tất nhiên để bảo đảm sự vận hành hiệu quả của đơn vị sự nghiệp công cần phải có cơ chế giám sát, kiểm tra và nhất là về những lĩnh vực chuyên môn”.

Ông Lê Văn Học (Lâm Đồng) cũng cho rằng hiện nay có “nhiều thủ trưởng làm việc rất lạm quyền và độc đoán. Nếu hội đồng quản lý được thành lập thì sẽ có một cơ quan rất tốt để giám sát hoạt động”. Tuy nhiên, GS Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) lại cho rằng: “Chúng ta không nên đẻ thêm bộ máy để đến lúc nào đó lại nói là nó không có hiệu quả như HĐND quận, huyện, phường chẳng hạn, bởi vì trong đơn vị sự nghiệp công lập thì quyền quyết định nhiều việc nằm ở đảng ủy. Bây giờ ta có thêm một tổ chức giám sát, một hội đồng quản lý thì nó làm cái gì?”.

“Viên chức hiểu nôm na là người làm công ăn lương trong khu vực dịch vụ không phải là sản xuất, người ta gọi người lao động cổ cồn trắng” - TS Trần Du Lịch (TP.HCM) nói. Luật viên chức ra đời nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa, giúp các đơn vị sự nghiệp vận hành theo các quy luật của thị trường, thu gọn bộ máy công chức nhà nước. Theo đó, nếu được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012, sẽ có khoảng 1,6 triệu người (phần lớn là giáo viên và y, bác sĩ) không được điều chỉnh bởi Luật cán bộ, công chức nữa mà sẽ trở thành viên chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mở cửa đón kiều bào về làm viên chức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO