Làm sao giải ngân nguồn vốn ODA cho hiệu quả?

10/12/2012 03:34

Làm sao giải ngân nguồn vốn ODA hiệu quả vẫn là vấn đề còn “mắc” của Việt Nam. Bởi thế, thời gian tới, Việt Nam sẽ ưu tiên nguồn vốn đối ứng ODA lên hàng đầu nhằm giải quyết những khó khăn này.

Làm sao giải ngân nguồn vốn ODA cho hiệu quả?

Làm sao giải ngân nguồn vốn ODA hiệu quả vẫn là vấn đề còn “mắc” của Việt Nam. Bởi thế, thời gian tới, Việt Nam sẽ ưu tiên nguồn vốn đối ứng ODA lên hàng đầu nhằm giải quyết những khó khăn này.

Hầm đường bộ Kim Liên thuộc nút giao thông Kim Liên - Đại Cồ Việt, công trình được xây dựng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản
>Khai mạc Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho VN
>
Nhật Bản tiếp tục là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho VN

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tại buổi họp báo bế mạc Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) 2012 được tổ chức chiều 10/12.

Nói rõ hơn, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, băn khoăn lớn nhất của các đối tác phát triển của Việt Nam là làm sao giải ngân triển khai và thực hiện các cam kết đúng tiến độ. Đây là vấn đề thường xuyên bị mắc của Việt Nam.

Bộ trưởng Vinh cũng chỉ ra những nguyên nhân chính là các đối tác Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu vốn đối ứng. Các bộ, ngành địa phương khi ký kết các dự án đối ứng thường không căn cứ khả năng ngân sách của mình mà trông chờ vào nguồn vốn từ Trung ương

Ông Vinh cũng cho rằng, đây là bài toán khó trong năm năm tới nhưng Chính phủ sẽ đặc biệt lưu tâm. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong năm 2012, chính phủ Việt Nam đã ứng thêm cho các dự án ODA là khoảng 5.000 tỷ đồng.

Từ năm 2013, nguồn vốn được dự báo sẽ tiếp tục hạn hẹp song để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nguyên tắc ưu tiên vốn đối ứng ODA lên hàng đầu và yêu cầu các Bộ, ngành chú ý thực hiện.

Thêm vào đó, những hình thức giải ngân ODA sẽ được mở rộng việc tìm kiếm vốn đối ứng từ mô hình đối tác công tư (PPP).

Về phía Ngân hàng Thế giới, bà Victoria Kwakwa cho biết, WB cũng đã có nhiều biện pháp thúc đẩy những dự án thông qua các hình thức giám sát nhằm phát hiện sớm những vấn đề tiêu cực có thể xảy ra.

Bà Kwakwa cũng đề cao trách nhiệm việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của Việt Nam trong việc quản lý dự án hay mua sắm.

Nói thêm về vấn đề này, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, hiện ADB đang quản lý số vốn trong các dự án tại Việt Nam lên tới 7,5 tỷ USD. Bởi thế, ADB rất chú trọng tới việc kiểm soát và đánh giá quá trình thực hiện các dự án này.

Giải pháp của ADB hướng tới việc nâng cao năng lực quản lý cho cơ quan chủ quản, đối tác thực hiện dự án.

Đề cập tới khó khăn khác trong việc giải ngân nguồn vốn ODA, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, việc giải phóng mặt bằng ở các dự án lớn hiện còn chậm. Thêm vào đó, năng lực và tính chuyên nghiệp của các ban quản lý dự án còn thấp.

Ngoài ra, Bộ trưởng Vinh cũng nhấn mạnh tình trạng tham nhũng cũng là một trong những băn khoăn lớn của nhà tài trợ. Tuy nhiên, đại diện của Chính phủ Việt Nam khẳng định sẽ đưa ra thêm những sáng kiến nhằm hạn chế, tránh việc thất thoát nguồn vốn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Vinh cho rằng, thành công của hội nghị lần này là Việt Nam và các đối tác đã có sự chia sẻ hiểu biết và tạo ra sự tin tưởng lẫn nhau.

Ngoài ra, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến, phản hồi, đóng góp cho Việt Nam về kinh nghiệm tái cơ cấu ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu doanh nghiệp. Ông Vinh khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp thu và chắt lọc những ý kiến trên để cải tạo môi trường kinh doanh trong nước tốt hơn.

Đồng ý với những ý kiến này, bà Kwakwa, đại diện WB tại Việt Nam cho rằng, hội nghị CG những năm tới sẽ có nhiều thay đổi. Theo đó, CG năm nay sẽ là hội nghị cuối cùng để huy động nguồn vốn tài trợ. Những năm sau đó, CG hy vọng sẽ là nơi các bên đối thoại về chính sách cấp cao và hướng tới hành động cụ thể hơn.

Chính phủ Việt Nam và các đối tác cũng thống nhất chỉ họp CG mỗi năm 1 lần và tăng cường đối thoại trước hội nghị để phản ánh tốt hơn những nhu cầu của Việt Nam với tư cách là một nước thu nhập trung bình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làm sao giải ngân nguồn vốn ODA cho hiệu quả?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO