Làm báo thời kỹ thuật số phải đặt cái tâm lên trên

Theo Cổng thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông| 18/06/2015 06:46

Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, trước hết người làm báo phải đặt cái tâm của mình lên trên.

Làm báo thời kỹ thuật số phải đặt cái tâm lên trên

Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2015), Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã có cuộc trao đổi với báo chí về đạo đức người làm báo trong tình hình hiện tại - thời đại kỹ thuật số, và vấn đề đang được dư luận quan tâm là quy hoạch báo chí.

* Thưa Thứ trưởng, năm 2015, Báo chí Cách mạng Việt Nam tròn 90 năm xây dựng và phát triển, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá như thế nào về sự đóng góp của các cơ quan báo chí và các nhà báo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay?

- Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Trong chặng đường 90 năm qua, Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và đã có những đóng góp to lớn. Ngay những ngày đầu chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng, Báo chí Cách mạng đã đi đầu trong việc tuyên truyền, quảng bá Chủ nghĩa Mác - Lênin, đưa phong trào công nhân từ tự phát lên tự giác. Khi phong trào cách mạng đã bước vào giai đoạn phát triển mới, Báo chí Cách mạng Việt Nam tiếp tục đồng hành với Đảng và dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống hai kẻ thù xâm lược là Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ.

Tiếp tục phát huy truyền thống Báo chí Cách mạng Việt Nam, trong thời gian qua, Báo chí Việt Nam nói chung đã có những đóng góp rất quan trọng và luôn đồng hành cùng dân tộc. Và trong thời đại mới, CNTT, mạng Internet, truyền thông mạng,... Báo chí cũng phải không ngừng phát triển để theo kịp với xu thế phát triển của thời đại. Đó chính là cái mới của báo chí hiện nay trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra thế giới.

Và trong công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội, Báo chí Cách mạng đã đẩy mạnh, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đó là những công lao rất to lớn của Báo chí khi luôn đồng hành, giúp mọi người dân tin tưởng vào đường lối của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Theo đó, báo chí phải luôn đi đầu, thông tin nhanh nhạy, kịp thời, chính xác giúp nhân dân trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về Việt Nam trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng với thế giới.

Thời gian qua, báo chí đã thể hiện vai trò tiên phong, làm rõ vấn đề biển Đông, nhất là sau vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thì báo chí đã tham gia, đi cùng với lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân đưa tin, phản ảnh một cách kịp thời, chính xác để thông tin cho mọi người dân Việt Nam cũng như kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ về chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Báo chí cũng làm rõ tính chính nghĩa, tính pháp lý, căn cứ lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Bên cạnh đó, báo chí còn tuyên truyền tốt việc ngư dân bám biển, các mô hình, tổ đội phát triển kinh tế biển; phản ánh tình hình biển Đông khá toàn diện, khẳng định người Việt Nam chúng ta thấu hiểu giá trị của hòa bình là như thế nào, trải qua các cuộc chiến tranh đã đổ biết bao xương máu, chúng ta thấy được giá trị vô cùng to lớn của hòa bình. Người Việt Nam luôn luôn khát vọng về hòa bình và mong muốn giải quyết các tranh chấp trên biển Đông bằng biện pháp hòa bình.

* Thực tế cho thấy, trong thời gian qua vẫn còn nổi lên tình trạng một số ít tờ báo và cá nhân nhà báo chưa hoàn thành nhiệm vụ, cá biệt vẫn còn những bài báo có nội dung thông tin thiếu chính xác, gây phản cảm và tạo những hiệu ứng không tốt trong xã hội. Vậy để quản lý tốt hơn lĩnh vực này, theo Thứ trưởng thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục có những giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng trên?

- Trước hết phải khẳng định rằng những mặt tích cực của báo chí vẫn là dòng chủ đạo. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nơi này, nơi khác báo chí chưa thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của mình, cũng như một số phóng viên báo chí ở một số cơ quan báo chí đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm các quy định về tác nghiệp, cho ra đời những tác phẩm không mong muốn, làm phiền lòng không những cơ quan Đảng, Nhà nước mà còn ảnh hưởng tới nhân dân. Chính vì vậy, đối với hiện tượng này trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các cơ quan quản lý, chỉ đạo như Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã đưa ra một số giải pháp để khắc phục.

Cụ thể, chúng ta vừa xây dựng xong Quy hoạch Phát triển và Quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Quy hoạch này cũng là bước để chúng ta sắp xếp lại hệ thống báo chí, làm cho báo chí phát triển mạnh lên, tránh sự chồng chéo, sai sót không đáng có. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng được giao nhiệm vụ biên soạn Dự thảo Luật Báo chí mới quy định rõ những điều báo chí được làm và không được làm. Dự thảo Luật đã tổ chức hội thảo xin ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí tại hai khu vực Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, và đã được đưa lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông vào tháng 4/2015 vừa qua.

* Quy hoạch báo chí trên thực tế đang là vấn đề rất được xã hội quan tâm. Vậy, sau khi được phê duyệt, diện mạo báo chí trong nước sẽ thay đổi như thế nào và mục tiêu lớn nhất của Quy hoạch báo chí là gì, thưa Thứ trưởng?

- Quy hoạch báo chí đã được Trung ương thảo luận, Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo và hiện Quy hoạch đang chờ được phê duyệt. Phải nói rằng, Quy hoạch báo chí là bước tiến rất quan trọng nhằm mục tiêu để báo chí phát triển tốt hơn, mạnh hơn, bắt kịp với xu thế chung của thời đại, đồng thời, tránh được sự chồng chéo và lãng phí tài nguyên, nguồn lực. Tôi tin rằng, sau khi Quy hoạch, báo chí sẽ thể hiện được vị trí, vai trò tốt hơn, hiện đại hơn, bắt kịp với xu thế chung của thời đại.

* Thưa Thứ trưởng, truyền thông xã hội đang phát triển rất mạnh mẽ trong kỷ nguyên Internet và di động hiện nay sẽ là những thách thức không nhỏ đối với báo chí truyền thống. Vậy quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào? Và với báo chí truyền thống hiện nay cần phải làm gì để duy trì vị thế của mình trước làn sóng của truyền thông xã hội?

- Đây là vấn đề đang đặt ra cho không chỉ cơ quan báo chí mà cho cả những người làm công tác quản lý. Hiện nay, truyền thông xã hội đang phát triển mạnh mẽ và mỗi ngày chúng ta thấy đều có sự thay đổi rất lớn. Chính vì vậy, nó đặt ra cho các cơ quan báo chí truyền thống rất nhiều vấn đề như tính nhanh nhạy của thông tin; tính thời sự của tin tức (trước đây tin tức có thể để hàng tuần vẫn không bị lạc hậu) nhưng hiện nay chỉ sau một phút, thậm chí là vài giây đã lạc hậu. Mạng xã hội thông tin rất nhiều và đa dạng, đã đặt ra cho báo chí truyền thống, cơ quan báo chí chính thống của chúng ta phải bắt kịp được xu hướng đó để không bị lạc hậu.

Mặt khác, một vấn đề nữa đặt ra là cùng với việc cập nhật thông tin nhanh nhạy, chúng ta phải đảm bảo đúng định hướng. Đây là cái khó đặt ra cho cơ quan báo chí. Thông tin phải được kiểm chứng và xem xét một cách kỹ lưỡng. Phóng viên chỉ là một bước để chúng ta thực hiện thông tin kiểm chứng. Tòa soạn cũng phải thực hiện kiểm chứng thông tin để đảm bảo tính chính xác của thông tin.

Trên thực tế, chúng ta thấy không ít cơ quan báo chí, báo điện tử và mạng xã hội khi đưa ra một thông tin không những không chính xác còn xâm phạm đến đời tư, xâm phạm đến lợi ích cá nhân, tập thể. Ví dụ ở Huế vừa qua đưa tin cháu bé học lớp 7 có thai, sau đó mạng xã hội tung lên, một số cơ quan báo chí của chúng ta nhảy vào đưa thông tin thiếu kiềm chế đã làm cháu bé 13 tuổi bỏ học, sau đó cùng bạn trai tự tử. Sự việc này đã đặt ra vấn đề đạo đức của người làm báo trong thời đại kỹ thuật số. Bởi vậy, trong thời đại bùng nổ thông tin và thời đại thông tin số như hiện nay thì người là báo phải đặt đạo đức của mình lên trên hết.

* Trong xu thế cạnh tranh thông tin giữa các cơ quan báo chí và sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số, theo Thứ trưởng, nhà báo cần phải hội tụ những điều kiện nào?

- Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, trước hết người làm báo phải có tâm, có tầm và có tài. Trước hết phải đặt cái tâm của mình lên trên, đưa tin nhằm mục đích gì, đưa tin đó có lợi hay không, có xâm phạm đến lợi ích cá nhân của người khác hay không, tác động của nó như thế nào... Do đó, cái tâm của người làm báo phải đặt lên hàng đầu và cái tầm của người làm báo phải bao quát hết toàn bộ vấn đề, nội dung liên quan đến tác phẩm khi mình đưa lên nó ảnh hưởng như thế nào. Sau đó mới đặt đến cái tài thể hiện trong bài viết thế nào cho phù hợp.

Tính nhanh nhạy của nhà báo, của người làm báo là rất cần thiết, tuy nhiên cái nhanh nhạy đó phải thông qua thực tiễn và bằng thực tiễn của mình. Chứ hiện nay tôi thấy, nhiều nhà báo, phóng viên lướt web, lên facebook, lấy thông tin, xào xáo lại rồi đăng đã xâm phạm quyền tác giả. Ví dụ trận lốc xoáy mới đây tại Hà Nội, tôi được biết một số nhà báo không có mặt tại hiện trường, khi nghe tin thấy, xem trên facebook chỗ này, chỗ khác có cây đổ, nhà tốc mái rồi xào xáo lại, coi đó là tin tổng hợp của mình, thậm chí là lấy ảnh của đồng nghiệp. Cái này tôi đã nhắc nhở một số cơ quan báo chí.

* Thời gian qua, sự đe dọa, hành hung các nhà báo có diễn biến phức tạp, với tư cách là người quản lý báo chí, Thứ trưởng nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?

- Thủ tướng Chính phủ đã có quy định về quy chế phát ngôn. Tất cả các địa phương, cơ quan, đơn vị phải có người phát ngôn đại diện của cơ quan và địa phương mình. Trách nhiệm của địa phương, các cơ quan, đơn vị cung cấp thông tin phải đầy đủ, chính xác, kịp thời cho các cơ quan báo chí thuộc thẩm quyền của mình. Trách nhiệm đó trước hết thuộc về các cơ quan và địa phương. Thứ hai, nếu các cơ quan, đơn vị địa phương cung cấp thông tin không kịp thời, không chính xác cho báo chí dẫn đến những thông tin sai lệch, ảnh hưởng tới chất lượng tác phẩm báo chí, cũng như cơ quan báo chí thì trách nhiệm đó trước hết thuộc về địa phương, cơ quan, đơn vị cung cấp thông tin.

Tuy nhiên, đối với những người làm báo chân chính, chúng ta cần nhận rõ trách nhiệm của mình khi có thông tin mà chưa được kiểm chứng thì phải cân nhắc cẩn trọng, tránh xảy ra sơ xuất, sai sót đáng tiếc. Thông tin phải nhiều chiều, chúng ta làm tin không thể theo kiểu truyện ngụ ngôn trước kia. Phải xem xét, đánh giá một các toàn diện vấn đề. Tôi mong các nhà báo làm tin bài trong thời đại công nghệ số hiện nay phải có cái nhìn toàn diện, khách quan, chính xác.

Còn hiện tượng hành hung nhà báo và mới đây nhất là hai nhà báo ở Báo Giao thông Vận tải là một điều đáng tiếc. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy các biệt trong giới chúng ta cũng có người sử dụng, câu kết đối với xã hội đen, hành hung đồng nghiệp của mình đây là hành động rất đáng lên án và chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng phải vào cuộc bảo vệ lẽ phải, bảo vệ những nhà báo tác nghiệp chân chính, một cách an toàn nhất. Hội Nhà báo và cơ quan quản lý nhà nước chúng tôi sẽ lên tiếng để bảo vệ những nhà báo chân chính, bảo vệ đồng nghiệp của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làm báo thời kỹ thuật số phải đặt cái tâm lên trên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO