“Kỷ nguyên hàng giá rẻ đã kết thúc”?

05/07/2011 05:32

Kỷ nguyên hàng giá rẻ đã kết thúc". Đó là khẳng định của Bruce Rockowitz, Tổng giám đốc công ty Li & Fung chuyên kinh doanh hàng may mặc và các sản phẩm gia dụng có xuất xứ từ châu Á.

“Kỷ nguyên hàng giá rẻ đã kết thúc”?

"Kỷ nguyên hàng giá rẻ đã kết thúc". Đó là khẳng định của Bruce Rockowitz, Tổng giám đốc công ty Li & Fung chuyên kinh doanh hàng may mặc và các sản phẩm gia dụng có xuất xứ từ châu Á.

Triển lãm công nghệ thông tin thường niên Computex

Li & Fung là công ty đầu mối phân phối khoảng 4% hàng xuất khẩu Trung Quốc có hàm lượng công nghệ thấp sang Mỹ và một lượng đáng kể hàng xuất khẩu của nước này sang thị trường châu Âu. Li & Fung có hoạt động tại nhiều nước Đông Á, nơi công ty rất "chịu khó" tìm kiếm các nhà cung ứng mọi sản phẩm có giá rẻ và đáng tin cậy, từ túi xách cho tới ghế đẩu dùng trong các quán bar.

Tổng giám đốc Rockowitz giải thích lĩnh vực chế tạo của châu Á đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển và mỗi giai đoạn kéo dài khoảng 30 năm. Khi Trung Quốc thực hiện chính sách "bế quan tỏa cảng" dưới thời Mao Trạch Đông, các công ty ở Hong Kong, Đài Loan và Hàn Quốc là "chuyên gia" trong việc sản xuất các mặt hàng. Nhưng khi Trung Quốc thực hiện cải cách mở cửa, những công ty châu Á có kinh nghiệm đã đổ xô tới khu vực miền Nam Trung Quốc. Với việc gần như được tiếp cận tự do quỹ đất và nguồn nhân lực, cộng với một trung tâm cảng và hậu cần hoạt động hiệu quả ở Hong Kong, các công ty này bắt tay vào sản xuất các mặt hàng có giá rẻ hơn bao giờ hết và xuất khẩu ra toàn thế giới.

Ông Rockowitz cho rằng kỷ nguyên nói trên đã kết thúc. Mức lương ở Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng. Một làn sóng nhu cầu mới, đặc biệt từ chính Trung Quốc, đang góp phần đẩy giá hàng hóa tăng cao. Các công ty chế tạo có thể giảm bớt chi phí bằng cách chuyển cơ sở sản xuất sang những nơi khác, như khu vực miền Tây Trung Quốc, Việt Nam, Bangladesh, Malaysia, Ấn Độ và Indonesia. Nhưng ông Rockowitz cho rằng không nơi nào có thể đáp ứng được về quy mô và mức độ hiệu quả từng đạt được vào thời điểm các công ty chế tạo đổ tới miền Nam Trung Quốc.

Ông Rockowitz nói: "Không gì có thể thay thế được ‘phép màu Trung Quốc’ và sẽ không có phép màu thứ hai". Ông cho biết bộ phận khai thác sản phẩm của Li & Fung nhận thấy kể từ đầu năm đến nay, giá cả hàng hóa đã tăng trung bình 15%.

Tuy nhiên, nhiều công ty chế tạo trong các lĩnh vực khác lại nhận thấy những điều khác biệt. Hôm 31/5 vừa qua, ngày mà ông Rockowitz có bài phát biểu tại Hồng Công, cũng đúng là hôm triển lãm công nghệ thông tin thường niên Computex khai mạc tại Đài Bắc, cách Hong Kong hơn một giờ bay. Tuy một số công ty công nghệ nổi tiếng nhất thế giới như Apple không tham dự, nhưng gần 2.000 công ty khác đã đem tới giới thiệu các sản phẩm công nghệ đổi mới và giá rẻ. Trung Quốc đại lục có lực lượng tham gia hùng hậu với hơn 500 gian trưng bày, tăng mạnh so với 200 gian năm ngoái, trong đó nhiều công ty đến từ những vùng từng được biết đến là những nơi sản xuất hàng dệt may và đồ chơi giá rẻ.

Với chính sách khuyến khích của chính phủ, một vùng rộng lớn của Trung Quốc, trải dài từ Thâm Quyến cho tới Quảng Châu, đang chuyển sang sản xuất các sản phẩm tinh vi hơn, như hàng điện tử. Một số các sản phẩm mang tính đột phá hơn được trưng bày tại triển lãm là các phiên bản siêu rẻ của các sản phẩm đã trở thành "hot" trên toàn cầu.

Một công ty có tên là BananaU đã giới thiệu sản phẩm máy tính bảng sử dụng hệ điều hành Android của Google với giá 100 USD. Ngoài ra còn có một sản phẩm máy tính mỏng khác hoạt động trên hệ điều hành Windows trông rất giống sản phẩm MacBooks nhưng được bán với giá chỉ chưa đến 250 USD. Các sản phẩm sách điện tử cũng được trưng bày rất nhiều và được bán với giá rất rẻ. Khách tham quan được dịp chiêm ngưỡng và thả sức mặc cả các sản phẩm như bản mạch chủ, chip nhớ, máy chủ, thẻ đồ họa, các thiết bị kết nối, bộ kiểm tra...

Nếu các đơn vị tham gia trưng bầy tại triển lãm Computex có một khẩu hiệu chung, thì đó sẽ là "Nhiều còn hơn ít". Trong số các sản phẩm tạo được sức nóng lớn nhất tại triển lãm là các sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Những sản phẩm này gồm máy chuyển đổi dòng điện xoay chiều và một chiều, các máy cảm biến có thể tiết chế lượng điện tiêu hao của đèn đường, tủ lạnh và máy điều hòa nhiệt độ. Những thiết bị như vậy ban đầu được tiếp thị tập trung vào việc thân thiện với môi trường, nhưng điều mà khách hàng thích ở các sản phẩm này lại là khả năng tăng hiệu quả sử dụng. Các công ty Nhật Bản, do phải tiết kiệm điện năng kể từ sau trận động đất hôm 11/3, đặc biệt háo hức chào đón các sản phẩm này.

Trong khi đó, các công ty Trung Quốc lại muốn tìm hiểu về các sản phẩm giúp giảm chi phí hoặc dễ dàng tự động hóa. Hiện giờ, các công ty này đang phải học cách để kiếm được nhiều tiền hơn với ít lao động hơn. Công ty Li & Fung có thể đang gióng lên hồi chuông báo hiệu sự kết thúc của một thời kỳ sản xuất, nhưng triển lãm công nghệ thông tin ở Đài Bắc lại cho thấy một thời kỳ khác đang được mở ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Kỷ nguyên hàng giá rẻ đã kết thúc”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO