Kinh tế Việt Nam và chữ “mở” kỳ diệu

HUỲNH BỬU SƠN| 29/04/2010 09:13

Có những điều có thể gọi là kỳ diệu mà chúng ta được chứng kiến trong cuộc đời. Một trong những điều kỳ diệu đó là sự thay da đổi thịt của nền kinh tế Việt Nam trong 25 năm qua.

Kinh tế Việt Nam và chữ “mở” kỳ diệu

LTS: Ba mươi lăm năm đã trôi qua kể từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Trong chặng đường xây dựng và phát triển kinh tế, đã có biết bao đổi thay, phải vượt qua nhiều thử thách và thu hoạch được không ít bài học cũng như thành tựu. Dưới góc nhìn của một người theo sát thời cuộc suốtquãng thời gian 35 năm đó, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn đã có những phân tích, đánh giá khách quan, đặc biệt là đề cao một chữ “mở” kỳ diệu đã đưa đất nước thoát khỏi khó khăn.

Có những điều có thể gọi là kỳ diệu mà chúng ta được chứng kiến trong cuộc đời. Một trong những điều kỳ diệu đó là sự thay da đổi thịt của nền kinh tế Việt Nam trong 25 năm qua.

Thật ra, những thành tích mà nền kinh tế Việt Nam đã đạt được trên tiến trình tăng trưởng gần ba thập niên (1986-2010) còn khá khiêm tốn, và ở một góc nhìn nào đó, không thể so sánh được với sự thần kỳ kinh tế của Nhật Bản trong những năm 1960, sự trỗi dậy kinh tế đầy ngoạn mục của Hàn Quốc trong những năm 1970- 1980 và sự tăng trưởng kinh tế vũ bão của Trung Quốc vào những thập niên cuối thế kỷ XX.

Nhưng đối với những người sống ở Việt Nam trong những năm đầy khó khăn của thời kỳ bao cấp vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, và được chứng kiến những thay đổi đến ngày hôm nay, điều kỳ diệu là có thật.

Một góc TP. Hồ Chí Minh ngày nay - Ảnh: Hoàng Thế Nhiệm

Ba mươi năm trước đây là thời kỳ mà ai ai cũng phải xếp hàng mua nhu yếu phẩm theo hạn mức phân phối, thời kỳ mà nông dân phải mang lúa đổi vải, còn người công nhân thành thị phải ăn gạo độn mì; thời kỳ mà một xứ nông nghiệp từng nổi danh trù phú như Việt Nam phải nhập khẩu hàng triệu tấn gạo trong gần 10 năm, còn các thành phố phải kiệt lực phát triển công nghiệp nặng trong điều kiện liên tục thiếu điện, thiếu xăng dầu, thiếu vốn đầu tư, thiếu nguồn nhân lực; thời kỳ mà cả nền kinh tế chia cắt nghiêm trọng, bị ngăn sông cấm chợ từ bên trong và cách biệt với bên ngoài, thời kỳ mà mặt trời hòa bình vừa mới ló dạng đã bị che phủ và các chiến binh của chúng ta còn phải chiến đấu gian lao vất vả ở Campuchia…

Có ai vào lúc đó có thể tưởng tượng rằng giờ đây Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, mỗi năm xuất khẩu vài triệu tấn gạo, thị trường nội địa hàng hóa ê hề và người tiêu dùng lên ngôi vua, đường sá mở rộng và các loại ôtô đời mới sang trọng đắt tiền nối đuôi nhau trên đường, nước sông Đà miền Bắc đã có thể thắp sáng ánh đèn để cho các trẻ em nghèo của nông thôn miền Nam được học bài vào ban đêm.

Nay thì hai bên bờ sông Tiền sông Hậu được nối với nhau bằng những cây cầu treo hiện đại, dự trữ quốc gia có vài chục tỉ USD, Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO và đang là Chủ tịch của một ASEAN hữu nghị, chung sức chung lòng hướng về mục tiêu hòa bình và thịnh vượng kinh tế chung…

Điều kỳ diệu là có thật, tuy rằng đó là một điều kỳ diệu mà chúng ta còn có thể làm hơn.

Vượt qua bao gian khó

Con đường phát triển của nền kinh tế Việt Nam không bằng phẳng. Nó trải qua nhiều thời kỳ khó khăn với những sai lầm, những vấp váp, nhưng điều đáng ngạc nhiên là cứ mỗi lần đứng dậy sau vấp ngã, nền kinh tế Việt Nam lại lớn hơn và mạnh hơn trước.

Cuộc cải cách giá lương tiền năm 1985 mà đỉnh điểm là cuộc đổi tiền đã làm nền kinh tế kiệt quệ, nhưng việc bãi bỏ ngăn sông cấm chợ, cho phép kinh tế tư nhân mở rộng sản xuất và xây dựng kênh huy động vốn đã bơm một liều thuốc hồi sinh cho các hoạt động kinh tế.

Đến cuối năm 1988, hậu quả của tình trạng mất cân đối kinh tế vĩ mô mãn tính khiến nền kinh tế lại lâm vào một thời kỳ lạm phát suy thoái tồi tệ, đồng tiền bị mất giá nghiêm trọng, lãi suất cho vay ngân hàng có lúc lên đến 144%/năm khiến các doanh nghiệp lao đao và dẫn đến tình trạng đổ bể tín dụng đồng loạt vào những năm 1990- 1991.

Nhưng những chủ trương vĩ mô đúng đắn như cải tổ hệ thống ngân hàng và mở rộng cánh cửa đầu tư nước ngoài đã vực nền kinh tế đứng dậy. Từ năm 1993-1996, nền kinh tế Việt Nam phục hồi và thực hiện các tốc độ tăng trưởng ngoạn mục trên 8%/năm trong suốt bốn năm liền, Việt Nam trở thành một thị trường mới nổi đáng chú ý và là điểm đến chọn lựa của các nhà đầu tư nước ngoài.

Năm 1997, ảnh hưởng của cơn khủng hoảng tiền tệ khu vực đã làm chậm lại tiến trình Đổi mới kinh tế ở Việt Nam, dẫn đến một tình trạng suy thoái kinh tế khá nghiêm trọng trong hai năm 1999-2000. Nhưng cánh cửa hội nhập đã mở, Việt Nam đã vào AFTA và chuẩn bị trở thành thành viên chính thức của WTO vào đầu thiên niên kỷ mới.

Từ năm 2002, kinh tế Việt Nam tăng trưởng trở lại với tốc độ trung bình 7%/năm, kéo dài cho đến năm 2007. Trong thời gian đó, sự gia tăng đầu tư trực tiếp và gián tiếp của nước ngoài (FDI và FII) phối hợp với sự gia tăng đầu tư mạnh mẽ trong nước, đặc biệt là đầu tư tư nhân đã tạo nên lực đẩy quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Khủng hoảng toàn cầu năm 2008- 2009 như một cơn bão lớn làm lung lay các cấu trúc tài chính của các nền kinh tế Bắc Mỹ, Tây Âu và các quốc gia công nghiệp phát triển khác khiến Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế phần nào.
Nhưng vào thời điểm này của năm 2010, chúng ta đã có thể nói đến kế hoạch phát triển kinh tế trong thời kỳ hậu khủng hoảng.

Trong vòng 25 năm, GDP của Việt Nam từ mức dưới 20 tỉ USD đã lên đến 85 tỉ USD, kim ngạch xuất khẩu từ 1 hoặc 2 tỉ USD lên đến 64 tỉ USD, đầu tư nước ngoài từ chỗ không có gì lên đến con số khó tưởng tượng là 98 tỉ USD, trong đó thực hiện trên 40 tỉ USD.

Một chữ “mở” làm nên sự kỳ diệu

Nếu có thể tổng kết điều gì đã làm nên sự kỳ diệu của nền kinh tế Việt Nam chỉ bằng một chữ thôi, bạn sẽ chọn chữ nào? Riêng đối với tôi, đó là chữ Mở. Giống như chữ Hỏa mà Gia Cát Lượng và Chu Du đã chọn lựa làm phương sách tấn công Tào Tháo để tạo nên chiến tích lịch sử Xích Bích, mở đường cho thế tam phân thiên hạ thời Tam Quốc ở Trung Quốc, chữ Mở ở Việt Nam là một phương lược kinh tế đúng đắn giúp giải phóng nguồn nội lực tiềm tàng và dẻo dai của đất nước, đưa nền kinh tế quốc dân vượt qua thời điểm bị suy kiệt gần như chạm đáy vào cuối năm 1985 để chuyển mình đi lên. Có những lĩnh vực kinh tế mà chữ Mở đã tạo nên điều kỳ diệu như một chiếc đũa thần.

Cuộc cải tổ hệ thống ngân hàng vào năm 1989-1990, như nhận định của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, là một bước đột phá quan trọng nhất làm thay đổi sâu sắc cuộc diện kinh tế đất nước, mở đường cho những cánh cửa mở và những thành tựu lớn hơn trên những lĩnh vực kinh tế khác và điều quan trọng là đã thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường.

Kể từ ngày ban hành hai Pháp lệnh ngân hàng năm 1990, hệ thống ngân hàng mới đã không ngừng phát triển cả về lượng lẫn về chất. Nó đã giúp nền kinh tế vượt qua cơn khủng hoảng tài chính của những năm 1990, 1991 và sau đó, chính hệ thống ngân hàng đổi mới đã góp phần đáng kể trong việc cả nước thực hiện kỳ tích đẩy tốc độ phát triển GDP trong ba năm liền lên trên 8%/năm, gấp đôi tốc độ tăng trưởng những năm trước đó.

Cánh cửa mở của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã mở rộng cánh cửa của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. Sau những trục trặc của hệ thống hợp tác xã tín dụng non trẻ và thiếu kinh nghiệm của những năm 1988-1990, các ngân hàng thương mại cổ phần được thành lập sau Pháp lệnh có cơ cấu tổ chức vững chắc hơn, nguồn vốn lớn hơn, nhân sự giỏi hơn và được quản lý tốt hơn đã trở thành luồng gió lớn nâng cánh diều kinh tế tư doanh bay lên.

Nhờ chính sách Mở của Nhà nước và sự phát triển của các ngân hàng thương mại, từ năm 1993, kinh tế tư nhân đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Trong giai đoạn từ năm 2000-2009, số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng bình quân 22%/năm. Tỷ trọng thu ngân sách nhà nước từ khu vực kinh tế tư nhân đã tăng từ 6% (năm 2002) lên trên 11% (năm 2008). Riêng năm 2008, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đóng góp vào GDP gần 47%, trong đó có phần đóng góp quan trọng của kinh tế tư nhân; ở một số địa phương tỷ lệ này còn cao hơn như TP. Hồ Chí Minh là 51,4%, Cần Thơ là gần 73%.

Trong thời gian này, khu vực kinh tế tư nhân đã tạo công ăn việc làm cho trên 5 triệu lao động mới (chưa tính khu vực nông nghiệp), bình quân 800 ngàn lao động/năm, chiếm tỷ lệ 50% số lao động tăng thêm của cả nước. Số lượng doanh nghiệp tư nhân đã gia tăng mạnh mẽ, ước tính đến hết năm 2009 là 460.000 doanh nghiệp, tăng 15 lần trong vòng chín năm, tuy nhiên phần lớn ở quy mô vừa và nhỏ, số doanh nghiệp tư nhân lớn còn khá khiêm tốn.

Một hệ thống ngân hàng có giao dịch toàn cầu cũng đẩy mạnh phát triển đầu tư nước ngoài, thúc đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế giữa Việt Nam và phần còn lại của thế giới.

Cho đến nay, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có 9.500 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 98 tỉ USD vào Việt Nam. Trong đó, vốn thực hiện đạt khoảng 40 tỉ USD từ 82 quốc gia và vùng lãnh thổ. Gần 100 trong tổng số 500 tập đoàn tài chính và công nghiệp lớn của thế giới đã đầu tư vào Việt Nam.

Riêng năm 2007, đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài vào ngân sách lên tới 1,5 tỉ USD, tạo việc làm cho 1,2 triệu lao động trực tiếp và nhiều triệu lao động gián tiếp. Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam thật sự là một nền kinh tế mở, có độ hội nhập khá sâu vào nền
kinh tế thế giới, khi tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu (2009) đã lên đến 150% tổng giá trị GDP. Hoạt động ngoại thương và đầu tư nước ngoài có một vị trí quan trọng ngày càng lớn trong tiến trình và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Nhưng hội nhập kinh tế đòi hỏi nâng cao năng lực cạnh tranh. Khi điều kỳ diệu đã qua đi, chúng ta phải đương đầu với những khó khăn mới. Ngoại thương tuy phát triển mạnh, nhưng vấn nạn nhập siêu kéo dài đang là một bài toán khó trong nỗ lực phục hồi các cân đối vĩ mô.

Sự chọn lựa giữa lạm phát và tăng trưởng vẫn đang là một sự chọn lựa đầy khó khăn, và mục tiêu tăng trưởng trong ổn định vẫn còn là sứ mệnh bất khả thi của chính sách tài chính tiền tệ quốc gia. Tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa vừa mới bắt đầu đã chạm mức giới hạn của nguồn nhân lực nội địa. Và trên hết, hiệu quả đầu tư và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế có vẻ đang kiệt sức, khi chi phí vận hành nền kinh tế tăng nhanh và chỉ số ICOR, từ con số 2,5 của hai mươi năm trước đây đã lên đến con số khó tin là 8,5 (2009) theo ước lượng của các nhà phân tích kinh tế.

Trong quá khứ, chữ Mở đã tạo nên điều kỳ diệu cho nền kinh tế, và phải chăng nó vẫn còn năng lực đó khi hướng về tương lai?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế Việt Nam và chữ “mở” kỳ diệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO