Kinh tế toàn cầu trầm lắng, Việt Nam vẫn tăng trưởng gấp 3 lần bình quân thế giới

Tùy Phong| 18/12/2019 06:00

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo kinh tế bán thường niên, nhận định nền kinh tế Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực trong năm 2019, dù toàn cầu chững lại.

Kinh tế toàn cầu trầm lắng, Việt Nam vẫn tăng trưởng gấp 3 lần bình quân thế giới

Tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2019 của Việt Nam ước đạt 6,8%, thấp hơn một chút so với năm 2018, song vẫn thuộc hàng cao nhất thế giới.

Tăng trưởng ấn tượng khi kinh tế toàn cầu chững lại.

Theo báo cáo, tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam sau khi chững lại vào quý II đã xoay chiều đi lên, đạt khoảng 7,3% vào quý III, nâng tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái lên gần 7% trong 9 tháng đầu năm 2019. 

Dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2019 ước đạt 6,8%, thấp hơn một chút so với năm 2018, song vẫn thuộc hàng cao nhất thế giới và rơi vào nhóm hai nước đứng đầu khu vực Đông Á, xếp trên Trung Quốc và chỉ sau Campuchia. 

Mức dự báo nêu trên cao hơn so với con số 6,6% được WB đưa ra hồi đầu năm, nhưng thấp hơn dự báo 6,9% từ Ngân hàng Phát triển châu Á. Đây cũng là tốc độ tăng trưởng được WB dự báo cao thứ hai Đông Nam Á (sau Campuchia) và gấp gần 3 lần mức bình quân thế giới (2,6%).

Link bài viết

Tăng trưởng GDP được duy trì nhờ vào khu vực kinh tế đối ngoại vững mạnh, với xuất khẩu dự kiến tăng 8% trong năm 2019 - cao hơn gần 4 lần so với bình quân thế giới. Đồng thời, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài, với bình quân FDI cam kết gần 3 tỷ USD/tháng.

Thêm nữa, tiêu dùng cá nhân của các hộ gia đình là một yếu tố ngày càng quan trọng đóng góp cho tăng trưởng GDP, khi tầng lớp trung lưu có mức sống trên 15USD/ngày tại Việt Nam tăng thêm khoảng 1 triệu người mỗi năm đã thúc đẩy kim ngạch hàng tiêu dùng tăng 15%/năm, tính từ 2015. Đầu tư của các doanh nghiệp ở khu vực tư nhân cũng tăng ở mức 17% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, chính sách tài khóa và tiền tệ được duy trì thận trọng giúp lạm phát trong nước giảm cũng như nợ công giảm còn khoảng 56% GDP vào cuối năm 2019, từ mức 63,7% GDP năm 2016.

Thặng dư tài khoản vãng lai giảm nhẹ, nhưng xuất khẩu tiếp tục tăng với tốc độ hợp lý, một phần nhờ vào tác động chuyển hướng do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, một phần do nhà đầu tư nước ngoài đăng ký dự án với tốc độ bình quân 3 tỷ USD mỗi tháng kể từ khi Hiệp định CPTPP được phê duyệt.

Triển vọng trước mắt và trung hạn vẫn tích cực...

Theo WB, triển vọng trước mắt và trung hạn của nền kinh tế Việt Nam sẽ là tích cực, với dự báo tăng trưởng GDP quanh mức 6,5% trong 3 năm tới.

Ngành nông nghiệp dự kiến phục hồi từ kết quả tương đối yếu năm 2019, nhờ điều kiện khí hậu và vệ sinh được cải thiện, ngành dịch vụ tiếp tục tăng trưởng nhờ nhu cầu trong nước tăng lên.

Lạm phát năm vẫn duy trì ở mức khoảng 3%, kể cả khi có một số áp lực phát sinh trong thời gian tới do kế hoạch của Chính phủ nhằm tăng giá mặt hàng thuộc quản lý của Nhà nước. Giá cả lương thực, thực phẩm vẫn nhạy cảm với tình hình khí hậu nhưng được dự báo chỉ tăng ở mức vừa phải, do hiệu quả của ngành nông nghiệp được cải thiện.

Thặng dư tài khoản vãng lai dự kiến sẽ chững nhẹ do tốc độ tăng xuất khẩu giảm vì nhu cầu suy giảm ở các thị trường nước ngoài. Tốc độ tăng chững lại phần nào được bù đắp bởi xuất khẩu giảm do quan hệ tương quan chặt chẽ giữa hai yếu tố này ở Việt Nam.

FDI dự kiến vẫn ổn định, ngay cả khi xu hướng chuyển dịch từ đầu tư theo dự án vào cơ sở sản xuất kinh doanh mới sang mua lại và sáp nhập tiếp diễn, một phần cho thấy nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm đến thị trường trong nước.

...dù còn tồn tại rủi ro

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn miễn dịch với các cú sốc bên ngoài; minh chứng là tăng trưởng xuất khẩu giảm từ 21% xuống còn 8% từ 2017 - 2019. Tăng trưởng xuất khẩu còn giảm rõ rệt hơn nếu nhìn vào các thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ, chỉ tăng 3,6% trong 11 tháng đầu 2019. FDI vào các cơ sở sản xuất kinh doanh mới cũng tăng chậm lại 30% so với 2 năm trước, kể cả sau khi đã tính đến sự tăng trưởng trong đầu tư qua kênh M&A.

Xét những rủi ro bên ngoài nêu trên, đồng thời để mang đến động lực tăng trưởng bổ sung cho nền kinh tế, WB khuyến nghị ưu tiên phát triển khu vực tư nhân vững mạnh và năng động. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động ở thị trường trong nước vẫn đang phải đối mặt với những trở ngại lớn, hạn chế sự phát triển, trong đó được nói đến nhiều nhất là khả năng tiếp cận tín dụng.

"Xử lý những hạn chế về huy động tài chính cho doanh nghiệp cần nhận được sự quan tâm cao nhất từ các nhà hoạch định chính sách, nếu Việt Nam muốn tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bao trùm, hướng tới trở thành quốc gia thu nhập cao trong những thập niên tới", Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế toàn cầu trầm lắng, Việt Nam vẫn tăng trưởng gấp 3 lần bình quân thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO