Khởi động làn sóng mới cổ phần hóa DNNN

08/12/2011 08:04

Ngày 8/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Khởi động làn sóng mới cổ phần hóa DNNN

Ngày 8/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đây sẽ là bước quan trọng khởi động làn sóng cổ phần hóa (CPH) trong 5-10 năm tiếp theo, nằm trong chương trình lớn tái cơ cấu DNNN. Trả lời phỏng vấn của PV xung quanh vấn đề này, ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cho biết.

DN lành mạnh hơn nhờ CPH

Thưa ông, tái cơ cấu DNNN là một chương trình lớn đang được triển khai. Vậy CPH nằm đâu trong chương trình này?

Ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN

+ Để sắp xếp, đổi mới DNNN, chúng ta đã bắt đầu chương trình CPH từ 20 năm trước. Nhưng phải từ năm 2001, khi có Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX, nội dung này mới thực sự được đẩy mạnh, đạt kết quả tích cực. Từ hàng ngàn DNNN ở mọi lĩnh vực, mọi cấp, đến nay cả nước còn hơn 1.300 DNNN. Đây là đối tượng của tái cơ cấu và CPH là một giải pháp quan trọng, là nội dung trọng tâm chỉ đạo thực hiện.

Nói CPH là giải pháp quan trọng, vậy 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX cho chúng ta kinh nghiệm gì để thúc đẩy tái cơ cấu DNNN trong thời gian tới?


+ Kết quả quan trọng nhất đạt được, theo tôi, không hẳn là số lượng DNNN được CPH mà là khẳng định được nhờ CPH, DN đã lành mạnh lên nhiều, hoạt động công khai, minh bạch, hiệu quả hơn. Thứ nữa, thực tiễn cho thấy những nơi nào cấp ủy lãnh đạo sâu sát, trực tiếp, có tham mưu tốt thì CPH mới nhanh, hiệu quả. Những bộ quyết liệt như Công Thương, Xây dựng, Giao thông, hay các tập đoàn dệt may, dầu khí và địa phương như Tiền Giang, Phú Thọ, Bắc Kạn thì CPH rất nhanh, thành công.

Ngoài ra để chương trình CPH thành công, cơ chế chính sách cũng cần được điều chỉnh kịp thời với thực tiễn. Về nhận thức, đến nay đã có chuyển biến, thống nhất nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn một vài nhận thức khác nhau, chưa đầy đủ về vai trò của DNNN, có cả thái cực “nói không” với DNNN và ngược lại là cố duy trì DNNN cho dù không cần thiết. Nhìn vào danh sách đơn vị nhà nước nắm giữ 100% vốn còn lại, thấy rõ nhiều DN có thể sắp xếp, CPH được nhưng đơn vị chủ quản đã không làm.
Tập trung CPH các “anh lớn”

Nhiều chuyên gia cho rằng CPH 10 năm qua cũng chưa thực sự thành công bởi số lượng DNNN được chuyển đổi thì nhiều nhưng quy mô vốn chẳng bao nhiêu. Vậy làn sóng CPH tới đây sẽ giải quyết vấn đề này thế nào?

1.309 là tổng số DN trên cả nước do Nhà nước sở hữu 100% vốn với tổng vốn nắm giữ hơn 700.000 tỉ đồng, trong đó riêng các tập đoàn, tổng công ty giữ hơn 650.000 tỉ đồng.

+ Khi bắt đầu CPH, quan điểm chung là tập trung vào những DN mà Nhà nước không cần nắm giữ. Giai đoạn đầu ấy, số đơn vị mà Nhà nước không muốn nắm giữ rất nhiều, hơn 4.000 DN nhưng đều là DN nhỏ nên phần vốn được chuyển đổi chỉ chiếm 10%-15% của cả khu vực DNNN thôi. Nhưng tới đây, đối tượng CPH đều là những “anh lớn”. Như Ngân hàng Đầu tư Phát triển BIDV, vốn Nhà nước tới 22.000 tỉ đồng, vốn điều lệ 28.000 tỉ đồng, ngày 28-12 tới sẽ IPO. Trước đó, Petrolimex là một tổng công ty 91 lớn cũng đã CPH, bán một phần ra công chúng.

Trước QH, Thủ tướng nói trọng tâm của tái cơ cấu DNNN sẽ là các tập đoàn, tổng công ty. Thông điệp này thể hiện thế nào trong đợt CPH tới đây?

+ Rất rõ. Số lượng DNNN nằm trong các tập đoàn, tổng công ty không nhiều nhưng đều có quy mô rất lớn. Đây chính là những đơn vị quyết định vai trò của DNNN trong nền kinh tế. Vì thế CPH đợt này tập trung mạnh vào nhóm tập đoàn, tổng công ty. CPH được một vài đơn vị thôi thì số vốn xử lý đã bằng nhiều DNNN nhỏ cộng lại và tính lan tỏa sẽ rất lớn.

Thoái vốn mạnh ở DN dịch vụ công ích

Theo phương án do Thủ tướng phê duyệt, tới đây sẽ CPH hơn 570 DNNN; giải thể, phá sản hơn 40 DNNN làm ăn thua lỗ; giữ lại hơn 690 đơn vị dưới hình thức 100% vốn Nhà nước. Sau CPH, Nhà nước sẽ chỉ nắm giữ CP chi phối ở các tập đoàn, tổng công ty 90, 91 và một số DN công ích hoạt động theo hình thức Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch. Số còn lại, Nhà nước sẽ thoái vốn, trong đó thoái vốn mạnh ở cả các DN dịch vụ công ích.

Chúng tôi kiến nghị những DN nào mà Nhà nước không cần nắm CP chi phối thì rút vốn hết, để các thành phần kinh tế khác chủ động vận hành. Mảng này tới đây sẽ làm mạnh, nhất là phần vốn sở hữu nhà nước mà Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước - SCIC đang quản lý. Chủ trương là SCIC phải nhanh chóng thoái vốn tại các DN mà SCIC đang giữ vốn và Nhà nước không giữ CP chi phối.

Phòng ngừa thất thoát ở khâu định giá

Chương trình CPH trước, công chúng rất lo ngại nguy cơ thất thoát công sản. Tới đây sẽ phòng ngừa thế nào?

+ Nói chung, thất thoát trong CPH chúng ta đã quan tâm từ lâu và kinh nghiệm cho thấy phòng ngừa tốt nhất là ở khâu định giá. Vừa rồi đã quy định cứ DN giá trị trên 500 tỉ đồng là phải kiểm toán. Nhưng kiểm toán chủ yếu là để khỏi sót tài sản, còn định giá theo giá trị còn lại trên sổ sách. Vì vậy, cuối cùng vẫn là tùy thuộc thị trường. Và để các quy luật thị trường vận hành tốt thì CPH phải công khai, minh bạch và khi bán ra ngoài phải có cạnh tranh.

CPH liên quan mật thiết đến thị trường vốn, thị trường chứng khoán. Chính phủ có giải pháp gì hỗ trợ cho lĩnh vực này phát triển?

+ Chính phủ đã giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu. CPH hay tái cơ cấu DNNN đều liên quan mật thiết tới các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thị trường vốn, chứng khoán. Vì vậy, các giải pháp lần này phải mang tính tổng thể, đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau.

Xin cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khởi động làn sóng mới cổ phần hóa DNNN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO