Khó vay vốn kích cầu, doanh nghiệp cũng có lỗi

07/07/2009 00:32

Gói kích cầu hỗ trợ lãi suất đầu tư cho doanh nghiệp của Chính phủ đã và đang phát huy hiệu quả, nhất là từ khi Chính phủ nới rộng tiêu chuẩn hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay.

Khó vay vốn kích cầu, doanh nghiệp cũng có lỗi

Gói kích cầu hỗ trợ lãi suất đầu tư cho doanh nghiệp của Chính phủ đã và đang phát huy hiệu quả, nhất là từ khi Chính phủ nới rộng tiêu chuẩn hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay. Mặc dù vậy, số doanh nghiệp được vay vốn hỗ trợ lãi suất còn quá ít so với các doanh nghiệp có nhu cầu. Thủ tục làm khó doanh nghiệp

Công ty TNHH chế biến gỗ Sophy (Bình Dương) có khoảng 200 cán bộ công nhân viên chức, doanh số mỗi năm 20 - 30 tỷ đồng. Thị trường chính của công ty là khách hàng trong nước. Vì vậy, khi chính sách hỗ trợ lãi suất 4% ưu tiên cho doanh nghiệp vay vốn làm hàng xuất khẩu, các nhà xuất khẩu đồ gỗ chỉ cần dùng hợp đồng ngoại thương để thế chấp vay vốn thì Sophy lại khó khăn do chỉ làm hàng nội địa.

Quy định của ngân hàng cũng yêu cầu muốn vay được vốn kích cầu thì mọi giao dịch phải thể hiện qua chứng từ, mua nguyên vật liệu phải có hợp đồng, ngân hàng sẽ chuyển trả cho nhà cung cấp qua tài khoản. Thế nhưng các doanh nghiệp mua nguyên liệu phải rất linh hoạt, gặp đâu rẻ và tiện lợi thì mua.

Hơn nữa không phải nhà cung cấp nào cũng có tài khoản và có tư cách pháp nhân để ký hợp đồng. Đó là chưa kể, trả “tiền tươi thóc thật” sẽ được giảm giá, được khuyến mãi, giao hàng ngay, còn mua hàng trả qua chuyển khoản vừa bị giá cao, vừa bị giao hàng chậm, dễ ảnh hưởng đến sản xuất.

Không chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ như Sophy mới khó vay vốn mà nhiều doanh nghiệp lớn cũng thở dài nhìn cơ hội trôi đi trước mắt. Báo cáo mới đây của Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong quý I/2009, các doanh nghiệp xây dựng cơ bản của Bộ này chỉ vay được khoảng 180 tỷ đồng từ nguồn vốn kích cầu của Chính phủ.

Lý do là điều kiện để được vay vốn ưu đãi quá khó, tài sản có thể thế chấp đã nằm tại ngân hàng. Việc định giá tài sản thế chấp cũng thấp, chưa sát với thực tế. Trong điều kiện giá cả vật liệu biến động liên tục, các cơ quan chức năng điều chỉnh đơn giá quá chậm, công tác nghiệm thu, thanh toán không kịp thời. Để bảo đảm tiến độ thi công, doanh nghiệp buộc phải vay vốn ngân hàng nhưng rất phiền hà.

Với các Công ty Bất động sản còn khó hơn. Muốn vay vốn, doanh nghiệp phải chứng minh dự án bất động sản đã có khách hàng hỏi mua. Nhưng khách chỉ tin tưởng khi dự án đã hoàn thiện mà doanh nghiệp chỉ có thể hoàn thiện khi đã có vốn. Bài toán "con gà hay quả trứng có trước" đã đưa nhiều doanh nghiệp phải tự xoay sở bằng cách xé lẻ dự án, có vốn đến đâu đầu tư đến đó. Hậu quả là dự án đầu tư không đồng bộ, hiệu quả không cao.

Doanh nghiệp cũng có lỗi

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân của tình trạng khó vay vốn không chỉ do thủ tục phiền hà mà còn do chính doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Phát biểu tại Hội nghị “Gặp gỡ các Doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa và Hợp tác xã khu vực phía Bắc” tổ chức ở Hà Nam đầu tháng 6 vừa qua, ông Phan Đăng Tuất cho rằng, bản thân các doanh nghiệp phải thay đổi nhận thức, việc vay vốn là một hợp đồng kinh tế bình đẳng nên mọi điều khoản trong hợp đồng phải đảm bảo đầy đủ nhưng các doanh nghiệp thường không đáp ứng được.

Bên cạnh đó, chính sách thay đổi bố sung liên tục nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất hạn chế trong việc cập nhật tiếp thu chính sách mới. Thậm chí Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ phối hợp vói Vietinbank phát phiếu điều tra về nhu cầu vay vốn đến tận tay doanh nghiệp nhưng số doanh nghiệp phản hồi lại rất ít. Hiện Hiệp hội cũng mở nhiều lớp tập huấn cho các doanh nghiệp về chế độ chính sách nhưng bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động tìm hiểu chính sách để cập nhật kịp thời.

Bà Nguyễn Thị Kim Cúc - Trưởng Ban Bảo lãnh hỗ trợ sau đầu tư và quản lý vốn ủy thác của Ngân hàng Phát triển Việt Nam - cũng cho biết: Hiện nay, chính sách bảo lãnh vốn vay đã mở rộng phạm vi và đổi tượng bảo lãnh như: bảo lãnh cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (kể cả hợp tác xã) có vốn điều lệ tối đa 20 tỷ đồng hoặc sử dụng dưới 1.000 lao động (quy định cũ là có vốn điều lệ tối đa 20 tỷ đồng và sử dụng tối đa 500 lao động).

Không bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn để kinh doanh bất động sản, kinh doanh chứng khoán; dịch vụ; vay vốn để thanh toán nợ vay của các hợp đồng tín dụng khác (riêng doanh nghiệp xây dựng nhà ở bán cho người có thu nhập thấp; nhà cho công nhân và sinh viên thuê; xây dựng nghĩa trang… vẫn được bảo lãnh).

Đặc biệt, quy định mới xóa bỏ hoàn toàn điều kiện nợ đọng thuế; nếu doanh nghiệp có nợ quá hạn nhưng có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh và cam kết trả được nợ thì vẫn được bảo lãnh vay vốn, doanh nghiệp sẽ sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay thực hiện dự án đầu tư để thế chấp bảo đảm bảo lãnh. Nhờ sự nới rộng điều kiện bảo lãnh mà 3 tháng qua đã có trên 550 doanh nghiệp đã được chấp thuận bão lãnh, trên 300 doanh nghiệp nộp hồ sơ đang được hướng dẫn.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp không được bảo lãnh vì hồ sơ dự án chưa minh bạch, kỹ năng lập dự án còn bất cập. Hồ sơ tài chính chứng minh đầu vào đầu ra không có. Mặc dù được hướng dẫn chi tiết nhưng vì nhiều lý do mà các doanh nghiệp này không thể hoàn chỉnh được hồ sơ.

Bản thân các ngân hàng cũng rất muốn giải ngân nhưng vì phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho nguồn vốn rót ra nên họ phải “nắm đằng chuôi”. Vì vậy, muốn vay vốn thuận lợi thì doanh nghiệp phải đảm bảo các thủ tục là rất cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khó vay vốn kích cầu, doanh nghiệp cũng có lỗi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO