Khó đạt kế hoạch

NGỌC VÂN| 12/11/2009 08:30

Trong 10 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu đạt 46,3 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khó đạt kế hoạch

Trong 10 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu đạt 46,3 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu huy động mọi nguồn lực cho xuất khẩu thì kim ngạch xuất khẩu bình quân hai tháng cuối năm có thể đạt trên 5 tỷ USD/tháng và dự kiến cả năm đạt 56,5 tỷ USD, giảm khoảng 9,9% so với năm 2008.

Hiện nay, có những mặt hàng giá xuất khẩu có xu hướng tăng, nhưng lượng xuất khẩu trong các đơn hàng không còn nhiều (nhóm hàng nông sản, dầu thô, da giày, công nghiệp chế biến). Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu thời gian tới sẽ khó tăng. Hiệp hội Cà phê - Ca cao VN cho biết, khối lượng xuất khẩu cà phê năm 2009 lên đến hơn 1 triệu tấn, nhưng do giá giảm tới 400 - 500USD/tấn so với năm 2008 nên kim ngạch có thể chỉ đạt 1,8 tỷ USD.

Sản lượng đánh bắt sụt giảm mạnh nên các DN thủy sản thiếu nguyên liệu để chế biến

Ngành dệt may được cho là có tín hiệu tốt vào cuối năm, nhưng kim ngạch xuất khẩu cả năm dự kiến chỉ đạt 9,17 tỷ USD, tăng xấp xỉ 1% so với 2008. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủy sản của 10 tháng khoảng 3,5 tỷ USD, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2008. VN vẫn đứng đầu là nhà cung cấp tôm vỏ cỡ lớn cho Mỹ với khối lượng 3.000 tấn, tương đương năm ngoái, nhưng giá trị lại giảm từ 43,7 triệu USD xuống còn 42,3 triệu USD. Các nhà máy da giày đang trong vụ sản xuất chính nhưng không có cảnh tăng ca. Để có hàng sản xuất, năm nay các DN da giày hầu như chấp nhận các đơn hàng nhỏ, có khi chỉ vài trăm đến một ngàn đôi, nên chi phí cao trên đơn giá sản phẩm.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu, các ngành, các địa phương phải chủ động làm việc với ngân hàng để tháo gỡ khó khăn về tỷ giá cũng như vốn cho DN, còn DN cần tận dụng tối đa các cơ chế hỗ trợ lãi suất của Chính phủ. Tuy nhiên, các DN cho rằng, việc vay vốn lúc này cho dù có trong diện hỗ trợ lãi suất cũng không có tác dụng vì mấu chốt của việc khó đạt kim ngạch xuất khẩu là thiếu đơn hàng.

Theo Hiệp hội Dệt May VN, nếu như thỏa thuận với thị trường Nga giảm được thuế sẽ giúp cho sản phẩm dệt may của VN cạnh tranh tốt hơn. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các DN, triển khai đề án tư vấn thị trường Hoa Kỳ nhằm giúp DN tránh được các rào cản kỹ thuật. Đối với thủy sản, để khai thác tốt các thị trường, yêu cầu đầu tiên là phải có đủ nguyên liệu để chế biến, nhưng hiện nguyên liệu hiện nay chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khó đạt kế hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO