Iran mong muốn hợp tác dầu khí với Việt Nam

01/06/2015 06:23

Kinh tế Iran đang từng bước được khôi phục dưới tác động của các chính sách kinh tế mới, sau khi Mỹ và phương Tây dỡ bỏ một phần các biện pháp cấm vận với nước này.

Iran mong muốn hợp tác dầu khí với Việt Nam

Quan hệ ngoại giao của Iran với các nước đang dần ấm lên. Giới phân tích khuyên các doanh nghiệp trên thế giới nên bắt đầu xây dựng kế hoạch đầu tư vào Iran ngay từ bây giờ.

Hồi đầu tháng tư vừa qua, sau tám ngày đàm phán căng thẳng tại thành phố Lausanne, Thụy Sĩ, Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đạt được một thỏa thuận hạt nhân sơ bộ, mở đường hướng tới một thỏa thuận toàn diện dự kiến sẽ ký vào ngày 30/6 tới.

Giới phân tích dự báo, nếu thỏa thuận được thông qua có thể mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế Iran, đồng thời mở ra những cơ hội cho các nhà đầu tư khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Điểm đầu tư hàng đầu Trung Đông

Tạm gác chuyện chính trị sang một bên, nhìn ở góc độ kinh tế, rõ ràng nếu Iran mở cửa thực sự cho các nhà đầu tư thì chắc chắn đây sẽ là một điểm đến vô cùng thú vị.

Xét về mặt địa lý, Iran có vị trí địa - chính trị chiến lược (nằm giữa và gần nhiều nước quan trọng khác trong khu vực Tây Á, cạnh vịnh Persian và biển Capsian, ở vào vị trí khống chế eo biển Hormuz).

Iran có một ví trị vô cùng thuận lợi, làm bàn đạp để các sản phẩm có thể thông qua thị trường Iran vào khu vực Trung Đông với các nước: Pakistan, Afghanistan, Turmenistan, Azerbaijan, Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq…

Iran là nền kinh tế lớn thứ 2 trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi ( MENA) với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 484 tỷ USD (sau Ả Rập) và dân số là 78 triệu người.

Đặc biệt, Iran nổi tiếng với ngành công nghiệp dầu mỏ khổng lồ, với trữ lượng khoảng 155 tỷ thùng dầu, tương ứng với 10,9% trữ lượng dầu mỏ toàn cầu.

Hiện nay, Iran có 62 mỏ dầu trên đất liền, 16 mỏ dầu ngoài khơi, 20 mỏ khí trên đất liền, 2 mỏ khí ngoài khơi đang hoạt động. Iran cũng là nước sản xuất kẽm, chì, Cobalt, nhôm, mangan và đồng hàng đầu trên thế giới.

Iran cũng nổi tiếng là một thị trường tiêu thụ hàng hóa rộng lớn, sự phát triển cơ sở hạ tầng trong các lĩnh vực giao thông, truyền thông và năng lượng.

Có vị trí chiến lược, bao quanh bởi 15 quốc gia lân cận bằng đường bộ hoặc đường biển, có thể phục vụ như một tuyến đường thương mại và quá cảnh thuận lợi ở cả hai miền Bắc - Nam và hành lang Đông - Tây.

Một báo cáo gần đây của Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) cũng nhận định, tỉ lệ tăng trưởng xuất khẩu của Iran cao hơn so với 110 quốc gia khác. IMF nhấn mạnh khối lượng lương thực và các dịch vụ của Iran đã tăng lên 5,4% so với năm 2012.

IMF cho biết chính quyền Iran đã có một số tiến bộ trong việc cải thiện môi trường bên ngoài và sự tin tưởng vào triển vọng của mình.

Iran kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào dầu khí

Trong cuộc làm việc giữa TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI và TS Gholam Reza Soleimani Amiri – Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Ghadir (Iran) hồi đầu tháng, TS Gholam Reza Soleimani Amiri cho biết, doanh nghiệp Iran mong muốn sẽ được hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực như: Dầu khí, hoá dầu, thép, xi măng, nhựa đường.

Bà Nguyễn Thị Chi - Cán bộ ban Quan hệ Quốc tế thuộc VCCI, người đi cùng các đoàn doanh nghiệp Việt Nam tháp tùng Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang thăm và làm việc tại Iran hồi cuối năm 2014 cho biết, hiện nay các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam như: Tập đoàn dầu khí, Hiệp hội cao su, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Rau quả Việt Nam, Tổng công ty Thủy sản, Tổng công ty VINAFOOD 2, Công ty CP dầu nhờn PV Oil, Tập đoàn đầu tư Thắng Lợi…đã sang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Iran.

Đặc biệt, Iran rất quan tâm mong muốn mở rộng quan hệ với các đối tác Việt Nam và kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, nước giải khát…

Theo tìm hiểu, ngoài lĩnh vực dầu khí nổi lên một số mặt hàng có nhiều khả năng hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và Iran là dầu gốc, nhựa đường, hạt nhựa, cao su, gạo, chà là, nông sản thực phẩm, hàng tiêu dùng, thức ăn chăn nuôi...

Trong đó, một số tập đoàn đầu tư như Tập đoàn Thắng Lợi gần đây đã có trao đổi và đàm phán việc nhập khẩu nhựa đường từ Iran, Tổng công ty VINAFOOD 2 đưa ra khả năng đổi gạo lấy dầu gốc, hạt nhựa, chà là…

Đặc biệt, Iran đang cần 31 tỷ USD để khánh thành 60 dự án hóa dầu bán thành phẩm trong khi đó, hiện nay nước này mới sắp xếp được khoảng 5 tỷ USD.

Một khi các dự án đi vào hoạt động, chúng sẽ làm tăng sản lượng dầu hàng năm của đất nước lên 55 triệu tấn, 74 tỷ USD cần thiết để mở rộng ngành công nghiệp hóa dầu trong 8 - 10 năm tới. Đây sẽ là một cơ hội vô cùng lớn để các nhà đầu tư Việt Nam có thể đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ tại Iran.

Kinh tế Iran đang từng bước được khôi phục dưới tác động của các chính sách kinh tế mới, sau khi Mỹ và phương Tây dỡ bỏ một phần các biện pháp cấm vận với nước này, nên tiềm năng và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam là lớn.

Hiện Iran cũng đang có nhiều ưu đãi đối với các nhà đầu tư. Chẳng hạn, thành phố Cảng Abadan cho phép nhập khẩu miễn thuế nguyên liệu thô và trang thiết bị, xuất khẩu hàng hoá không thông qua hải quan.

Iran có chính sách bảo hiểm đặc biệt trong khu vực, miễn thuế 20 năm cho tất cả các hoạt động kinh tế, đầu tư nước ngoài trực tiếp với 100% cổ phần. Chuyển đổi tự do tiền tệ tới các điểm đến nước ngoài và dễ dàng cung cấp visa cho người nước ngoài...

Tuy nhiên hiện nay, các ngân hàng của Iran không được phép giao dịch với các quốc gia bên ngoài. Do vậy, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi muốn chuyển tiền tới Iran và ngược lại.

Trở ngại này nhiều khả năng sẽ được giải quyết trong thời gian tới. Hiện các cơ quan liên quan của Iran và Việt Nam đang nỗ lực tìm giải pháp, trong đó khả năng thành lập ngân hàng chung nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước.

Mặt khác, thông tin về môi trường tập quán kinh doanh và cơ hội hợp tác giữa 2 nước còn ít, sự hiểu biết lẫn nhau vẫn còn rất hạn chế.

Những nút thắt này đang rất cần các cơ quan chức năng tháo gỡ sớm để các doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn hơn trong việc đón đầu cơ hội đầu tư vào Iran.

>Iran: Thị trường hoang sơ nhưng màu mỡ
>Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư năng lượng ở Iran
>Iran: Sau căng thẳng hạt nhân là đầu tư quốc tế
>Iran thông báo “tự chiết xuất” được uranium

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Iran mong muốn hợp tác dầu khí với Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO