Hướng tới tăng trưởng kinh tế dựa trên công nghệ và tri thức

MINH LÊ| 08/11/2016 05:21

Theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn mới của Việt Nam là hướng đến chất lượng và có khả năng cạnh tranh, dựa trên yếu tố then chốt là tri thức và kỹ thuật công nghệ.

Hướng tới tăng trưởng kinh tế dựa trên công nghệ và tri thức

Trong buổi đối thoại tại Hội nghị Vietnam Summit mới đây, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã 5 lần nhấn mạnh Việt Nam đang thay đổi mô hình tăng trưởng. Phó thủ tướng khẳng định, mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn mới của Việt Nam là hướng đến chất lượng và có khả năng cạnh tranh, dựa trên yếu tố then chốt là tri thức và kỹ thuật công nghệ.  

Đọc E-paper

Để nền kinh tế dần chuyển đổi sang tự động hóa và lao động tinh, việc đổi mới buộc sẽ phải diễn ra trong tất cả các lĩnh vực, ngay cả trong những thể chế kinh tế nhà nước và tổ chức ngân hàng. Hay ở lĩnh vực lao động truyền thống như nông nghiệp, vốn đang được xem xét áp dụng phương thức tích tụ ruộng đất nhằm tăng cường sử dụng kỹ thuật cao, tạo điều kiện sản xuất bền vững, số lượng lớn.

Ưu điểm của mô hình kinh tế mới khá rõ ràng. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh không tránh né khả năng áp dụng hình mẫu tăng trưởng mới này có thể khiến kinh tế đất nước phát triển chậm lại.

"Vấn đề Việt Nam phải đối phó là sẽ dẫn đến mất công ăn việc làm, nhất là trong những ngành nghề thâm dụng lao động. 76% lực lượng lao động sẽ được thay thế bằng tự động hóa" - ông Sebestian Eakardt - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tổng công ty Dệt May Việt Nam (Vinatex) dự báo, trong một thập kỷ tới, áp lực đổi mới công nghệ khiến ngành dệt nhuộm sử dụng 86% lao động thủ công có thể buộc phải giảm đến một nửa.

Giải pháp cho vấn đề này, Chính phủ và các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, đất nước sẽ trải qua quá trình đào tạo lại lao động, mỗi năm, xã hội phải tạo ra 1,5 triệu việc làm. "Việt Nam sẽ mở ra những ngành nghề mới để thu hút lao động" - theo Phó thủ tướng.

Kể từ thập kỷ 1990, sau khi chuyển nền kinh tế từ bao cấp sang thị trường, Việt Nam là số ít quốc gia trên thế giới duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.

Thời kỳ hội nhập quốc tế giai đoạn đầu, kinh tế Việt Nam phát triển dựa vào vốn và thâm dụng lao động. Sau 25 năm, các lợi thế này đã không còn, thậm chí khiến Việt Nam dần bị tụt lại trong số các nước phát triển thấp trong khu vực vì các quốc gia ấy ngày càng cải thiện tính cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm và năng suất lao động.

Với những nỗ lực đổi mới thay đổi mô hình tăng trưởng, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh dự báo tăng trưởng hợp lý của Việt Nam trong những năm sắp tới dao động từ 6,5 - 6,7%.

Trong những năm qua, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế sâu rộng hơn với trên 55 quốc gia là đối tác lớn. Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được trông đợi thực thi, vì nó rất quan trọng - Phó thủ tướng nhấn mạnh.

>WB lại hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016

>WB: Việt Nam sẽ dẫn đầu tăng trưởng kinh tế năm 2016

> Thu hút FDI - Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hướng tới tăng trưởng kinh tế dựa trên công nghệ và tri thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO