Hội thảo "Doanh nhân Việt Nam và văn hóa hùn hạp"

14/10/2009 08:51

DN Việt Nam yếu ở chuyện hùn hạp. Nhằm tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục, ngày 13/10, Hiệp hội DNTP.HCM cùng Báo DNSG tổ chức một hội thảo để mổ xẻ vấn đề.

Hội thảo

Thiếu khung pháp lý trong hùn hạp kinh doanh

(TTO) - Tại hội thảo “Doanh nhân VN và văn hóa hùn hạp” do báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức ngày 13/10, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng hiện chưa có một thống kê nào chỉ ra các hoạt động hùn hạp trong kinh doanh có độ lớn bao nhiêu, nhưng hoạt động hùn hạp trở thành một hoạt động rất phổ biến trong xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh.

Tuy nhiên, khi hùn hạp nảy sinh chuyện... không hạp dẫn đến cãi nhau do khung pháp lý hiện nay chưa đầy đủ, thiếu tính công khai minh bạch giữa các doanh nghiệp (DN).

Trong khi đó, theo ông Lương Văn Lý - tổng giám đốc Công ty cổ phần tư vấn DNL, xu hướng hợp tác, hùn hạp không chỉ gói gọn giữa DN trong nước với DN trong nước, mà còn mở cửa với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đã qua rồi giai đoạn DN FDI tìm đến các đối tác trong nước chỉ nhằm giải quyết các vấn đề khó khăn về mặt thủ tục hành chính.

Xu hướng hiện nay cho thấy DN nước ngoài tìm đến DN trong nước để chia sẻ rủi ro và chia sẻ thị trường. Nếu biết áp dụng linh hoạt phương thức hợp tác, doanh nhân Việt không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn có thể đưa nền kinh tế phát triển hơn nữa.

T.V.NGHI

Hội thảo Doanh nhân Việt Nam và văn hoá hùn hạp

(VOV) - Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, hôm 13/10, tại thành phố Hồ Chí Minh, Báo Doanh nhân Sài Gòn tổ chức hội thảo “Doanh nhân Việt Nam và văn hóa hùn hạp” thu hút gần 400 diễn giả và doanh nhân phía Nam tham dự. Tại hội thảo, các đại biểu nêu lên thực trạng, những bất cập trong chuyện hùn hạp liên doanh, liên kết sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Đó là việc nhiều doanh nghiệp còn làm ăn theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, chưa coi trọng chữ “tín” và liên kết với nhau để cùng phát triển vì sợ lộ thị trường, mất khách hàng, lộ thông tin. Hậu quả là rất nhiều cơ hội lớn đã bị bỏ qua do đối tác nước ngoài đặt hàng lớn nhưng doanh nghiệp không có khả năng đáp ứng.

Từ những yếu kém này, hội thảo cũng đề xuất những giải pháp để thúc đẩy doanh nghiệp thành công hơn trong công cuộc hội nhập kinh tế thế giới. Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh nói: “Theo tôi, vấn đề quan trọng hiện nay là làm cho doanh nghiệp thấy được sự hùn hạp, liên doanh liên kết là một tất yếu khách quan. Muốn phát triển doanh nghiệp thì phải hợp tác. Thứ hai là hoạt động phải vì lợi ích quốc gia và quốc tế. Vấn đề nữa là Nhà nước phải có những luật lệ phù hợp, kịp thời đáp ứng được với thay đổi để tạo khung pháp lý an toàn và thuận lợi cho doanh nghiệp”.

PV

Hùn hạp kinh doanh thiếu chuyên nghiệp

(VnExpress) - Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, sự cạnh tranh giữa các công ty diễn ra ngày càng quyết liệt. Mối hợp tác (hùn vốn, góp công) giữa các doanh nhân trở thành chiến lược quan trọng để doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

"Doanh nhân cùng đi trên một con thuyền đã khó, nhưng để chiếc thuyền ấy về đến đích càng khó hơn", ông Lê Bá Thông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần TTT chia sẻ tại hội thảo Doanh nhân Việt Nam và Văn hóa hùn hạp, sáng 13/10.

Ông Thông viện dẫn, có nhiều trường hợp hợp tác làm ăn với nhau, chỉ vì bất đồng nhỏ trong công việc nhưng không ai chịu nhường ai nên giữa đường gãy gánh. "Đây là biểu hiện của văn hóa "hùn hạp" chưa chuyên nghiệp. Khi quyết định đi chung thuyền và đã bước chân lên thuyền thì dù có gặp sóng gió anh cũng phải cùng sống chết lèo lái con thuyền ấy đi về bến đỗ", ông Thông nhấn mạnh. Theo ông Thông, hùn hạp là cách gọi truyền thống của Việt Nam, thực chất là mối quan hệ hợp tác trên nhiều phương diện: góp vốn, góp công, hỗ trợ tư vấn...

Tuy nhiên, liên quan đến câu chuyện văn hóa ứng xử trong “hùn hạp”, nhiều doanh nghiệp băn khoăn trước không ít "mối lương duyên" giữa các doanh nghiệp bị đổ bể. Ông Lê Nết, luật sư Công ty Luật LCT cho rằng: "Trước khi doanh nghiệp đến với nhau thì nên làm ăn thử vài vụ trong một lĩnh vực nào đó, nếu không hợp thì có thể chuyển qua lĩnh vực khác chứ không nên làm theo kiểu "ăn xổi ở thì"".
Ông Nết cũng phản đối tư duy kinh doanh "đi tắt đón đầu" đang phổ biến ở một số doanh nhân hiện nay. Theo ông, việc gì cũng phải đi từ nhỏ đến lớn, từ thất bại đến thành công, không thể ngồi đó và trông mong vào cơ may thành công từ những cú đi tắt khó bền vững.
Một thực trạng "hùn hạp" khá bức xúc khác cũng được nhiều doanh nghiệp nhắc đến, là tình trạng cố tình lợi dụng cổ phần hóa để đưa người thân vào trong ban quản trị công ty, cố ý biến công ty đại chúng thành công ty gia đình nhằm thâu tóm quyền lực. Thực tế này khiến nhiều cổ đông khác e ngại và khó đồng thuận trong công việc chung, dẫn đến những sự đổ vỡ đáng tiếc cho nội bộ doanh nghiệp.

Lệ Chi

Hùn hạp vốn: Cần lường trước những tranh chấp

(Pháp Luật TP.HCM) - Khi quyết định góp vốn, doanh nghiệp phải thành ý, thành tâm. Mục đích góp vốn là để hai bên chia sẻ rủi ro, thị trường, lợi nhuận… Nhiều bài học lẫn kinh nghiệm xương máu về góp vốn đã được nêu ra tại hội thảo “Doanh nhân Việt Nam và văn hóa hùn hạp” do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức ngày 13/10 tại TP.HCM.

Không hùn hạp cảm tính

“Hùn hạp” theo nghĩa tiếng Việt là hoạt động góp, hội vốn trong kinh doanh và xu hướng này phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, tại Việt Nam số lượng doanh nghiệp cổ phần chiếm số lượng quá ít so với doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn hay doanh nghiệp tư nhân. “Rất nhiều ý tưởng kinh doanh được thống nhất trong một bữa nhậu rất hồ hởi lạc quan, cam kết mạnh bạo, song rất thiếu phương án kinh tế. Kết quả là phương án kinh doanh phải thay đổi rất nhiều, dẫn đến rủi ro cao, dễ xảy ra bất đồng không đáng có giữa các đối tác góp vốn bởi thực tế thường khác xa với dự định ban đầu” - tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói.

Bà Đỗ Thị Kim Liên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA, chỉ ra ưu điểm của việc tự đầu tư là doanh nghiệp chủ động chính sách, kế hoạch kinh doanh, nhanh chóng đưa ra các quyết định đáp ứng yêu cầu công việc. Song nhược điểm mô hình này là khó mở rộng quy mô kinh doanh do nguồn vốn hạn hẹp, rủi ro cao và dễ dẫn đến tình trạng độc đoán, gia đình trị, kìm hãm sự phát triển…
Diễn giả Trần Sỹ Chương - nhà tư vấn và đầu tư lĩnh vực y tế, giáo dục, nhân sự không đồng tình với quan điểm cho rằng doanh nghiệp Việt Nam “trọng tình hơn trọng lý”. Theo ông Chương, đã làm doanh nghiệp thì tất nhiên phải biết tính toán thiệt hơn và tiêu chí lợi ích kinh tế đảm bảo sự bền vững. Tuy vậy, trong một số ít tình huống quyết định góp vốn, lãnh đạo doanh nghiệp vẫn không thoát khỏi sự cảm tính.

Không coi đối tác là… kẻ thù khi thất bại

Từng là phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM và hiện đang là tổng giám đốc công ty tư vấn về đầu tư nên ông Lương Văn Lý nắm khá rõ quy trình, mục đích hùn hạp của doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước. Nếu trước đây hùn hạp vốn chỉ là cái cớ để doanh nghiệp nước ngoài dựa vào doanh nghiệp trong nước giải quyết khó khăn về thủ tục hành chính thì nay mục đích góp vốn là để hai bên chia sẻ rủi ro, thị trường, lợi nhuận…

Theo ông Lý, đã quyết định góp vốn hay liên doanh thì doanh nghiệp phải thành ý, thành tâm với nhau. Trong trường hợp xấu nhất là xảy ra mâu thuẫn, đổ vỡ thì người đứng đầu doanh nghiệp không nên xem đối tác như kẻ thù. Sau thất bại trong hùn hạp, các doanh nghiệp vẫn còn cơ hội hợp tác trong lần sau.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm AAA Đỗ Thị Kim Liên nhìn nhận xu hướng liên doanh - liên kết là tất yếu để doanh nghiệp không phải trả giá nhiều cho sự mò mẫm xây dựng chiến lược theo kiểu tự phát. Tuy nhiên, sẽ không có công thức chung trong việc liên kết trong nước hay liên doanh với nước ngoài mà phụ thuộc vào điều kiện, chiến lược phát triển của chính doanh nghiệp đó.

Ông Lê Đăng Doanh cho biết trước khi quyết định góp vốn vào một dự án, doanh nghiệp phải bỏ công sức và tiền của nghiên cứu một cách chuyên nghiệp. Kế đó, phương pháp hùn hạp vốn phải được xây dựng bài bản với sự tham gia của các nhà tư vấn, luật sư dự liệu tất cả chi tiết, tình huống nhằm hạn chế tối đa những tranh chấp không đáng có sau này.

Theo ông Doanh, trước yêu cầu cạnh tranh ngày càng gay gắt, doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng mạnh lên và có quy mô, thương hiệu được thừa nhận trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, cần bổ sung, sửa đổi Luật Doanh nghiệp để có quy định bảo vệ cần thiết đối với cổ đông thiểu số. Ví dụ như luật nên cho phép cổ đông thiểu số có thể khởi kiện nếu không hài lòng với quyết định của người điều hành.

Theo www.phapluattp.vn

Hùn mà không... hạp

(Thanh Niên) - Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, thừa nhận doanh nhân Việt Nam yếu ở chuyện hùn hạp. Nhằm tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục, ngày 13/10, hiệp hội này cùng Báo Doanh nhân Sài Gòn tổ chức một hội thảo để mổ xẻ vấn đề. Các trường hợp hùn mà không hạp này xảy ra ở nhiều kiểu khác nhau.

Kiểu thứ nhất: Một nhóm doanh nhân ngồi lại bàn việc bỏ thầu cho một dự án và thống nhất không bỏ dưới mức giá đó. Thế nhưng vẫn có người trong nhóm xé rào, bỏ ở mức giá thấp hơn. Kiểu thứ hai: Doanh nhân A giỏi kỹ thuật, doanh nhân B mạnh tài chính, hai anh kết hợp thành lập một công ty. Công ty đang phát triển ngon trớn thì doanh nhân A âm thầm mở công ty khác nhưng kinh doanh cùng lĩnh vực và để người thân đứng tên, vì đã tích lũy đủ vốn.

Anh dùng nhiều chiêu thức để mang quyền lợi cho công ty này, và không dành tâm sức cho công ty đã hùn hạp trước đây. Kiểu thứ ba: Doanh nhân họ Nguyễn chưa có điều kiện đứng tên doanh nghiệp, nên nhờ doanh nhân họ Trần. Khi công ty hoạt động hiệu quả, anh họ Trần tìm cách hất cẳng người tin tưởng hợp tác cùng mình. Kiểu thứ tư: Doanh nghiệp khi chuyển qua công ty đại chúng bằng cách cổ phần hóa, lãnh đạo đưa người thân vào nắm những vị trí quan trọng và rồi hướng doanh nghiệp hoạt động theo “mô hình” gia đình…
Nhiều người đồng ý rằng, việc hùn hạp của doanh nhân ta diễn ra quá dễ dãi. Đôi khi là ở một nhà hàng, sau chầu nhậu thấy hợp ý nên quyết định “làm cái gì đó”.

Kiểu này rất phổ biến. Làm chuyện lớn mà không có sự chuẩn bị kỹ càng về phương án kinh doanh, khả năng lỗ lãi…, thế nào cũng xảy ra vướng mắc khi dự án triển khai. Càng làm càng thấy lộ ra nhiều mục bất hợp lý và phải điều đi chỉnh lại. Thế là cãi nhau, sinh bất hòa. Mâu thuẫn xảy ra, nhưng lại không giải quyết đến nơi đến chốn, không nói hết, làm mâu thuẫn càng ngày càng cao. Trong khi, các hợp đồng hùn hạp khá đơn giản, không quy định rõ những cam kết có tính ràng buộc pháp lý nghiêm túc, phương án ăn chia không được bàn bạc kỹ…

Kiểu này, bà Tôn Nữ Thị Ninh (Chủ tịch Hội đồng sáng lập trường ĐH tư thục Trí Việt) cho là “duy tình, không duy lý”. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Trần Sỹ Chương thì “Dân mình tính toán kỹ lắm. Nhưng trong cái lý đó, có những cái tình đặt không đúng chỗ”. Còn ông Lương Văn Lý, nguyên Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM, hiện làm Giám đốc Công ty tư vấn đầu tư Đại Nam Long - người từng chứng kiến nhiều cuộc hợp tan của các doanh nhân Việt với nhau, cả với doanh nhân nước ngoài - nói: “Từng là đối tác, có người bây giờ gặp nhau không bắt tay, thậm chí không nhìn mặt. Đó là thất bại lớn nhất. Trong kinh doanh, không thành dự án này, thì sẽ có cơ hội hợp tác khác”.

Thực trạng này đã khiến có người nhận định doanh nhân Việt có năng lực hợp tác kinh doanh thấp. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, đó chỉ dừng lại ở những nhận định cảm tính, nên cần những điều tra, nghiên cứu một cách khoa học về tỷ lệ thất bại trong hùn hạp ở VN, nguyên nhân từ đâu và so sánh với các nước ở giai đoạn phát triển tương tự như VN.

N.Trần Tâm

Doanh nghiệp Việt 'kết hôn', dễ đồng sàng dị mộng

(VietNamnet) - Nền văn hóa doanh nhân Việt Nam còn mang nhiều tính cá nhân, ông Đặng Ngọc Thăng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần bao bì Nghệ Vinh, nhận định tại hội thảo Doanh nhân Việt Nam và Văn hóa hùn hạp hôm 13/10.

Đồng sàng dị mộng

Theo ông Thăng, từ văn hóa kín kẽ của người Hà Nội, tính bộc trực, chắc chắn của người miền Trung và tính phóng khoáng của người Nam Bộ, sự đỗ vỡ rất dễ xảy ra khi doanh nhân Việt hùn hạp với nhau.

“Muốn ra biển lớn, chúng ta phải liên kết. Tuy nhiên, thực tế nhiều vụ ’hôn nhân’, các bên đều muốn phần lợi về mình nhiều hơn, nên thường xảy ra chuyện cơm không lành, canh không ngọt”, ông Thăng nói.

Ông cho rằng, lý do khiến các doanh nghiệp ngại hùn hạp là sau một thời gian dài làm ăn có lãi, người này đã hất cẳng đối tác để chiếm dụng toàn bộ công ty.

“Một người Việt Nam nếu làm ăn riêng lẻ thì hơn hẳn người Nhật… Tuy nhiên, nếu hai người hợp tác với nhau thì sẽ thua hai người Nhật cộng tác”, ông Thăng nhận xét.

Thậm chí, hai người Việt Nam kết hợp, hiệu quả giảm đi phân nửa, nếu 3 người hùn hạp thì nguy cơ đỗ vỡ là rất lớn.

Theo phân tích của ông Thăng, phần lớn doanh nhân Việt tay trắng làm nên sự nghiệp, không quen với liên kết, nên tư tưởng triệt đối tác để vươn lên luôn thường trực.

Ngoài ra, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, Việt Nam chưa có khung pháp luật đầy đủ, dẫn đến khiếu kiện khi không đạt mục tiêu, khiến vấn đề hùn hạp tan rã một cách nhanh chóng.

"Kết hôn" ngoại cũng không hơn

Chuyên viên kinh tế Trần Sỹ Chương cho biết thêm, sự liên kết bây giờ đã biến đổi về chất, các doanh nghiệp nước ngoài thường tìm một nhà đầu tư trong nước để nhắm đến hoạt động lâu dài hơn, bền vững hơn.

Hiện, nhiều doanh nghiệp Việt có đủ điều kiện để liên kết, liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài, từ đó có nhiều điều kiện phát triển theo hướng hai bên cùng có lợi.

Tuy nhiên, những doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài thường không đủ vốn để theo khi bị lỗ lã, dẫn đến các doanh nghiệp Việt phải bán toàn bộ tài sản cho đối tác. Và từ một doanh nghiệp liên doanh, không ít công ty đã trở thành doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Giám đốc một công ty luật nhận định, vấn đề hợp tác là tất yếu, song không nhất thiết phải liên doanh. Trước khi liên doanh nên làm ăn thử với nhau vài vụ, nếu không hạp nhau thì đừng hùn.

Thường doanh nghiệp Việt Nam khi muốn hùn hạp làm ăn đều nghĩ là họ có bao nhiêu tiền mà không nghĩ đến thế mạnh khác của đối tác như: công nghệ, nhân lực, kinh nghiệm… đó cũng là những thứ để hùn hạp.

“Tại sao cộng đồng doanh nghiệp Việt không tạo ra sự hùn hạp giữa các doanh nghiệp trong nước, sau khi lớn mạnh hãy liên kết với nước ngoài?”, ông Chương nói.

Chọn đơn thân hay chung thuyền?

Theo ông Lê Bá Thông, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần TTT, ban đầu TTT chỉ có 3 thành viên, nhưng hiện nay đã là 9 thành viên.
“Chúng tôi đều cam kết một con đường đi chung không ai có một công ty riêng nào hết để toàn tâm toàn ý lo cho công ty TTT. Không thể có chuyện mình đang cày ở công ty chung mà có một người khác âm thầm lo cho công ty riêng của mình”, ông Thông chia sẽ.
Ông Thông cho biết thêm, trong những cuộc họp hội đồng quản trị thì cãi nhau ỏm tỏi, đập bàn, đập ghế. Tuy nhiên, khi đã quyết định chiến lược, thì không có ai được có ý kiến gì, mà phải đồng thuận với nhau phát triển chiến lược đó.

Theo bà Lê Thị Phương Phượng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vinabico, Vinabico liên kết với một tập đoàn Kitomoki (Nhật) 20 năm, nhưng mới 10 năm thì tan rã.

Trong 2 năm đầu sau khi “chia tay”, doanh số của công ty đã tăng gấp đôi so với trước liên doanh và những năm tiếp theo tăng trưởng từ 20 - 25%.

Do đó, bà Phượng cho rằng, không thể nói thất bại khi liên doanh tan rã. Tuy nhiên, trong những năm liên kết, liên doanh luôn đứng trong top thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng của Việt Nam.

“Khi tiếp cận với nhiều tầng lớp doanh nhân ở Mỹ, mới thấy doanh nhân Việt Nam không dốt.

Tuy nhiên, doanh nhân Việt kém may mắn hơn khi môi trường kinh doanh chưa hoàn thiện, không thể phát huy hết khả năng của mình”, TS. Trần Sĩ Chương nói.

Trong khi đó, bà Phan Thị Tuyết Mai, Giám đốc Công ty thủy sản Tài Nguyên, lại cho rằng khi liên doanh với các đối tác lớn mới thấy mình thiếu rất nhiều thứ.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội cũng cho rằng, Việt Nam hiện đã hội nhập nên việc các doanh nghiệp hùn hạp, liên kết để phát triển, mở rộng là rất lớn, nhất là ở khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các tập đoàn khổng lồ như Micorosof, Yahoo… vẫn liên kết liên doanh với nhau, khi có nhu cầu giống nhau là mở rộng thị trường.
Rõ ràng, khi các nhà khổng lồ này “bắt tay” nhau, sẽ tạo nên một lợi thế, sức mạnh khủng khiếp. Mỗi một doanh nghiệp có một thế mạnh khác nhau, vì vậy khi kết hợp lại, sức mạnh sẽ được nhân đôi.

Tuy nhiên, theo TS. Lê Đăng Doanh, đừng kỳ vọng một cách quá đáng vào những đối tác nước ngoài. Sẵn sàng hợp tác, nhưng không ngây thơ, không mặc cảm. Chúng ta có nhiều lợi thế đễ đàm phán với đối tác nước ngoài với mục tiêu cả hai bên cùng có lợi.

Ca Hảo

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hội thảo "Doanh nhân Việt Nam và văn hóa hùn hạp"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO