Hồi phục doanh nghiệp: Tăng cường hỗ trợ và hiệu quả thực thi

Lan Ngọc| 10/03/2022 07:00

Tác động của đại dịch Covid-19 khiến hàng trăm nghìn doanh nghiệp trong năm 2021 đã phải rời khỏi thị trường. Các doanh nghiệp còn trụ được cũng gặp nhiều khó khăn duy trì lực lượng lao động, ổn định chuỗi giá trị, tăng trưởng doanh thu... Làm thế nào để giúp doanh nghiệp hồi phục tăng trưởng, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao đổi cùng Doanh Nhân Sài Gòn.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

* Hiện Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, theo ông vẫn còn điểm nghẽn nào về chính sách?

- Chính phủ đã có nhiều chính sách trợ giúp, bao gồm các gói chính sách hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ (gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, miễn giảm thuế, phí... cơ cấu nợ vay ngân hàng, giảm lãi suất...) để giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, theo VCCI, khâu tổ chức thực thi chính sách vẫn còn là "điểm nghẽn" cần tháo gỡ. Thông qua VCCI, cộng đồng doanh nghiệp phản ánh các điều kiện thụ hưởng chính sách hỗ trợ còn phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận, hoặc tiếp cận được chính sách hỗ trợ thì mất nhiều thời gian, nhiều thủ tục, chưa kịp thời khiến hiệu quả hỗ trợ chưa cao, thời gian hỗ trợ chưa đủ dài. Có những doanh nghiệp phản ánh, tính ra khi thực hiện xong các thủ tục để hưởng chính sách hỗ trợ, chi phí về thời gian, tiền bạc ngang bằng với không được hỗ trợ, nên họ đã không tiếp cận chính sách.

* Vậy kiến nghị cụ thể tháo gỡ là gì, thưa ông?

- Trong ngắn hạn, các hướng dẫn chính sách của bộ, ngành cần công khai rộng rãi, rõ ràng hơn, có tiêu chí cụ thể để có thể đánh giá được mức độ hoàn thành mục tiêu chính sách đề ra và kết quả thực hiện. Cần tiếp nhận hiệu quả các phản ánh từ doanh nghiệp qua đường dây nóng, điều chỉnh kịp thời các quy định, chính sách chưa phù hợp.

23423432-2112-1646885863.jpg

Giãn nộp các khoản tài chính cho doanh nghiệp, hợp tác xã... bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 nhưng không có khả năng nộp. Thời gian miễn, giãn nộp các khoản nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước cần đủ dài, nhất là đối với các khoản liên quan trực tiếp tới dòng tiền phục vụ hoạt động của doanh nghiệp (tiền thuê đất, các loại phí, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp). Bổ sung thêm chính sách hỗ trợ trả lương cho người lao động, hỗ trợ bảo hiểm xã hội (giảm mức đóng, thay vì không tính lãi chậm nộp như hiện nay). Tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận vốn như giãn nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, không phạt trả chậm tín dụng, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để có thêm thời gian phục hồi trả nợ và khắc phục nợ xấu là rất cần thiết.

Các gói vay lãi suất 0% hoặc lãi suất thấp thời hạn từ 3-6 tháng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động trong giai đoạn khôi phục kinh tế cần được triển khai mạnh mẽ. Mở rộng diện xem xét vay tín chấp đối với các doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính chuyển sang giải quyết thủ tục trên môi trường mạng, nâng cao hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền.

Cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng đảm bảo an toàn, an ninh cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Có lộ trình phục hồi kinh tế rõ ràng, có kịch bản sống chung dài hạn với dịch bệnh Covid-19 khả thi và khả năng chống chịu của doanh nghiệp.

Lộ trình phục hồi tăng trưởng kinh tế cần tập trung thúc đẩy sản xuất công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ, tăng cường liên kết vùng; xây dựng chiến lược tổng thể, dài hạn phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam; khuyến khích doanh nghiệp cải thiện chuỗi cung ứng khép kín, áp dụng quản lý chuỗi cung ứng xanh đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Cải thiện hạ tầng logistics để tạo thuận lợi cho các hoạt động vận tải và xuất nhập khẩu, đặc biệt đối với nông, thủy sản để tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. 

* Lợi thế thuế quan theo các FTA cũng là một công cụ quan trọng để hấp dẫn khách hàng quay trở lại đặt hàng với doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới...

- Đúng. Với lợi thế đó, cần hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan của các FTA. Khơi thông các chính sách liên quan đến quy tắc xuất xứ. Cần có chương trình hành động cụ thể nâng cao khả năng tận dụng cơ hội từ các FTA để xuất nhập khẩu hàng hóa và xử lý vướng mắc về các chính sách liên quan. 

Xác định kinh tế số là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, tạo cơ chế thúc đẩy thương mại điện tử (sàn giao dịch điện tử, vận tải công nghệ, chợ đầu mối trực tuyến...); thúc đẩy mạnh hơn phát triển thị trường nội địa, thị trường nội ngành.

Đối với các doanh nghiệp, cần chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh có tầm nhìn dài hạn hơn theo hướng tái cấu trúc thích ứng với bối cảnh và xu thế phát triển cả trong và sau đại dịch; đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, có phương án và chính sách tốt để giữ chân người lao động và đào tạo lại nguồn nhân lực. Tăng cường đối thoại xã hội, xem trọng vai trò và sự tham gia của công đoàn và người lao động trong giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hồi phục doanh nghiệp: Tăng cường hỗ trợ và hiệu quả thực thi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO