Hội nhập TPP và AEC: Doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận

DUY KHUÊ| 13/01/2016 06:35

Cơ hội từ hội nhập chỉ có thể hiện thực hóa thành lợi nhuận khi các doanh nghiệp Việt Nam thay đổi phương thức tiếp cận các hiệp định tự do thương mại.

Hội nhập TPP và AEC: Doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận

Cơ hội từ hội nhập chỉ có thể hiện thực hóa thành lợi nhuận khi các doanh nghiệp (DN) Việt Nam thay đổi phương thức tiếp cận các hiệp định tự do thương mại (FTA).

Đọc E-paper

Một trong những thuận lợi mà DN trong nước được thụ hưởng khi vòng đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc hồi tháng 10 năm ngoái là mở ra nhiều cơ hội tại các thị trường lớn như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia...

Bởi vì, từ trước đến nay, các hoạt động thương mại, đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam chủ yếu tập trung tại các thị trường truyền thống trong khu vực ASEAN.

Chẳng hạn, tính trong 10 tháng năm 2015, tại Lào, DN Việt Nam đã đầu tư 9 cơ sở mới và 9 cơ sở tăng vốn với tổng vốn cấp mới và tăng thêm đạt 126 triệu USD; 23 cơ sở mới và tăng vốn với tổng vốn đạt 194 triệu USD tại Campuchia.

Tín hiệu mừng là theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) DN Việt Nam cũng đã mở rộng sang các thị trường khác như Mỹ (22 cơ sở cấp mới lẫn tăng vốn với tổng vốn đạt 102 triệu USD), bên cạnh thị trường Nga, Singapore, Đức...

Các ngành nghề thế mạnh vẫn là khai khoáng, nông, lâm ngư nghiệp và trong những năm gần đây còn có tài chính, bất động sản (BĐS) nhưng với quy mô còn rất nhỏ.

Chẳng hạn, đối với Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House), đầu tư BĐS ở Mỹ chỉ dừng lại ở phạm vi sở hữu vài biệt thự để tìm lợi tức từ cho thuê.

Với TPP, hai nguyên tắc quan trọng của hiệp định này là xuất xứ hàng hóa và giảm, bỏ thuế quan. Điều này đồng nghĩa hàng hóa từ Việt Nam (một trong 12 quốc gia thành viên tham gia đàm phán TPP) sẽ dễ dàng thâm nhập vào những thị trường còn lại trong khối.

Liên quan đến vấn đề này, tại hội thảo về “TPP - Cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp Việt Nam” mới đây, luật sư Nguyễn Hoàng Tranh, Công ty Luật East West Lawyers, cho rằng, TPP là “cơn bão cơ hội” nhưng điều quan trọng là DN Việt Nam phải có phương thức tiếp cận phù hợp vì từ trước đến nay đa số đều xuất khẩu thô, lấy công làm lời.

Ông Tranh viện dẫn một tập đoàn sản xuất gạo Việt Nam muốn “tư vấn đường đi nước bước” xuất hàng sang Australia, nhưng, DN này đã không chấp nhận tốn chi phí để làm thương hiệu, nên đã bán rẻ hàng thô cho các DN Thái Lan và DN Thái Lán chỉ cần làm thương hiệu, xuất sản phẩm Việt sang Australia với giá cao.

“Nếu không dám đầu tư, không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì gia nhập TPP hay bất kỳ hiệp định thương mại nào cũng sẽ rất khó để tận dụng cơ hội”, ông Tranh khẳng định. Uy tín, sự thông hiểu về văn hóa kinh doanh và mối quan hệ tại nước sở tại cũng không kém phần quan trọng nếu muốn khai thác một thị trường mới.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng sẽ đón nhận được nhiều dòng đầu tư từ những DN nước ngoài.

Điển hình, trước khi TPP kết thúc đàm phán, hàng loạt DN từ Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc... đã đặt nhà máy sản xuất ở Việt Nam để tận dụng cơ hội tiếp cận các thị trường lớn, giá nhân công rẻ.

Ông Nguyễn Quang Thuận - Giám đốc Điều hành Stoxplus, đặt vấn đề, sau 3 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã thu hút hơn 6,5 tỷ USD (chỉ tính riêng dòng vốn đầu tư gián tiếp: trái phiếu, cổ phiếu...). Do đó, liệu TPP có tạo nên làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam hay không.

PGS-TS. Phạm Duy Nghĩa, giảng viên luật, chính sách công và quản trị nhà nước Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fullbright, lại băn khoăn: Mở cửa trước hết thúc đẩy dòng vốn ngoại, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng vấn đề là DN Việt có được lợi gì hay không.

Chẳng hạn, tập đoàn điện tử lớn như Samsung đầu tư vào Việt Nam thì DN trong nước có mặc nhiên trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng của Samsung toàn cầu?

Để tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập cần phải có sự tương tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và DN (chủ yếu là khối DN tư nhân).

Có thể bắt đầu từ việc tháo bỏ những rào cản gây khó khăn cho sự phát triển của DN (vốn, cơ chế, chính sách,...). Về phía DN cũng cần phải thay đổi tư duy, nếu không thể “bơi” một mình, có thể xem xét đến sự liên kết để cùng phát triển.

“Hội nhập phải bắt đầu từ trong nước, DN phải tự tin bơi trên sông rồi mới có thể tự tin bơi ra biển lớn”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

>Hội nhập TPP và AEC: Doanh nghiệp tìm thông tin ở đâu?

>2016 - năm bắt đầu hội nhập toàn diện, triệt để

>AEC: Chiến lược hội nhập của người Thái

>Vào TPP, Việt Nam cần "chiến đấu" với hội nhập

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hội nhập TPP và AEC: Doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO