Hỗ trợ doanh nghiệp nên tính đến hai phương án

Song Anh| 13/03/2020 01:00

Trong khi Bộ Tài chính đang nghiên cứu chính sách giãn, hoãn tiền thuế, chậm nộp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh theo chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Đinh Tuấn Minh - Giám đốc Nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI) nêu quan điểm: Nếu hỗ trợ doanh nghiệp nên tính đến hai phương án và ưu tiên doanh nghiệp ngành dịch vụ.

Hỗ trợ doanh nghiệp nên tính đến hai phương án

* Theo ông thì nguồn thu ngân sách từ thu thuế doanh nghiệp sẽ chịu tác động như thế nào bởi dịch Covid-19?

- Khi doanh nghiệp gặp khó khăn thì đương nhiên nguồn thu thuế sẽ chịu ảnh hưởng. Chẳng hạn, nguồn thu từ thuế giá trị gia tăng giảm do người dân giảm chi tiêu, nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp giảm do doanh nghiệp thua lỗ hoặc không có lãi, nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân cũng giảm vì doanh nghiệp giảm lương, thưởng đối với người lao động, nguồn thu từ thuế xuất, nhập khẩu cũng giảm do hoạt động ngoại thương giảm... Trong khi đó, chi tiêu của Chính phủ cho phòng chống dịch bệnh Covid-19 lại tăng, yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp sau khi dịch bệnh kết thúc lại càng lớn. Như vậy, Chính phủ chắc chắn là rất cẩn trọng với các chính sách tài khóa để đảm bảo nền kinh tế nhanh chóng phục hồi trong khi ngân sách không bị thâm hụt quá lớn làm ảnh hưởng đến nền kinh tế trong dài hạn.

* Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính và ngành thuế nghiên cứu chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ông bình luận thế nào về động thái này của Chính phủ?

- Theo tôi thì Bộ Tài chính nên xây dựng phương án hỗ trợ doanh nghiệp ngành dịch vụ như du lịch, vận tải, ăn uống, giáo dục do bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Sau đó là chính sách hỗ trợ những doanh nghiệp có giao thương trực tiếp với Trung Quốc, bởi với nền kinh tế có giá trị xuất nhập khẩu với Trung Quốc lên tới 117 tỷ USD (năm 2019) như Việt Nam, mức độ ảnh hưởng có thể nói là khá rộng khi dịch bệnh lan rộng tại Đại lục.

Có thể có hai phương án. Thứ nhất, dịch bệnh sớm kết thúc, việc hỗ trợ doanh nghiệp có lẽ là không cần thiết. Các doanh nghiệp thuộc ngành nghề chịu tác động mạnh của dịch bệnh nên xem đây như một loại rủi ro trong kinh doanh. Thứ hai, dịch bệnh kéo dài, nhiều doanh nghiệp trong ngành này có thể bị phá sản làm ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trong dài hạn. Khi đó, Chính phủ có thể cân nhắc một số chính sách tài khóa có trọng điểm để hỗ trợ riêng những đối tượng này. 

* Một số lĩnh vực trong nền kinh tế đang yếu đi bởi dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp không còn doanh thu, việc hỗ trợ bằng cách giảm thuế có thể không nhiều ý nghĩa...

- Không hẳn như vậy. Nếu dịch bệnh kéo dài, chính sách miễn, giảm thuế sẽ có ý nghĩa nhất định sau khi dịch bệnh kết thúc. Khi dịch bệnh qua đi, doanh nghiệp sẽ khôi phục lại sản xuất, kinh doanh, tức sẽ có doanh thu và lợi nhuận trở lại. Nếu được hỗ trợ cắt giảm hoặc giãn thuế thì những doanh nghiệp còn hoạt động trong những ngành này sẽ hồi phục nhanh hơn.

Như tôi nói, việc hỗ trợ doanh nghiệp thuộc ngành nghề bị ảnh hưởng chỉ nên thực hiện khi dịch bệnh kéo dài. Khi đó việc xác định những ngành nghề thực sự bị ảnh hưởng mới rõ ràng và chỉ khi đó, hỗ trợ mới thiết thực và công bằng.

* Theo ông, cơ chế hỗ trợ thiết thực nhất cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu chấm dứt, nên như thế nào?

- Đến nay, dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu chấm dứt. Chính phủ đang tiếp tục đầu tư để kiểm soát dịch bệnh, đồng thời đã truyền thông đúng diễn biến của dịch bệnh ở nước ta để người dân và doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề quay trở lại hoạt động như bình thường. Đó là cách hỗ trợ thiết thực nhất cho doanh nghiệp. 

Tôi tin là Chính phủ đang đặc biệt lưu ý đến chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp gỡ các vướng mắc về lưu thông hàng hóa với các quốc gia có dịch bệnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... để giảm thiểu các nguy cơ gián đoạn thương mại.

Chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ nên cân nhắc cải cách toàn diện chính sách thuế theo hướng giảm mạnh thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, nâng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân và bù đắp hụt thu từ các sắc thuế trên bằng việc tăng thuế giá trị gia tăng. Đây là giải pháp không những vẫn đảm bảo cân bằng ngân sách mà còn khuyến khích người dân tăng tiết kiệm, bỏ tiền đầu tư mở rộng sản xuất cũng như thu hút đầu tư nước ngoài tốt hơn, qua đó nhanh chóng giúp nền kinh tế hồi phục. 

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hỗ trợ doanh nghiệp nên tính đến hai phương án
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO