"Hành trang" nào cần mang theo trên đường hội nhập

TĂNG KHÁNH. Ảnh: Quý Hòa| 17/03/2016 07:03

Chương trình giao lưu doanh nhân - sinh viên trong khuôn khổ Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2016.

Sáng 17/3, hơn 300 sinh viên Đại học Công nghệ TP.HCM (Hutech) đã tham gia Chương trình giao lưu Doanh nhân – Sinh viên cùng 4 diễn giả - doanh nhân gồm: Bà Lê Thị Thanh Lâm - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn Food, ông Phan Thanh Long - Tổng giám đốc Khách sạn Rex, ông Trần Văn Phát - Giám đốc Công ty CP Đầu tư ROBOT và ThS. Nguyễn Thanh Tân - Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn Phát triển Kinh doanh Brainmark.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2016.

Chủ đề giao lưu “Hành trang hội nhập” cũng chính là vấn đề mà giới trẻ nói chung và các sinh viên nói riêng hết sức quan tâm trong bối cảnh Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu và rộng vào nền kinh tế thế giới.

Các diễn giả tại buổi giao lưu doanh nhân - sinh viên

Chuẩn bị gì để được tuyển dụng?

Hội nhập tác động rất lớn đến thị trường lao động trong khi sinh viên là nòng cốt lao động trong tương lai. Trong vai trò người điều phối chương trình, ThS. Nguyễn Thanh Tân đặt vấn đề: Câu chuyện nghề nghiệp trong tương lai ở giai đoạn hội nhập hiện nay đã khác rất nhiều so với sinh viên các thế hệ trước. Vậy các sinh viên cần chuẩn bị hành trang gì để hội nhập? Bằng kinh nghiệm làm việc cũng như với tư cách là những nhà tuyển dụng, các diễn giả chia sẻ với sinh viên bí quyết chọn nơi làm việc phù hợp.

Bà Lê Thị Thanh Lâm cho biết, khi tuyển dụng, Saigon Food không chú trọng lắm đến bảng điểm hay ứng viên có bao nhiêu ý tưởng sáng tạo mà quan tâm nhiều hơn đến khả năng phù hợp của ứng viên với môi trường làm việc, văn hóa công ty.

Bà Lâm kể câu chuyện tuyển dụng: Trong một lần đến công ty, bà nhìn thấy một anh bảo vệ dáng vẻ thư sinh, phong cách nhanh nhẹn - khá khác lạ so với những nhân viên cùng vị trí. Qua bộ phận nhân sự của Công ty, bà biết được đây là một sinh viên mới ra trường, xin làm bảo vệ trong thời gian đang học tiếp bằng đại học thứ hai. Qua trò chuyện, nhân viên này cho bà biết lý do mà mình xin làm vị trí bào vệ: “Đây là cách tốt nhất để tôi hiểu được văn hóa công ty và xem tôi có thích hợp để làm việc sau này hay không”.

Là một lãnh đạo doanh nghiệp, bà Lâm đánh giá cao tinh thần làm việc này. 2 tháng sau đó, nhân viên này đã được bố trí làm ở phòng marketing, và làm việc tốt cho đến ngày nay.

Tổng giám đốc Sài Gòn Food khuyên các sinh viên: Thay vì mất thời gian đi phỏng vấn nhiều nơi, bạn hãy đầu tư vào việc tìm hiểu văn hóa công ty mà bạn yêu thích. Từ đó, các bạn sẽ biết mình phù hợp với doanh nghiệp hay không để tìm được môi trường làm việc tốt nhất, phù hợp nhất.

Doanh nhân Lê Thị Thanh Lâm - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn Food  

Giám đốc ROBOT - ông Trần Văn Phát cho biết, mỗi doanh nghiệp có văn hóa khác nhau. Có công ty quản trị kiểu gia đình, có doanh nghiệp theo phong cách văn hóa cạnh tranh, văn hóa sáng tạo. Như vậy sinh viên cần tìm hiểu văn hóa doanh nghiệp để xem mình có phù hợp hay không.

Bên cạnh đó, ông cũng thông tin cho sinh viên biết đang có một sự dịch chuyển dòng chảy lao động trên toàn thế giới, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á. Do đó, sinh viên Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước trước sự “xâm thực” thị trường lao động mạnh mẽ này.

Ông Phát nêu ra 4 điểm mà sinh viên cần chuẩn bị: Thứ nhất, phải học tập thật tốt để có thể phát huy kỹ năng, tìm được ngành nghề mình yêu thích. Thứ hai, sinh viên nhất thiết phải biết ngoại ngữ để giao tiếp và đọc tài liệu nước ngoài. Thứ ba, sinh viên cần rèn luyện tác phong chuyên nghiệp, nhanh nhẹn hơn, gọn gàng hơn. Thứ tư là kỹ năng thuyết trình, trình bày ý tưởng.

“Đó là những thứ sinh viên cần chuẩn bị tốt trước khi ra trường, nếu không các bạn sẽ không “chơi" tốt được ngay trên sân nhà”, ông Phát nhấn mạnh.

Doanh nhân Trần Văn Phát - Giám đốc Công ty CP Đầu tư ROBOT

Làm việc thế nào để được thăng tiến?

Tổng giám đốc Khách sạn Rex - ông Phan Thanh Long chia sẻ hành trình lập nghiệp của bản thân: Tốt nghiệp năm 1992, chuyên ngành kỹ sư chế biến thủy sản. Khi mới ra trường ông từng phải làm cả những công việc lao động chân tay như bốc vác. Rồi trải qua biến cố trong công việc, ông vào ngành dịch vụ, bắt đầu với vị trí phục vụ, dọn phòng…

Ông Long cho biết, dù ở vị trí nào ông cũng làm việc bằng tất cả sự tâm huyết, hết lòng vì công việc. “Chính sự cố gắng hết mình trong công việc mà tôi được lãnh đạo chú ý, tạo điều kiện cho tôi được tiếp tục đi học và thăng tiến dần lên”, ông kể.

Doanh nhân Phan Thanh Long - Tổng giám đốc Khách sạn Rex

Qua câu chuyện của mình, ông Long nhắn nhủ với các bạn sinh viên: “Người lãnh đạo từng trải sẽ nhìn nhận rõ tinh thần và thái độ lao động thực sự của người lao động. Vì thế, các bạn hãy thật tâm làm việc, cống hiến cho công việc, cho doanh nghiệp, các bạn sẽ được đền đáp”.

>>TGĐ Khách sạn Rex: Tâm và tình trong điều hành

Cùng câu chuyện về ý nghĩa của tinh thần và thái độ lao động, Tổng giám đốc Sài Gòn Food cho biết bà đã bắt đầu sự nghiệp của mình với tấm bằng kỹ sư nuôi trồng thủy sản và công việc... lột tôm. Bà Lâm nhắn nhủ các sinh viên: “Các bạn sau khi được học cách tư duy, kiến thức nền từ nhà trường, phải tiếp tục trang bị kiến thức và kinh nghiệm thực tế. Sự thành công của tôi bắt đầu từ đam mê và các bạn hãy ấp ủ ao ước của riêng mình từ bây giờ".

Cùng tham gia giao lưu với các sinh viên Hutech, ngoài 4 vị diễn giả còn có nhiều doanh nhân thành đạt khác và họ đã cung cấp cho các em nhiều kinh nghiệm, thông tin không tìm thấy trong sách vở.

Sinh viên đặt câu hỏi với các doanh nhân

Bà Hồ Thị Thanh Vân – Giám đốc kinh doanh và Tiếp thị Công ty Pacific Healthcare với kinh nghiệm làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia chia sẻ rằng các bạn trẻ đừng quá băn khoăn về bằng cấp, bởi vì đó chỉ là bắt đầu.

"Ở một doanh nghiệp nước ngoài, mọi người được đối xử công bằng và luôn luôn có cơ hội dành cho lao động Việt nếu các bạn thể hiện được năng lực của mình trong công việc. Hãy luôn làm tốt công việc của bạn, bạn sẽ luôn có cơ hội làm việc ở bất cứ đâu trên thế giới”, nữ doanh nhân này nhấn mạnh.

Doanh nhân Hồ Thị Thanh Vân - Giám đốc kinh doanh và Tiếp thị Công ty Pacific Healthcare

Trước băn khoăn của các bạn trẻ rằng sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm sẽ khó tìm việc, làm sao để bắt đầu sự nghiệp, Tổng giám đốc Khách sạn Rex  Phan Thanh Long "trấn an" các bạn: Bất cứ ai cũng có điểm yếu, nhưng điểm yếu nào cũng có thể khắc phục. Các doanh nghiệp sẽ có chương trình đào tạo bổ sung cho nhân sự. Tuy nhiên, tư tuy tích cực và thái độ làm việc nghiêm túc, sự chịu khó, kiên nhẫn là những điều sinh viên Việt còn thiếu, chưa cạnh tranh được với lao động nước ngoài. Ông đề nghị sinh viên cần trang bị, khắc phục điểm này để có thể hội nhập vào sân chơi khu vực và thế giới.

>>Học và hành - hành trang để sinh viên hội nhập

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Hành trang" nào cần mang theo trên đường hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO