Hàng Việt Nam trong mắt người nước ngoài

02/01/2010 07:32

Đây là năm đầu tiên, trong cơ cấu mẫu điều tra Hàng VN chất lượng cao có điều tra đối tượng người nước ngoài đang sống và làm việc ở VN trên sáu tháng.

Hàng Việt Nam trong mắt người nước ngoài

Đây là năm đầu tiên, trong cơ cấu mẫu điều tra Hàng Việt Nam chất lượng cao có điều tra đối tượng người nước ngoài đang sống và làm việc ở Việt Nam trên sáu tháng. Hàng Việt Nam nói chung được đánh giá chất lượng ở mức điểm 3,7, theo thang điểm được cho từ 1 là bình thường đến 5 là rất tốt.

Không thiếu hàng tốt

Nhiều người đề cập đến hương vị càphê Việt Nam. Ông Miles Fah (Canada) ghiền càphê đến mức mua càphê Trung Nguyên mang về nước uống hàng ngày. Ngưỡng mộ cà phê Brazil, Ý, ông Lee (người Hàn Quốc) thú nhận: “Khi thưởng thức càphê Việt, tôi nhận ra đây mới là càphê dành cho mình. Tôi thích vị đắng, độ đậm, mùi thơm của càphê Việt”.

5 mặt hàng được người nước ngoài chọn mua và đánh giá chất lượng cao nhất:

Sữa tươi Vinamilk; Càphê Trung Nguyên; Bút bi Thiên Long; Bánh ngọt Kinh Đô; Áo sơmi Việt Tiến

Karla (Salvado) thích đồ đạc chất liệu tre, gỗ trang trí trong nhà vì nó bền, đẹp, hợp sở thích lại rất Việt Nam. Karla nói: “Rất tiếc, những món hàng này chẳng có tên tuổi”. Karla khoe bộ bát đĩa sứ mua tại siêu thị từ năm 2005 mà lúc mua chị cứ tưởng là hàng nhập. Dùng một thời gian, mới biết đây là sản phẩm của Minh Long. “Mình không ngờ hàng Việt chất lượng tốt vậy. Giá cao, nhưng dùng hơn năm năm thì cũng đáng tiền”, chị nói.

Dù chưa hài lòng về mẫu mã, cả Jon và Luis Antonio Torres II (Mỹ) đều đánh giá cao chất lượng hàng may sẵn của các thương hiệu An Phước, Việt Tiến, Nhà Bè, May 10. Trong khi đó, chị Karla cũng phàn nàn khó kiếm quần áo may sẵn cỡ lớn cho các thành viên gia đình.

Nhìn chung, trong tất cả hàng hoá từng dùng, những người nước ngoài này đều tự so sánh chất lượng và độ an toàn của hàng Việt cao hơn hàng Trung Quốc. Những người sống tại Việt Nam thời gian dài đều có nhận xét nhiều món hàng của Việt Nam đã cải thiện đáng kể so với trước đây. Jon cho hay: “Hồi đầu dùng bút Thiên Long và Bến Nghé, tôi thấy bút thường tắc đầu bấm, mực lúc ra lúc không. Bây giờ, bút của các hãng này cải thiện đáng kể, có thể nói là chất lượng cao”. Những hàng hoá có sự cải thiện có thể kể đến là sữa, các loại bánh kẹo, sách vở, quần áo, giày dép…

… Và hàng Việt chưa tốt

Trong mắt Jon, một số sản phẩm Việt Nam đang mất dần ưu thế cạnh tranh. Jon nói: “Gạo Việt Nam trước đây ngon hơn bây giờ. Món gà cũng thế. Hàng nông sản của Việt Nam đang bị công nghiệp hoá nhằm đáp ứng số lượng dẫn đến bỏ quên chất lượng”.

Tejendra Singh người Ấn Độ nhận xét, khi vào siêu thị mua hàng tìm được gian hàng có thứ cần mua rất khó, chưa kể lâu lâu siêu thị đổi vị trí xếp các gian hàng khiến việc tìm kiếm lại rắc rối thêm. Trong khi đó, khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của nhân viên không tốt.

Một số sản phẩm Việt Nam rất được ưa chuộng nhưng không biết bán ở đâu ví dụ như xá xị Chương Dương, chỉ bán ngoài đường hoặc tiệm tạp hoá, không bán ở các quán càphê, tiệm nước lớn.

Điểm khiến hàng Việt mất điểm, qua ý kiến ghi nhận từ những người nước ngoài trả lời cuộc điều tra, là chất lượng dịch vụ kém. Ông Edmurd Brogan (người Mỹ) kể về nguyên nhân phải bỏ luôn chiếc máy tính xách tay mới mua một tuần nhưng thủ tục bảo hành quá rắc rối. Ông nói: “Đó là hàng sản xuất tại Trung Quốc, nhưng tôi không hài lòng vì tiêu chuẩn chất lượng và dịch vụ bảo hành tại Việt Nam không chuyên nghiệp”. Ông Tony Magnifico (Mỹ) nhấn mạnh dịch vụ về khách hàng tại Việt Nam còn hạn chế, khách hàng gặp khó khăn khi đổi, trả hàng. Là nghiên cứu sinh về văn hóa, Karen Amber (Mỹ) nói: “Tôi từng mua nhiều món hàng khi mang về thì phát hiện kém chất lượng đành bỏ đi. Tôi không mang trả vì sợ người Việt đốt giấy xua rủi, đuổi khách”.

Văn hoá tiêu dùng của người Việt: tương tác bên mua và bán

Các kênh thông tin cơ bản mà người tiêu dùng thường tham khảo về sản phẩm nhiều nhất là sự trải nghiệm bản thân về tiêu dùng. Sự trải nghiệm này từ chính người tiêu dùng sản phẩm, chiếm đến 37,87% hoặc được thông tin từ người thân, người quen, cũng là người trực tiếp sử dụng sản phẩm, chiếm 25,05%. Ngoài ra, người bán cũng là một kênh thông tin quan trọng, có tỷ lệ chọn thứ ba 21,22%. Yếu tố này, cùng với sự gia tăng tỷ lệ chọn mua ở kênh phân phối truyền thống tăng, đặc biệt là chợ, nói lên một đặc điểm văn hoá của người tiêu dùng Việt Nam. Đặc điểm đó là cần có một không gian giao tiếp giữa người bán và người mua trong quá trình mua bán. Điều này thì siêu thị, kênh phân phối hiện đại không đáp ứng được.

1. Nước ép hoa quả, tăng lực; 2. Trà hoa quả; 3. Đường; 4. Sữa đậu nành; 5. Càphê rang xay; 6. Cacao; 7. Bột giải khát, xirô, mật ong, bột ngũ cốc; 8. Snack; 9. Nước mắm; 10. Bột giặt, nước rửa chén, nước xả vải

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàng Việt Nam trong mắt người nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO