Gói hỗ trợ doanh nghiệp cần trọng tâm, trọng điểm

HT| 10/01/2022 06:00

Diễn ra trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các nghị quyết kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV; đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều địa phương trong cả nước, kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội được tổ chức nhằm kịp thời đưa ra những quyết sách để hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết những vướng mắc pháp lý cho đầu tư phát triển.

Gói hỗ trợ doanh nghiệp cần trọng tâm, trọng điểm

Tại tờ trình dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về một số chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình, cụ thể như tăng bội chi ngân sách nhà nước để có nguồn thực hiện chương trình với số tiền là 240.000 tỷ đồng trong hai năm 2022-2023. Trong đó, năm 2022 khoảng 102.000 tỷ đồng, tăng tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước lên 5,08% GDP (tăng thêm khoảng 1,1% GDP so với dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đã được Quốc hội thông qua).

Đối với năm 2023, Chính phủ tổng hợp kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước chung cho cả phần tăng thêm của chương trình phục hồi của năm 2023, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định hiện hành. Các đại biểu Quốc hội đánh giá đây là những chính sách rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu của tình hình trước những tác động nặng nề đối với nền kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội cho rằng, gói hỗ trợ phải quan tâm đến hiệu quả và cam kết sản phẩm đầu ra. Mục tiêu của gói phục hồi lần này hướng đến là chấp nhận bội chi và đi vay, để sau một thời gian nhất định thu được chi phí lớn hơn. Vì vậy, vấn đề hiệu quả của dự án là phải trả lời được câu hỏi, với trên 346.000 tỷ đồng đạt kết quả cụ thể gì và với mục tiêu như vậy, đề án cần quy định rất rõ hiệu quả đầu ra.

Dù trong dự thảo Nghị quyết quy định ba mục tiêu là tăng trưởng GDP từ 6,5-7%, phục hồi sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội. Nhưng với các mục tiêu khái quát như vậy, nếu không có cam kết kết quả đạt được thì khó có thể có thước đo chính xác cho hiệu quả sau này.

Về căn cứ và tiêu chí đầu tư nguồn lực, căn cứ Luật Đầu tư công và các nghị quyết về phân bổ ngân sách, một trong những quy tắc quan trọng đó là nguồn lực được phân bổ phải được xác định trên các nguyên tắc, tiêu chí và điều kiện ràng buộc. Lần này chúng ta phân bổ hơn 346.000 tỷ đồng, có mục tiêu phân bổ trực tiếp, có mục tiêu qua các công cụ khác như thuế, hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, dù trực tiếp hay gián tiếp thì phải có nguyên tắc, tiêu chí cụ thể tương ứng với từng gói chính sách.

Với việc trình gói hỗ trợ này, Chính phủ đã vào cuộc kịp thời, chính sách tài khóa và tiền tệ đầy ý nghĩa nhân văn này hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiểm soát dịch bệnh và an dân.
Chính sách miễn, giảm thuế được trình trong dự thảo Nghị quyết là phù hợp, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích phát triển kinh tế, giúp doanh nghiệp sớm quay trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, cần phải quy định rõ đối tượng doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ, có bao gồm cả doanh nghiệp FDI hay không và cần quy định cụ thể hơn, ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có sức lan tỏa.

Việc hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội phải quy định chặt chẽ, tránh để mất vốn. Việc tăng vốn cho Ngân hàng Nông nghiệp là cần thiết nhưng phải giải thích cho các ngân hàng khác, tránh so bì. Đồng thời, đối tượng còn nhiều mà tiền thì có hạn, nên chính sách hỗ trợ cũng cần cân nhắc.

Đây là chương trình quy mô lớn nhất từ trước đến nay, gần 350.000 tỷ đồng, nên phải có giải pháp cụ thể. Các đại biểu đồng tình với các giải pháp của Chính phủ, cần dự kiến huy động trong nước và vốn vay nước ngoài là bao nhiêu. Cần huy động nguồn vay trong nước, vay nước ngoài thời gian trả nợ, điều kiện ràng buộc rất khó.

Trong công tác phòng, chống dịch, phải nâng cao năng lực của y tế cơ sở, trong gói 14.000 tỷ đồng, phải cân nhắc quan tâm đến con người. Cán bộ y tế tuyến cơ sở yếu về chuyên môn, phải nâng cao năng lực, cơ sở vật chất, nhưng cần có trọng tâm trọng điểm. Ngoài ra, cần làm rõ tiêu chí, cần ưu tiên tập trung đầu tư trang thiết bị y tế cho trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện, như vậy sẽ hiệu quả lâu dài hơn.

Về hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với gói gần 40.000 tỷ đồng và lãi suất 2%/năm, là gói hết sức quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm, như lĩnh vực du lịch, vận tải hành khách, ngành hàng không, dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn... Đồng thời, các ngân hàng thương mại cần cải cách thủ tục để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận, đồng thời kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng vay để mang đi đầu tư các lĩnh vực khác, gây rủi ro, làm suy giảm nền kinh tế.

Điều chỉnh một số chỉ tiêu để thực hiện gói hỗ trợ theo như đề xuất của Chính phủ, nhưng cần rà soát kỹ các đối tượng, bảo đảm khả năng trả nợ trong tương lai. Hỗ trợ doanh nghiệp là trọng tâm ưu tiên, nhưng phải tính toán cẩn trọng, cần hỗ trợ phù hợp, tính toán sức hấp thụ đến đâu, cần cung cấp cho doanh nghiệp cho hướng đi và cách đi, "trao cần câu hơn cho con cá". Do đó, chính sách tài khóa cần đẩy mạnh đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phải theo xu thế phát triển với những dự án có tính lan tỏa cao.

Cần có cơ chế kiểm tra, kiểm soát và cho vay chặt chẽ, tránh việc doanh nghiệp móc nối với ngân hàng, vay vốn xong gửi lại ngân hàng lấy lãi. Về giảm thuế giá trị gia tăng 2% áp dụng cho các mặt hàng chịu thuế suất 10%, có ý kiến đề nghị nên cân nhắc giảm thuế 1% nhưng thực hiện trong hai năm, tránh ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gói hỗ trợ doanh nghiệp cần trọng tâm, trọng điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO