Giúp DN vượt khó trong bối cảnh suy giảm toàn cầu

03/07/2009 03:45

Có lẽ chưa bao giờ cả Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam phải cùng lúc giải bài toán với “nghiệm kép” hóc búa như hiện nay: vừa khắc phục những khó khăn của dư âm lạm phát cao kéo dài, vừa chống lại đợt suy giảm tổng cầu và giá cả toàn cầu đột ngột và mãnh liệt không kém...

Giúp DN vượt khó trong bối cảnh suy giảm toàn cầu

Có lẽ chưa bao giờ cả Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam phải cùng lúc giải bài toán với “nghiệm kép” hóc búa như hiện nay: vừa khắc phục những khó khăn của dư âm lạm phát cao kéo dài, vừa chống lại đợt suy giảm tổng cầu và giá cả toàn cầu đột ngột và mãnh liệt không kém; đồng thời, trong bối cảnh đó, tính 2 mặt và đối chọi nhau của các giải pháp được lựa chọn cho lời giải của mỗi nghiệm, cả cấp vĩ mô và vi mô, đều trở nên nhạy cảm, đan xen và bộc lộ đậm nét gay gắt chưa từng có…

Vì vậy, để giúp doanh nghiệp vượt qua các thách thức này, cần chú ý những khía cạnh sau:

Thứ nhất,

cần sớm mạnh dạn giảm sâu hoặc đình hoãn thu thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp và cả thuế thu nhập cá nhân, cùng các chi phí trung gian không cần thiết hoặc do tham nhũng cho doanh nghiệp, nhất là ở những lĩnh vực cần đầu tư phát triển, giảm thuế sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, giảm giá đầu ra, giảm lạm phát. Đây là một trong những giải pháp cần nhấn mạnh hàng đầu.

Thứ hai, phát triển một thị trường vốn đa dạng hơn và có tính thị trường thực chất hơn, bao gồm các loại công ty và quỹ đầu tư trong đó có nhiều loại quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ bảo lãnh, kể cả quỹ tư nhân… tăng cường hỗ trợ lãi suất và bảo lãnh tín dụng từ phía Nhà nước một cách linh hoạt và minh bạch là điều nên làm sớm và thực chất hơn…

Thứ ba, cơ chế quản lý tỷ giá VND phải mềm hơn, theo hướng trả đồng tiền về đúng giá trị thực. 2 năm vừa rồi lạm phát ở Việt Nam xấp xỉ 30% thì ở Mỹ chỉ lạm phát chưa đến 7%, trừ chênh lệch đi đồng tiền của chúng ta bị đắt lên ít nhất 20% do tỷ giá VND gắn chặt và hầu như không đổi so với USD. Rõ ràng, xu hướng cố định tỷ giá và ngày càng tăng giá trị đồng bản tệ đã, đang và sẽ tiếp tục khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp đắt đỏ, sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu kém đi và nhập siêu kéo dài.

Thứ tư, thông tin cần đa dạng hơn, nhiều chiều, đảm bảo dân chủ và tăng thêm vai trò phản biện xã hội của các hiệp hội và tổ chức xã hội. Tăng số và chất lượng thông tin phát ngôn chính thức, thông tin của doanh nghiệp, nhất là của doanh nghiệp Nhà nước. Hiện nay, nhiều DNNN và các công ty niêm yết trên TTCK thích sử dụng nghiệp vụ kế toán chuyển hoặc treo lỗ, nên báo cáo tài chính rất đẹp và ảo. Nếu khu vực doanh nghiệp và các số liệu thống kê nhà nước đưa thông tin sai thì điều hành Chính phủ sai, dễ tạo ra sự hỗn loạn và đổ vỡ bất ngờ nào đó, chí ít cũng làm giảm hiệu lực và hiệu quả của quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế và chống lạm phát. Thông tin phải minh bạch và chính sách phải ổn định, được hoàn thiện dần theo hướng có thể dự báo được. Tăng chất lượng và vai trò dự báo về tác động 2 mặt của chính sách, được đưa ra bởi đội ngũ chuyên nghiệp, có phản biện khoa học…

Thứ năm, khu vực doanh nghiệp cần được tăng cường tái cấu trúc theo hướng đa sở hữu, đồng thời cần có “điều chỉnh” trong tư duy, khuyến khích tạo ra tập đoàn tư nhân lớn, đủ sức cạnh tranh tầm quốc gia và thế giới. Với doanh nghiệp nhỏ, nên có sự đổi mới công nghệ, định hướng phát triển và tiêu chuẩn hóa quản trị doanh nghiệp. Đặc biệt, cần đảm bảo tính ổn định hệ thống, nhất là trong tái cấu trúc liên quan đến khu vực tài chính- ngân hàng v.v… Ngoài ra, còn cần chú ý xử lý tốt các vấn đề liên quan đến mua bán sáp nhập doanh nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp, an sinh xã hội.

Thứ sáu, đẩy mạnh một bước tự do hóa và phát triển cạnh tranh thị trường, thúc đẩy sớm hơn nếu có thể quá trình tự do hóa theo khuôn khổ WTO. Những lĩnh vực không cần độc quyền vì không nhạy cảm thì nên mở sớm và nhanh hơn nữa, ngay cả kinh doanh xăng, dầu, điện, thuốc,… Bài học phát triển ngành viễn thông và công nghiệp ôtô vẫn còn nóng lắm cho các lĩnh vực đang có mức độc quyền cao ở nước ta. Nên mở cửa mạnh hơn nữa về tài chính, nhất là mở “Room’ rộng hơn cho FDI trong quá trình cổ phần hoá DNNN. Khi luồng vốn trong nước đã hạn hẹp và không được sử dụng hiệu quả, thì càng phải mở cửa cho nước ngoài, nếu không sẽ có đình trệ, ách tắc không cần thiết.

Thứ bẩy, tăng phạt hành chính những vi phạm về giá cả, chống đầu cơ và lũng đoạn, chống lobby mang tính chất ngành và doanh nghiệp tạo ra sự lệch hướng hay thiếu thống nhất về chính sách của Chính phủ và gây thiệt hại chung cho xã hội.

Thứ tám, thực hiện nghiêm việc đấu thầu thực chất các dự án, đặc biệt là được tài trợ bằng các nguồn lực công, cũng như các hoạt động mua sắm chi từ nguồn đầu tư công; Cho các khu vực doanh nghiệp tham gia rộng rãi, bình đẳng, chứ không phải chỉ khép kín trong khu vực Nhà nước với nhau. Cơ quan chủ quả và chủ đầu tư không thể vừa lập dự án, vừa “tuýt còi” cho các doanh nghiệp nào đó vào. Dự án vì lợi ích công, thì tất cả ai có đủ năng lực và tiêu chuẩn phù hợp đều có quyền cạnh trang thực hiện. .

Thứ chín, trong vấn đề kiểm soát thị trường, chú ý đến liều lượng, thời lượng, chính sách bổ trợ khi xây dựng và thực thi những giải pháp đã, đang và sẽ triển khai. Bất kỳ chính sách nào cũng có 2 mặt của nó, vì vậy phải lưu ý dự báo trước, chuẩn bị trước phương án, xác định cơ chế phản hồi, phản biện, tiếp thu và không ngừng hoàn chỉnh, để phát huy mặt tích cực, giảm tiêu cực của các chính sách được lựa chọn.

Ngoài ra, cần đặc biệt coi trọng hơn nữa việc chống tham nhũng, thực sự cầu thị và trọng dụng người tài, xây dựng và thống nhất một hệ giá trị chuẩn quốc gia, cả về chính trị, kinh tế, xã hội, để tăng cường lòng tin và sự đồng thuận xã hội, đảm bảo tất cả chính sách, tất cả những gì chúng ta phân biệt đúng - sai phải theo chuẩn mực chung, tránh bị ngộ nhận hoặc bị nhiễu về chân giá trị.

Tham nhũng trong công tác tổ chức-cán bộ còn mang lại sự nguy hại to lớn và lâu dài hơn nữa cho đất nước, vì chúng không chỉ tạo ra và dung dưỡng những kẻ ăn bám, phá hoại, làm giảm năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước trong phát triển KT-XH và làm xói mòn lòng tin, hủy hoại các nguồn lực quốc gia, làm bạn bè thế giới xa lánh và đổ vỡ khối đại đoàn kết dân tộc… Vì vậy, Nhà nước cần xây dựng một cơ chế chống tham nhũng thực chất hơn, dân chủ hơn, kiên quyết và hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giúp DN vượt khó trong bối cảnh suy giảm toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO