Giải bài toán cho mục tiêu 64,68 tỷ USD xuất khẩu

13/07/2009 08:03

Theo Bộ Công Thương, 6 tháng cuối năm, kim ngạch xuất khẩu phải đạt trung bình gần 6,2 tỷ USD/tháng thì mới hoàn thành mục tiêu đề ra.

Giải bài toán cho mục tiêu 64,68 tỷ USD xuất khẩu

Theo Bộ Công Thương, 6 tháng cuối năm, kim ngạch xuất khẩu phải đạt trung bình gần 6,2 tỷ USD/tháng thì mới hoàn thành mục tiêu đề ra. Vì thế, nếu không có sự vào cuộc tổng lực của các bộ, ngành, địa phương thì mục tiêu trên khó thành hiện thực.

6 tháng cuối năm, phải đạt kim ngạch xuất khẩu 6,2 tỷ USD/tháng

Theo Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm, kim ngạch dệt may, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chỉ đạt trên 4 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ.

Lý giải về vấn đề này, ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, cho biết: Lần đầu tiên trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may âm 1,8%, theo số liệu của Bộ Công Thương thì nhập khẩu nguyên phụ liệu cũng âm. “Từ đó có thể thấy kim ngạch xuất khẩu thời gian tới sẽ tiếp tục âm, kế hoạch kim ngạch xuất khẩu khó đạt nếu như không có biện pháp mạnh, mang tính đột phá”- ông Ân khẳng định.

Cũng theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 27,612 tỷ USD, giảm 10,13% so với cùng kỳ năm trước. Bộ Công Thương cho rằng, nguyên nhân của sự sụt giảm trên là do các mặt hàng chủ lực tuy tăng về sản lượng nhưng giảm về giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ và đặc biệt là do khó khăn về thị trường xuất khẩu.

Tại cuộc họp với các Hiệp hội ngành hàng về công tác xúc tiến thương mại mới đây, bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, cho biết, trong số 4 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Australia, xuất khẩu đều giảm mạnh. Cụ thể: Mỹ giảm 6%, Nhật Bản giảm 35%... chỉ duy nhất thị trường châu Phi tăng trưởng mạnh, nhưng tỷ trọng xuất khẩu hàng tháng chỉ vẻn vẹn vài triệu USD nên không thể tác động làm tăng kim ngạch xuất khẩu chung.

Trong khi đó, theo kế hoạch sau khi đã được Quốc hội điều chỉnh, kim ngạch xuất khẩu năm 2009 phải tăng 3%, tức là đạt 64,68 tỷ USD. Như vậy, 6 tháng cuối năm, kim ngạch xuất khẩu phải đạt trung bình gần 6,2 tỷ USD/tháng thì mới hoàn thành mục tiêu đề ra. Vì thế, theo Bộ Công Thương, nếu không có sự vào cuộc tổng lực của các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ cho doanh nghiệp, thì mục tiêu trên khó hiện thực.

6 tháng cuối năm, phải đạt kim ngạch xuất khẩu 6,2 tỷ USD/tháng

Gỡ vướng cho doanh nghiệp xuất khẩu

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng vừa diễn ra tại Hà Nội của Bộ Công Thương, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Lê Quốc Ân phản ánh, nếu thủ tục hải quan thông thoáng hơn thì sẽ giúp ích nhiều cho họ tăng tốc xuất khẩu. Bởi vậy, các doanh nghiệp kiến nghị Bộ Công Thương khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các quy định để tiếp tục giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian thông quan.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu cam kết, Bộ sẽ phối hợp chặt hơn với Bộ Tài chính trong đơn giản hóa các thủ tục xuất khẩu, nhất là thủ tục hải quan, để tạo động lực cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục điều chỉnh linh hoạt thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu một số mặt hàng theo hướng hỗ trợ đối đa cho sản xuất trong nước, thúc đẩy xuất khẩu và khẩn trương xây dựng đề án thí điểm “Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu” trình Chính phủ phê duyệt.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường, cho biết: "Để rút ngắn thời gian thông quan cho doanh nghiệp, ngoài việc sớm mở rộng các chi cục hải quan điện tử tại Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh trong năm nay, Tổng cục Hải quan đang tích cực chuẩn bị áp dụng mô hình hải quan điện tử tại 5 cục hải quan tỉnh, thành phố... Số còn lại sẽ sớm tiến đến mô hình hải quan điện tử".

Do nhóm hàng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản là nhóm hàng có đóng góp đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu, nên để góp sức vào mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu từ nay đến cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp.

Theo đại diện Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, để gỡ khó cho xuất khẩu, Cục đang tăng cường tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều quy định mới về xuất khẩu vào các thị trường như Nga, EU, Brazil, Hàn Quốc, bên cạnh đó bám sát các thị trường xuất khẩu, để xử lý kịp thời thông tin sai lệch về an toàn vệ sinh thực phẩm các sản phẩm thủy sản Việt Nam, giải quyết nhanh các lô hàng bị cảnh báo ở các thị trường nhập khẩu; tăng cường xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm thị trường mới cũng là biện pháp thiết thực để đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Diệp Kỉnh Tần, cùng với ráo riết triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, Bộ còn kết hợp với vận động quốc tế để tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ tổ chức một loạt sự kiện xúc tiến thương mại để quảng bá hàng nông, lâm, thủy sản tại các thị trường: Nga, Đức, Trung Á.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Lê Quốc Ân đề nghị Bộ Công Thương, nhất là thương vụ ở các nước hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức các hoạt động hội chợ, quảng bá... để tăng đơn hàng trong 6 tháng còn lại của năm, trong đó cần lấy thị trường châu Á làm trọng điểm.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu năm 2009, nhiệm vụ trọng tâm là công tác xúc tiến thương mại. Bộ Công Thương cũng đã tăng thêm 90 tỷ đồng cho công tác xúc tiến thương mại năm nay nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và khai phá các thị trường mới.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên nhấn mạnh: “Việc xúc tiến thương mại năm nay có nét mới là gắn chặt với ký kết các đơn hàng xuất khẩu, chứ không “cưỡi ngựa xem hoa” nhằm mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO”. Để thực hiện được điều này, Bộ Công thương sẽ tiến hành đồng loạt các giải pháp như: rà soát các cơ chế, chính sách khuyến khích xuất khẩu, lưu thông hàng hoá xuất nhập khẩu, đặc biệt là vấn đề cấp C/O qua mạng…

Bộ Công thương cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần khai thác tối đa các ưu đãi của Chính phủ trong giai đoạn này để thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, góp phần hoàn thành mục tiêu chung của đất nước.

Kiềm chế nhập siêu

Tháng 6 là tháng thứ ba liên tiếp Việt Nam nhập siêu trở lại, đẩy lượng nhập siêu trong 6 tháng đầu năm lên tới 2,1 tỷ USD. Nỗ lực tăng trưởng xuất khẩu sẽ bị lu mờ nếu hai quý còn lại của năm nay tiếp tục lún sâu vào nhập siêu, khiến cán cân thương mại thâm hụt lớn.

Tín hiệu nhập siêu đã được phát đi từ đầu quý hai, bởi vậy cùng với đẩy mạnh xuất khẩu, việc kiềm chế nhập siêu cũng đang đặt ra nóng bỏng.

Theo Bộ Công Thương, từ nay đến cuối năm, đi liền với tạo thuận lợi tối đa nhằm khuyến khích xuất khẩu, bộ sẽ kiểm soát chặt khâu nhập khẩu nhằm giảm nhập siêu, trong đó tập trung đưa ra nhiều biện pháp để giảm nhập siêu các loại hàng tiêu dùng không thiết yếu. Cụ thể, cơ quan chức năng cần quản lý việc nhập khẩu bằng giấy phép tự động để kiểm soát nhập khẩu đối với các mặt hàng tiêu dùng, tăng cường kiểm soát nhập khẩu thông qua chính sách thuế và phi thuế.

Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất hàng thay thế nhập khẩu, tăng cường sử dụng các loại máy móc, vật tư, thiết bị sản xuất trong nước đối với các dự án sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, góp phần giảm nhập siêu.

Ngay cả những nhóm hàng cần thiết phải nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng cho rằng cần áp dụng các công cụ điều tiết thị trường, để giảm cầu hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải bài toán cho mục tiêu 64,68 tỷ USD xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO