Giá gạo tăng không phải do mất cân đối cung - cầu

Nguồn VnEconomy| 04/12/2009 06:39

Trước việc giá gạo tăng mạnh trong những ngày qua, rải rác ở một số thành phố lớn như Tp.HCM đã xuất hiện tin đồn cơn sốt gạo có thể đến như những tháng đầu năm 2008.

Giá gạo tăng không phải do mất cân đối cung - cầu

Trước việc giá gạo tăng mạnh trong những ngày qua, rải rác ở một số thành phố lớn như Tp.HCM đã xuất hiện tin đồn cơn sốt gạo có thể đến như những tháng đầu năm 2008.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, đồng thời là Tổ trưởng tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ, ông Nguyễn Thành Biên khẳng định cung - cầu gạo trong nước luôn được giữ đảm bảo.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, đồng thời là Tổ trưởng tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ, ông Nguyễn Thành Biên khẳng định cung - cầu gạo trong nước luôn được giữ đảm bảo.

Thưa ông, những nguyên nhân nào khiến giá gạo trong nước lại tăng mạnh như trong những ngày qua? Phải chăng vì có dấu hiệu cung không đủ cầu?

Trong thời gian qua, tình hình giá gạo có biến động nhưng những biến động này hoàn toàn khác với những diễn biến của năm 2008, thời điểm rộ lên tin đồn thiếu gạo. Giá gạo trong nước những ngày qua tăng vì chịu sự tăng của giá gạo thế giới bởi những biến động phức tạp về thời tiết, mùa màng và cả quan hệ cung cầu khi một số nước từ nước xuất khẩu gạo nay lại có động thái chuyển sang nhập khẩu gạo và nhu cầu nhập khẩu của những nước này đang tăng lên như Ấn Độ, Philippines...

Giá gạo xuất khẩu của chúng ta tăng từ 4.000 đồng lên 5.000 đồng/kg, có loại lúa tăng lên trên 6.000 đồng/kg làm giá gạo trong nước cũng tăng theo đáng kể.

Nhưng chúng tôi muốn thông báo rộng rãi cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như bà con nông dân, người dân cả nước là cân đối lương thực của chúng ta là không thiếu, không chỉ đến Tết nguyên đán mà còn cả năm 2010, cung - cầu gạo trong nước luôn được giữ đảm bảo.

Trong cơn sốt gạo năm 2008, việc công cố công khai về lượng gạo thực tế dành cho xuất khẩu bao nhiêu, tồn kho thế nào... được thực hiện quá muộn. Giờ, với khẳng định cung- cầu gạo trong nước luôn được đảm bảo thì Bộ Công Thương đã có đầy đủ các con số chứng minh, thưa ông?

Hết năm 2009, con số thống kê từ các hiệp hội lương thực báo cáo về Bộ cho thấy lượng gạo tồn kho vẫn còn trên 1,4 triệu tấn. Kế hoạch xuất khẩu của chúng ta trong tháng còn lại của năm 2009 là khoảng 400 nghìn tấn. Như vậy, lượng gạo tồn kho còn lại chuyển sang năm 2010 là hơn 1 triệu tấn. Đó là chưa kể lượng gạo từ vụ thu đông và vụ mùa mà sắp tới đây sẽ thu hoạch, có khả năng sẽ lên đến từ 700 nghìn đến 1 triệu tấn. Lượng gạo đông xuân sớm của quý 1/2010 cũng có khả năng lên đến 1,6-1,7 triệu tấn.

Theo kế hoạch xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2010 thì các doanh nghiệp đang có số lượng hợp đồng xuất khẩu từ 1,4 đến 1,6 triệu tấn. Trong khi đó, tính đến đầu năm 2010, số gạo trong kho của chúng ta sẽ có ít nhất là 2,6 đến 2,7 triệu tấn. Như vậy, sau khi trừ đi số gạo sẽ xuất khẩu thì lượng gạo trong kho vẫn là trên 1 triệu tấn, thừa sức đảm bảo cho an ninh lương thực trong nước.

Rõ ràng là xuất khẩu gạo không hề ảnh hưởng đến an ninh lương thực và trong điều hành chúng tôi luôn đặc biệt chú trọng làm sao để người dân được hưởng lợi cao nhất, vừa đảm bảo được cung cầu gạo trong nước. Giá gạo tăng đột biến và gây sốt là chuyện không thể xảy ra.

Nhưng, vừa đảm bảo được dân hưởng lợi cao nhất, tức là phải hướng tới xuất khẩu, vừa đảm bảo cung cầu trong nước là một công việc rất khó thực hiện tốt nếu chúng ta không quyết liệt trong điều hành, thưa ông?

Đúng là như vậy! Chính vì thế, nhằm mục tiêu đảm bảo xuất khẩu gạo bền vững, ổn định, giải quyết tốt mối quan hệ lợi ích giữa nông dân, nhà thu mua, chế biến, xuất khẩu gạo và người tiêu dùng trong nước; đồng thời nâng cao tính cạnh tranh cho gạo trong xuất khẩu, nhất là khắc phục được tình trạng “được mùa rớt giá” cho nông dân, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến cho dự thảo lần thứ 5 Nghị định kinh doanh xuất khẩu gạo. Dự kiến Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2010.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp không chuyên sâu trong ngành lương thực, không kho bãi, không cơ sở chế biến cũng đã tham gia xuất khẩu gạo khi có lợi. Vì thế khi có hợp đồng xuất khẩu gạo, doanh nghiệp thông qua thương lái thu mua lúa gạo trong dân và không mua khi thị trường xuất khẩu khó khăn, việc thu mua chựng lại, nông dân lâm vào cảnh rớt giá, hoặc tồn đọng lúa gạo sau mùa thu hoạch.

Cơ chế này đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nông dân và giảm năng lực cạnh tranh của gạo Việt Nam trên trường quốc tế. Vì thế cần có một khung pháp lý để Nhà nước thực hiện vai trò quản lý, đưa hoạt động kinh doanh, chế biến, xuất khẩu gạo đi vào nề nếp, xác định được trách nhiệm thương nhân trong thu mua, chế biến gạo xuất khẩu, đồng thời hài hòa được lợi ích của nông dân lẫn nhà thu mua, chế biến, xuất khẩu.

Khi soạn thảo Nghị định, chúng tôi đã đưa ra những tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp muốn được cấp giấy chứng nhận kinh doanh xuất khẩu gạo phải có như ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn. Doanh nghiệp phải dự trữ 20% số lượng gạo đã xuất khẩu trong sáu tháng trước đó. Doanh nghiệp được đăng ký hợp đồng xuất khẩu khi có trong kho ít nhất 50% lượng gạo đăng ký trong hợp đồng.

Doanh nghiệp bị tạm ngưng xuất khẩu gạo trong ba tháng, sáu tháng, thậm chí không được xuất khẩu nếu gian lận trong việc khai báo giá; không thực hiện hợp đồng theo quy định; cố tình xuất khẩu khi có thông báo tạm ngưng; xuất khẩu gạo không đúng chất lượng làm tổn hại gạo Việt Nam...

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ, khi giá thị trường lúa, gạo trong nước có biến động bất thường, tác động tiêu cực đến chỉ số giá tiêu dùng, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, doanh nghiệp phải xuất lượng gạo dự trữ kịp thời tung ra thị trường để bình ổn giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giá gạo tăng không phải do mất cân đối cung - cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO