Gas giả hoành hành

11/12/2011 06:37

Bọn làm hàng giả thu gom vỏ bình gas chính hãng ở ngoài thị trường để chiết nạp lậu, bơm gas kém chất lượng, không đủ trọng lượng rồi bán theo giá gas chính hãng.

Gas giả hoành hành

Bọn làm hàng giả thu gom vỏ bình gas chính hãng ở ngoài thị trường để chiết nạp lậu, bơm gas kém chất lượng, không đủ trọng lượng rồi bán theo giá gas chính hãng.

Theo báo cáo của Hiệp hội Gas TP.HCM, trong 10 tháng đầu năm 2011, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cùng với công an kinh tế đã bắt giữ hơn 2.000 bình gas giả. Các bình gas này không có niêm, thiếu ký, sử dụng tem giả… Mới đây QLTT Bình Dương cũng phát hiện ba vụ với hơn 400 bình gas 12 kg dùng niêm giả, dùng vỏ bình cũ để sang chiết giả các thương hiệu khác. Điều đáng chú ý là gas giả thường tập kết ở các tỉnh ven TP.HCM rồi sau đó tuồn vào TP.

Biết mình bị nhái nhưng đành đứng nhìn

Cơ quan chức năng kiểm tra bình gas bị chiếm dụng, hoán cải trái phép Ảnh: NGUYỄN HẢI

Đại diện Shell Gas nói những kẻ làm gas giả thường làm giả niêm, sơn màu giống vỏ bình của các hãng gas uy tín. Do người tiêu dùng sử dụng gas thường gọi gas theo màu sắc như bình xám, bình xanh, bình đỏ... mà không chú ý đến tên hãng sản xuất nên bọn làm hàng giả thường trà trộn hàng nhái, hàng kém chất lượng vào. Ngoài ra, chúng còn thu gom vỏ bình gas chính hãng ở ngoài thị trường để chiết nạp lậu, bơm gas kém chất lượng, không đủ trọng lượng rồi bán theo giá gas chính hãng.

Ông Lê Phúc Đại, Tổng Giám đốc Vinagas, cho biết bọn làm gas giả thường cắt tai xách, cắt đế, mài bỏ logo, rồi sơn lại bình như mới. Cách mài mòn như vậy có thể khiến vỏ bình biến dạng không còn kết cấu như cũ và dễ gây nổ bình. Điều này cực kỳ nguy hiểm.

Theo đại diện Shell Gas, thông thường theo quy trình sản xuất, vỏ bình luôn luôn được kiểm định để đảm bảo đạt chuẩn kỹ thuật an toàn trước khi đưa vào dây chuyền chiết nạp. Sau khi được nạp và cân đúng trọng lượng, bình gas sẽ được kiểm tra đảm bảo không rò rỉ và dán niêm trước khi đưa ra thị trường. Tuy nhiên, các nơi sang chiết lậu bỏ qua các quy trình này. Bọn sang chiết trái phép thường chiết từ bình lớn sang bình nhỏ bằng các phương pháp thủ công, dụng cụ thô sơ và không có các quy định về an toàn. Do vậy, gas chiết nạp lậu không chỉ thiếu cân, kém chất lượng mà còn nguy hiểm đến tính mạng người tiêu dùng.

Các công ty gas cho biết một vỏ bình gas hiện có giá trên 500.000 đồng nhưng khi giao cho đại lý hoặc người tiêu dùng thì doanh nghiệp (DN) chỉ bắt đóng tiền cọc khoảng 250.000 đồng/bình. Chính mức đặt tiền cọc thấp hơn giá trị thật của vỏ bình như vậy đã tạo cơ hội cho bọn sang chiết gas lậu đi thu gom vỏ bình một cách dễ dàng. Cũng vì gom được vỏ bình giá rẻ, cộng với việc mua gas trôi nổi, không chịu thuế nên mỗi bình gas giả chúng bán ra lời hơn 30.000 đồng.

Trong năm 2011 lực lượng QLTT đã bắt, xử phạt 56 vụ với gần 4.400 bình gas. Chủ yếu là giả về nhãn hiệu của các đơn vị lớn như Saigon Petro, Pacific Gas…

UBND TP.HCM đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra chống gian lận thương mại, chống hàng lậu, hàng giả trước, trong và sau tết. Chi cục đã chỉ đạo 28 đội tập trung vào một số điểm ở TP.HCM tiếp giáp với Long An, Đồng Nai.

Ông ĐẶNG VĂN ĐỨC, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.HCM

Hiện nay trên cả nước có khoảng 10 triệu vỏ bình, trong đó số bị thất thoát khoảng 30%-40%.

Bà LÊ THỊ ANH MẪN, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam

Muốn hạn chế tình trạng gom vỏ bình thì chỉ có cách là tăng mức giá đặt cọc bằng với số tiền mua vỏ bình. Tuy nhiên, nếu DN này tăng mức giá đặt cọc mà DN khác không tăng thì lại đụng đến nguyên tắc về cạnh tranh, các đại lý sẽ không mua gas của DN nào bắt đặt cọc cao. Đây là một nghịch lý!

Cơ quan quản lý: Quản không xuể

Để đầu tư một trạm chiết gas, DN phải bỏ ra khoảng 3,5 đến 7 tỉ đồng. Trạm chiết gồm có cân lớn để cân xe bồn nhập hàng, bồn chứa để bơm hàng lên, máy để chiết, cân kiểm định lại, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, nhà kho… Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Bình Dương, cho biết bọn sang chiết gas lậu chỉ cần có mặt bằng nhỏ là có thể chiết từ bình gas 45 kg sang bình 12 kg rồi tự dán tem chống giả rồi tung ra thị trường. Do vậy, QLTT nếu phát hiện cũng chỉ bắt được một vài bình.

Cũng theo ông Danh, theo quy định, các trạm sang chiết mặc dù có đầy đủ giấy phép cũng chỉ được sang chiết cho một vài thương hiệu. Thế nhưng hiện nay đang có tình trạng các trạm này vô tư sang chiết bất cứ loại gas nào.

Bà Lê Thị Anh Mẫn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, cho biết hiện nay Nghị định 107 về điều kiện hoạt động của các trạm chiết nạp dễ dãi quá nên dẫn đến tình trạng cơ quan chức năng không kiểm soát được. Đơn cử như tại Vũng Tàu có hơn 10 trạm chiết nạp, trong đó có huyện có đến bốn, năm trạm. Đồng Nai khoảng 20 trạm…

Do đó, theo bà Mẫn, để hạn chế tình trạng bát nháo hiện nay, chúng ta phải quản lý ngay từ khâu cấp phép. TP.HCM làm công tác chống gas giả rất nghiêm túc, quy định khu vực có bao nhiêu đầu người dân mới cho ra cửa hàng chiết nạp, trạm rất hạn chế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gas giả hoành hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO