Dùng hàng Việt: Từ tin đến yêu

NGỌC VÂN| 16/09/2009 00:28

Cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN” không mang tính thời sự, mà phải có thời gian để chuyển từ tư tưởng sang hành động.

Dùng hàng Việt: Từ tin đến yêu

LTS- Được hỏi “có yêu nước không?”, chắc chắn mọi người VN đều khẳng định “lòng yêu nước tràn đầy”. Song, hô hào tinh thần yêu nước để sử dụng hàng VN, điều này chưa đủ thuyết phục. Nếu chỉ vì đưa nền kinh tế đất nước vượt qua khó khăn mà vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN” thì không nên làm vì người VN sẽ không chấp nhận và cũng không nên chấp nhận trả giá cao hơn để mua bất cứ một sản phẩm VN có chất lượng ngang bằng hoặc thấp hơn hàng nhập khẩu. Có dùng hàng VN hay không, vấn đề không ở người tiêu dùng mà là của DN.

Các diễn giả tham dự hội thảo - Ảnh Quý Hòa

Hãy cho người tiêu dùng (NTD) thấy được giá trị sản phẩm (chất lượng, uy tín thương hiệu, giá cạnh tranh) do DN VN sản xuất, rồi họ sẽ quyết định nên mua hay ưu tiên mua. Đó là ý kiến được nhấn mạnh nhiều nhất tại hội thảo “Người VN ưu tiên dùng hàng VN: Trách nhiệm tiên phong của doanh nghiệp” do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức ngày 9/9/2009, thu hút hơn 300 người tham dự.

Cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN” không mang tính thời sự, mà phải có thời gian để chuyển từ tư tưởng sang hành động.

Dùng hàng Việt: Từ tin đến yêu

Không ít người đã từng chất vấn ông Phan Quốc Công, Chủ tịch HĐQT Công ty Sản xuất hàng tiêu dùng Quốc Tế (ICP) về sản phẩm nhãn hiệu X-men: “Có phải ICP muốn lập lờ đấy là hàng ngoại để thu hút NTD?”. Ông Công thẳng thắn nhìn nhận, năm 2004, khi đưa sản phẩm X-men ra thị trường, quảng cáo ấn tượng đã làm cho NTD chú ý đến nhãn hiệu đầu tiên dành cho nam giới do chính ICP sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Hồng - PCT UBND TP.HCM phát biểu tại hội thảo

Quả thật, đến năm 2005, qua khảo sát, Công ty thấy NTD không biết X-men là sản phẩm VN. Thế nên, từ năm 2006 đến nay, Công ty đã truyền thông mạnh để NTD biết rõ. Trái với lo ngại trước đó là liệu khi biết X-men là hàng VN thì NTD còn dùng nữa không, ICP cho biết, NTD càng ủng hộ nên X-men vẫn tiếp tục tăng doanh số hằng năm. Từ đó, ICP luôn cố gắng làm cho NTD tự hào khi sử dụng những sản phẩm của ICP sản xuất. Ông Công tự thấy DN cần cam kết về chất lượng sản phẩm. Trước đây, NTD luôn băn khoăn về chất lượng hàng VN, nhưng việc các DN đạt những tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất, kinh doanh đã làm NTD yên tâm.

Ông Lê Phụng Hào, Phó tổng giám đốc Kinh Đô Group, tự hào Kinh Đô là một trong những DN thành công ở thị trường VN vì luôn giữ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu như nhau. Ông cho rằng xây dựng thương hiệu, xây dựng lòng tin trong NTD VN cần phải bền bỉ và kiên trì chứng minh, thuyết phục. Khi mua lại mhãn kem Wall’s từ Tập đoàn Unilever vào năm 2003, sáu tháng sau, Kinh Đô không sử dụng nhãn hiệu Wall’s nữa mà thay thế bằng nhãn hiệu Kido và Merino.

Công việc khó khăn nhất lúc đó là thuyết phục người tiêu dùng tin tưởng nhãn hiệu mới, bởi dù cùng công thức chế biến, công nghệ sản xuất, nhưng NTD có cảm giác sản phẩm nhãn hiệu mới chất lượng không bằng sản phẩm mang nhãn hiệu nước ngoài. Kết quả ngày nay đã chứng minh: Kem Kido chiếm lĩnh gần 50% thị phần về mặt hàng này ở VN và Kinh Đô còn mở rộng sang làm sữa chua, nước trái cây, phân phối thực phẩm lạnh với mức tăng trưởng doanh số 155%, lợi nhuận tăng trên 300% trong ba năm đầu tiên, sau đó giữ tốc độ tăng bình quân 20-30% doanh số và lợi nhuận trong ba năm gần đây.

Bà Bùi Hạnh Thu, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, nhận xét: “Cơ cấu hàng hóa hiện nay có nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu và hàng cho nhu cầu khác. Đối với hàng tiêu dùng thiết yếu, DN VN đã có chỗ đứng trong lòng NTD. Khẳng định vậy vì trong hệ thống Co.opMart, tỷ lệ hàng tiêu dùng thiết yếu đã chiếm 90% và đang dự kiến được nâng lên 95 – 98%. Nếu như các DN bứt phá về chất lượng, giá cả thì không hề có việc NTD quay lưng với hàng nội. Đối với hàng tiêu dùng chưa thiết yếu thì không phải NTD không quan tâm đến hàng sản xuất trong nước mà là vì DN chưa có đủ hoặc chưa sản xuất những mặt hàng ấy”.

Bà Thu đơn cử, trong mua sắm công, các cơ quan muốn sử dụng máy fax, máy photocopy, máy vi tính..., nhưng trong nước chưa sản xuất được. Hay những vật dụng trong gia đình như máy lạnh, máy giặt, máy sấy, tivi, máy xay sinh tố..., hàng VN không đáng kể. Ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó chủ tịch Công ty DigiNet cho biết, ngay việc sản xuất phần mềm quản lý DN cũng mất 5 – 10 năm để có được niềm tin của người mua. Trước đây, NTD đã thất vọng với những sản phẩm không tốt, nên nếu không xác định trách nhiệm xây dựng niềm tin nơi NTD thì khó tiêu thụ những sản phẩm công nghệ cao.

Người phụ tại ta

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM nhấn mạnh, không thể nói NTD có lỗi khi chọn hàng ngoại mà không chọn hàng nội, không thể chê trách người ta sính ngoại, nói người ta không yêu nước, mà phải làm rõ nguyên nhân này. Cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN” không mang tính thời sự, mà phải có thời gian để chuyển từ tư tưởng sang hành động. Chính DN phải làm cho mọi người VN quan tâm đến hàng VN, kể cả người nước ngoài muốn đưa hàng của họ vào VN cũng phải e ngại cạnh tranh với hàngVN. Theo ông, hãy học người Nhật, hàng nội địa của họ luôn tốt nhất. Cần phải thay đổi cách đối xử với NTD trong nước.

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM

Ông Hào cũng cùng suy nghĩ, không thể yêu cầu dùng hàng Việt khi mà thị trường VN là nơi tiêu thụ hàng tồn xuất khẩu không hợp thị hiếu NTD VN hay những loại hàng hóa có vấn đề về chất lượng trong xuất khẩu. DN cần tôn trọng NTD và nỗ lực đạt những chuẩn mực sản phẩm cao hơn để thỏa mãn nhu cầu cao hơn.

Nhiều ý cho rằng, DN phải cam kết thông tin trung thực về chất lượng sản phẩm, bên cạnh việc đưa ra giá hợp lý. Trong thời gian qua, chất lượng của một số mặt hàng gây bức xúc dư luận như sữa, thịt, thực phẩm chức năng,... Ông Vòng A Lộc với tư cách NTD bộc bạch: “Phải tự hào về hàng VN thì mới mua. Nếu chính DN mua nhầm hàng dỏm, hàng giả, ắt đã khó chịu, thì nên biết tôn trọng NTD mà không làm hàng kém chất lượng”.

Bà Hạnh Thu nêu lên một thực trạng đáng buồn hiện nay: Nhiều DN từ chỗ không quan tâm bao bì, đơn giản mẫu mã sản phẩm, giờ ngược lại chăm chút cho phần bên ngoài thật bắt mắt khách hàng, lại quên đi chất lượng bên trong sản phẩm. Hệ thống Co.opMart đã tiếp nhận nhiều lời trách móc của khách hàng gửi đến DN.

Nhà nước không làm thay

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, DN là người thụ hưởng chính trong cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN” nên phải là người hành động chính, quyết định kết quả cuộc vận động, Chính phủ không thể bảo hộ DN, không thể đóng cửa đối với hàng hóa nước ngoài. Tuy nhiên, Nhà nước cần tạo cơ hội cho DN cung ứng hàng hóa. Mua sắm của các cơ quan nhà nước, theo tính toán của các chuyên gia, khoảng 14% tổng GDP, một con số rất lớn. Hiện nay, chỉ một số ít DN, chủ yếu DN nhà nước mới có cơ hội cung ứng hàng cho “NTD lớn” này, chưa kể những DN nước ngoài có quan hệ tốt thì cũng trở thành người cung ứng được. Trong khi ở một số quốc gia, người ta đưa ra yêu cầu hướng tiêu dùng của chính phủ vào hàng nội địa. Chẳng hạn, Mỹ đưa ra quy định hàng sản xuất có ít nhất 50% giá trị nguyên liệu nội địa thì mới vào được các chương trình mua sắm của chính phủ và ít nhất có 25% mua của các DN nhỏ và vừa.

DN rất cần sự đổi mới hoạt động của các cơ quan quản lý thị trường, hải quan, thuế hỗ trợ cho DN phát triển thị trường nội địa, nhưng trong thực tế họ vẫn gây không ít khó khăn cho DN, việc họ làm để đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người tiêu dùng cũng chưa nhiều. Việc công bố tiêu chuẩn về chất lượng là cần thiết, nhưng đối với hàng trong nước thì khắt khe, còn với hàng ngoại nhập thì lỏng lẻo nên “hàng lạ” vào VN vô cùng nhiều mà không ai kiểm soát được chất lượng. DN rất mong đợi được hỗ trợ khảo sát thị trường, điều tra thị hiếu tiêu dùng, tổ chức mạng lưới phân phối, đưa hàng về bán ở nông thôn, tăng hệ thống bán lẻ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Chủ trương phát triển thị trường nội địa đã có nhưng Bộ Công Thương chậm triển khai nên nhiều vấn đề cơ bản chưa được giải quyết. Nhà nước tập trung làm chừng ấy việc cũng là tốt lắm cho DN.

Bà Ngô Ngọc Hoa, Giám đốc điều hành Công ty TNHH TM-SX Anh Khoa: Không có lý do gì để bỏ ngỏ thị trường trong nước.

Nhờ chú trọng phát triển thị trường trong nước, mở rộng kênh phân phối bán lẻ tại nhiều địa phương, thời gian qua, dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty (chuyên các sản phẩm may mặc) vẫn có mức tăng trưởng khá. Do thói quen nên NTD vẫn có thích mua sắm tại các chợ cóc, chợ tạm, cho dù chất lượng các sản phẩm ở những nơi ấy hầu như không bảo đảm. Đây là một nguyên nhân cản trở việc tham gia thị trường trong nước của nhiều DN. Sản phẩm phục vụ trong nước có thể hoàn toàn khác với các sản phẩm sản xuất theo đơn đặt hàng của nước ngoài, song chất lượng phải luôn được bảo đảm.

Thực tế, có nhiều DN sử dụng chất liệu không đủ tiêu chuẩn để làm hàng bán trong nước, khiến NTD bức xúc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu hàng dệt may VN. Để giải bài toán này, ngoài đẩy mạnh công tác tiếp thị, quảng bá, cải tiến mẫu mã, sáng tạo trong thiết kế, Công ty còn đầu tư thêm vốn, kêu gọi các nhà cung cấp nguyên liệu chung tay tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, bảo đảm một mặt bằng giá có lợi nhất cho NTD. Nhiều năm qua, Công ty đã đưa hàng về nhiều địa phương, kể cả nông thôn - nơi người tiêu dùng chưa có thói quen sử dụng các sản phẩm đồ lót có thương hiệu, bước đầu có hiệu quả. Một thị trường với hơn 86 triệu dân như nước ta là giấc mơ của các DN nước ngoài. Vậy nên, không có lý do gì DN trong nước bỏ ngỏ thị trường này. Thời gian tới, công ty sẽ đẩy mạnh các hoạt động nhằm xây dựng thương hiệu Rock, Annie... uy tín, thân thiện với NTD trong nước.

Ông Trần Đình Hòa, Giám đốc Công ty cổ phần Vạn Tin: Thỏa mãn chất lượng, NTD sẽ ít quan tâm đến giá

Trong xu hướng chung cắt giảm chi tiêu, việc sản xuất các mặt hàng chất lượng cao, giá hợp lý sẽ có thị trường cả trong và ngoài nước. Nếu chọn ra được hàng hoá và dịch vụ hợp với nhu cầu sử dụng của nhiều tầng lớp cư dân thì việc tiếp cận khách hàng nội địa không thực sự quá khó. Công ty Vạn Tin hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo nên thường xuyên nghĩ đến việc phải tạo ra sự khác biệt. Thị trường trong nước rất đa dạng, việc sính hàng ngoại lúc này có thể bị đẩy lùi nếu DN linh hoạt về thời gian bán hàng, hậu mãi, khuyến mãi chu đáo. Thông thường, những khách hàng được thoả mãn chất lượng sản phẩm, dịch vụ cao sẽ ít quan tâm hơn đến giá cả. Mặt hàng họ ưa chuộng sẽ luôn được chú ý và đánh giá cao, từ đó, bạn bè, người thân của họ cũng biết đến sản phẩm, dịch vụ của DN.

Ông Nguyễn Quốc Minh - Giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Minh Quân: Chăm sóc tốt khách hàng đang là việc hàng đầu của nhiều công ty

Trước nay, NTD VN luôn có định kiến rằng hàng hóa, dịch vụ của các DN trong nước là không tốt, không đảm bảo chất lượng so với hàng ngoại nhập. Điều này tạo thành rào cản khi các DN trong nước muốn tiếp cận thị trường. Do vậy, theo tôi, việc chăm sóc khách hàng tốt đang là chiến lược hàng đầu của nhiều công ty trong một thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay. Chăm sóc khách hàng thật tốt đóng góp không nhỏ vào sự thành công trong kinh doanh của DN. DN rất cần những thông tin thị trường. Chúng ta có thể làm một nghiên cứu về tâm lý, thị hiếu tiêu dùng của người VN để DN VN theo đó mà định ra việc sản xuất, kinh doanh phù hợp. Cách làm có thể là tạo một trang web để khảo sát NTD, chi phí không cao mà hiệu quả sẽ rất lớn.

Quỳnh Chi thực hiện

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dùng hàng Việt: Từ tin đến yêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO