![]() |
Gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) 29.000 tỷ đồng vừa được Chính phủ công bố tại phiên họp tháng 4 vừa qua, giống như một “nguồn nước mát” tưới cho DN “khô hạn”. Dù số tiền này phần lớn nằm trong các giải pháp miễn, giảm thuế, và còn phải chờ Quốc hội xem xét trong tháng này, nhưng đây thật sự là cú hích bước đầu, giúp các DN có động lực bước tới. Có điều, phân tích sâu hơn, cái khó của DN không chỉ là chuyện thuế.
Ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA): “Chính sách giải cứu đến, liệu có còn kịp?”Sản xuất tại Công ty Giày dép Nguyên Nguyên Phước - Ảnh: Quý Hòa
Tôi ủng hộ các chính sách tài khóa và tài chính của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước vừa công bố để giải cứu DN, dù gói hỗ trợ này có trễ hơn so với tình hình thực tế và kiến nghị từ phía DN. Song, có một số vấn đề trong các chính sách này cần được nghiên cứu và điều chỉnh.
Cụ thể, thay vì giảm thuế thu nhập DN, Chính phủ nên xem xét giảm, giãn và miễn thuế VAT. Việc miễn thuế VAT phải được áp dụng tùy ngành nghề, DN; trong khi đó, việc giãn có thể linh động từ 6 tháng - 1 năm. Riêng đối với trường hợp giảm, cũng cần phân loại đối tượng để áp dụng.
![]() |
Chẳng hạn, với những DN sản xuất đang gặp khó khăn do hàng tồn kho lớn, những DN trong lĩnh vực bất động sản đang bị trở ngại ở đầu ra hay những DN xuất khẩu, sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu đang gặp khó sẽ được giảm từ 5-10%. Điều này sẽ tạo điều kiện để DN giảm giá thành, từ đó kích thích đầu ra.
Song song với việc điều chỉnh chính sách thuế là vấn đề lãi suất. Việc khống chế trần lãi suất cho vay ở mức 15% dù chưa hẳn là mức lý tưởng, nhưng cũng là tín hiệu tốt để “tiếp máu” cho DN giải quyết những khó khăn hiện tại và điều tiết hoạt động sản xuất.
Tuy nhiên, nếu đã khống chế lãi suất đầu ra thì Ngân hàng Nhà nước nên chăng xem xét thả nổi đầu vào cho các ngân hàng thay vì áp mức 12% như hiện nay, nhằm hài hòa lợi ích giữa ngân hàng lẫn DN.
Mới đây, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, sẽ tiến hành sàng lọc đối tượng DN nào cần cứu và không cứu; nghĩa là chúng ta phải mất một khoảng thời gian nữa cho công tác này. Như thế, khi chính sách giải cứu đến, liệu có còn kịp để cứu DN?
Tôi cho rằng, đến giai đoạn này, mỗi DN đều đã có chiến lược cụ thể để tái cấu trúc lại hoạt động kinh doanh, nên nhà nước không cần phải tiến hành sàng lọc, mà muốn được cứu thông qua việc tiếp cận với các chính sách tài chính lẫn tài khóa, tự bản thân của DN sẽ biết khai “bệnh” của mình. Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan: “Giãn thuế VAT để tạo vốn”
Theo tôi, đây là biện pháp khá kịp thời và đúng lúc. Tuy nhiên, cần triển khai đồng bộ và có giải pháp giải cứu cụ thể.
Số tiền 29.000 tỷ đồng mà Chính phủ đưa ra không phải là lớn. Tuy nhiên, đủ hay không đủ không quan trọng, mà quan trọng nhất là thực hiện như thế nào. Tiền chỉ bổ trợ chứ không phải là yếu tố chính quyết định.
Theo tôi là nên giãn thuế VAT để DN chuyển thành nguồn vốn cho kinh doanh. Hiện nay, vấn đề lớn là sức mua đang bị giảm sút và khi sức mua giảm sút thì mọi giải cứu đều đi vào bế tắc. Mà muốn kích thích sức mua thì cần giải quyết hàng tồn kho cho DN.
Vì thế, cần có giải pháp hỗ trợ để khoanh nợ tồn kho, cho vay mới, đáo hạn để tạo chu kỳ sản xuất mới. Cần phải giải quyết hàng tồn kho bằng một giá cả hợp lý. Khi có giá cả hợp lý mới tạo được sức mua trên thị trường.
Ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty Lê Thành: “Bước đầu cứu doanh nghiệp”
Gói hỗ trợ mà chính phủ vừa công bố là liều thuốc khá hữu hiệu cho DN trong giai đoạn hiện nay. Nếu những đề xuất này được thông qua trong tháng 5 này, có không ít DN sẽ được cứu.
Việc giảm 30% thuế thu nhập DN thì phụ thuộc vào doanh thu cuối năm của DN, trong khi, đối với thuế VAT, DN được giãn nộp thêm 6 tháng sẽ tạo ra tác động tích cực.
![]() |
Chỉ nói riêng ở khu vực DN bất động sản, nếu không có chính sách này, chúng tôi không có tiền để đóng cho nhà nước và cũng không thể tiếp cận nguồn vốn vay chỉ để giải quyết nợ thuế vì đầu ra khó khăn, doanh thu giảm, DN không dám vay.
Trường hợp được giãn thuế 6 tháng, DN sẽ sử dụng số tiền này tái đầu tư, tiếp tục triển khai dự án, thay vì phải tiếp tục gồng gánh phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng.
Tuy nhiên, đối với vấn đề lãi suất, dù Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận việc áp trần lãi suất cho vay 15%/năm, nhưng lãi suất chỉ áp dụng cho những ngành nghề ưu tiên, còn DN bất động sản hiện vẫn đang vay với lãi suất 20,5%/năm; còn người mua nhà thì chịu mức 22%/năm.
Nếu DN bất động sản được vay với lãi suất 16-17%/năm là điều quá tốt. Gần đây, nhiều thông tin cho rằng, DN có thể tiếp cận vốn ngân hàng dưới dạng dự án, nhưng thực tế đâu có sự phân biệt giữa dự án nhà trung hay cao cấp; chỉ dự án nhà ở xã hội là được vay ưu đãi.
Sau gói hỗ trợ này, nếu các cơ quan quản lý tiến đến việc tháo gỡ vấn đề đóng tiền sử dụng đất và việc khấu trừ cho DN chi phí giải phóng mặt bằng phù hợp, thì hoạt động của DN bất động sản sẽ dần đi vào ổn định. Tiến sĩ Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia: “Giảm thuế không đồng nghĩa với việc thông vốn”
Tại TP.HCM có khoảng 300.000 hộ sản xuất kinh doanh cá thể thương mại dịch vụ đang bị áp thuế khoán, mà nếu số khoán thuế có chính sách giảm thì sẽ tác động lớn và tích cực cho nền kinh tế. Như vậy, việc giãn nộp thuế là cực kỳ quan trọng, giãn nộp cũng đồng nghĩa là cho DN được sử dụng một nguồn vốn không phải vay.
Đơn cử, DN phải vay 10 tỷ đồng để nộp thuế, nhưng giãn cho 6 tháng mới nộp thì DN được lợi về chi phí vốn 10 tỷ đồng ấy. Tuy nhiên, tôi xin nhắc lại là các chính sách tài khóa như miễn, giảm, giãn thuế chỉ là giải pháp hỗ trợ, có tác động gián tiếp chứ chưa thể giải quyết được vấn đề nghẽn vốn.
Nói một cách khác, việc miễn giảm VAT là giảm giá trên thị trường để tăng sức mua của người dân, chứ không giảm trực tiếp cho DN. Do vậy, với giải pháp này, có thể đối với một số DN không được hưởng trực tiếp từ việc giảm, miễn thuế sẽ lên tiếng phản đối. Nhưng nó sẽ có tác động tâm lý, gián tiếp đối với thị trường và khi đó các DN đó cũng sẽ có lợi khi thị trường tốt lên.
Tóm lại, mỗi một gói giải pháp mà Chính phủ ban hành đều có ý nghĩa thiết thực, thực hiện mục đích hỗ trợ DN. Tuy nhiên, những gói giải pháp đưa ra cần phù hợp với yêu cầu của thực tiễn vào thời điểm đó.
Chẳng hạn, vấn đề hiện nay là không phải chi phí giảm mà giảm do sức mua giảm. Tình trạng này diễn ra giống như quý IV/2008, nhưng năm 2012 khó hơn rất nhiều nên không thể đưa ra gói kích cầu.
Như vậy, nếu kích cầu lúc này thì nguy cơ tái lạm phát rất cao. Vậy nên nếu tốc độ tăng trưởng quý II vẫn kém như quý I thì bắt buộc Chính phủ phải sử dụng chính sách tiền tệ và tài khóa để mở thị trường trở lại. Dĩ nhiên không dùng gói kích thích như trước đây, nhưng bắt buộc phải cho gỡ dần từng “mảng” của thị trường. Ông Lâm An Dậu - Giám đốc Công ty CP Vĩnh Tiến: “Đưa doanh nghiệp nhóm 2, nhóm 3 trở về trạng thái ban đầu”
Hiện tại, các DN đều lâm vào tình trạng chung là mất lòng tin lẫn nhau. Nên gần như tất cả mọi hoạt động mua bán, giao dịch đều phải thanh toán bằng tiền mặt, chứ không còn chuyện ghi nợ như trước đây. Vì thế, nếu DN không có tiền sẽ đồng nghĩa với việc ngưng trệ hoạt động kinh doanh.
Trong khi đó, về phía ngân hàng, dù có muốn thì DN cũng không thể tiếp cận được, do hai trường hợp: thứ nhất, DN bị liệt vào nhóm 2, thậm chí nhóm 3 (tức sẽ hết có cơ hội vay tiếp). Thứ hai, DN không có tài sản thế chấp ngân hàng.
Để thực thi gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng, tôi nghĩ Chính phủ nên bắt đầu từ nhóm các ngân hàng. Theo đó, ngân hàng nên chuyển nhóm cho DN, đưa các DN đang bị liệt vào nhóm 2, nhóm 3 trở về trạng thái ban đầu và có cơ hội tiếp tục vay vốn.
Bên cạnh đó, ngân hàng nên trích riêng nguồn quỹ để cho DN vay tín chấp, đặt ra một số điều kiện cụ thể, đơn giản thủ tục, để DN có điều kiện tái tạo doanh thu, lợi nhuận, tạo thuận lợi để giải quyết các món nợ cũ chưa thanh toán ngân hàng từ trước. Có thể nói, phương thức này đôi lúc cũng có tính rủi ro, nhưng với tình hình hiện tại thì đây sẽ là phương thức giải quyết linh hoạt cho DN.
Ý KIẾN CỦA BẠN