"Du” nhưng không “học”

PHƯƠNG NHƯ| 11/04/2011 09:52

Với mức chênh lệch giữa thu nhập trong nước và học phí ở nước ngoài như hiện nay, dù gia đình có hỗ trợ và nhà trường có tặng học bổng thì phần đông du học sinh Việt Nam vẫn phải tự lo khoản sinh hoạt phí. Đi làm thêm và làm thêm như thế nào để không ảnh hưởng đến việc học là vấn đề đang được bàn đến.

Với mức chênh lệch giữa thu nhập trong nước và học phí ở nước ngoài như hiện nay, dù gia đình có hỗ trợ và nhà trường có tặng học bổng thì phần đông du học sinh Việt Nam vẫn phải tự lo khoản sinh hoạt phí. Đi làm thêm và làm thêm như thế nào để không ảnh hưởng đến việc học là vấn đề đang được bàn đến.

Xem E paper số 137

Nỗi lo cơm áo

Ảnh minh họa

Không còn khó khăn như thời gian trước, hầu như hoàn toàn phải trông chờ vào học bổng, hiện nay, số lượng sinh viên du học tự túc ngày một nhiều. Tuy nhiên, lo được kinh phí cho việc ra đi đã khó, duy trì được mức chu cấp để con em mình có thể sống thoải mái nơi xứ người còn khó hơn.

Anh Nguyễn Hữu Đức Minh, Trưởng phòng một công ty truyền thông, cho biết, để đứa con gái đầu lòng sang được Anh, gia đình đã phải chuẩn bị tài chính trước đó hai năm, bởi hầu hết các trường đều buộc du học sinh phải có tài liệu chứng minh thu nhập. Khi con đã được trường chấp nhận, đã lên đường đi học thì hai vợ chồng phải tiếp tục tích lũy để hằng tháng chu cấp cho con.

“Học phí và sinh hoạt phí của đứa con gái lớn “ngốn” hết một đầu lương, phần còn lại để chi dùng cho cả nhà”, anh Minh chia sẻ. Tuy nhiên, theo anh Minh, với mức chu cấp ấy con gái anh vẫn phải đi làm thêm thì mới có tiền mua sách vở, tài liệu cũng như sắm sửa linh tinh.

Trên thực tế, không phải gia đình nào cũng chuẩn bị chu đáo để có thể chu cấp đầy đủ cho con như gia đình anh Minh. Câu hỏi mà sinh viên, học sinh cũng như phụ huynh thường đặt ra cho người đại diện của các trường khi tham quan các triển lãm du học là: điều kiện làm thêm như thế nào?

Do đó, trong phần giới thiệu về trường, người đại diện của các trường không bao giờ quên trình bày vấn đề này. “Nhiều phụ huynh thường nghĩ, lo cho con ra nước ngoài xong là đã trút được gánh nặng vì ở xứ người con em mình sẽ có đủ điều kiện kiếm tiền để tự trang trải các khoản chi phí”, bà Nga Phạm, đại diện tuyển sinh Trường Cao đẳng cộng đồng Highline, Mỹ, nhận xét.

Do suy nghĩ sai lầm như thế nên nhiều ông bố, bà mẹ đã vô tình tạo áp lực nặng nề cho con mình khi chúng ra nước ngoài học tập. Phạm Phương Thảo, cựu du học sinh vừa trở về từ Pháp, kể, gia đình cô chỉ đủ khả năng chu cấp cho cô sau khi cô đến Pháp một năm. Thời gian còn lại cô phải tự bươn chải để kiếm sống.

Thế nhưng, quy định tại Pháp chỉ cho sinh viên làm thêm khoảng 20 giờ/tuần. “Nếu chỉ trang trải sinh hoạt phí, thì mức thu nhập từ việc làm thêm hợp pháp cũng tạm đủ, nhưng vì gia đình không lo nổi học phí nên tôi phải làm thêm “chui” mới đủ sống”, Thảo chia sẻ.

Nhưng không phải du học sinh Việt Nam nào cũng may mắn như Thảo là không bị phát hiện và trục xuất về nước. Tuy nhiên, hậu quả không thể tránh khỏi của việc làm thêm quá sức là ảnh hưởng đến việc học, nhẹ thì bị trường nhắc nhở, nặng thì bị đuổi học và trục xuất về nước.

Kiếm tiền thông minh

Tỷ lệ sinh viên Việt Nam bị đình chỉ du học, không được gia hạn visa và buộc phải hồi hương ngày càng cao đã khiến nhiều quốc gia e ngại khi xem xét những hồ sơ du học đến từ Việt Nam.

Theo ông Trần Úc Nhân, Trưởng phòng Văn hóa, phụ trách công tác giáo dục, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM, số lượng du học sinh Việt Nam sang Đài Loan không lo học, chỉ tập trung kiếm tiền rồi bỏ học, trở thành lao động chui ngày một nhiều.

Thế nên Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc phải siết lại chính sách dành cho du học sinh. “Chỉ vì những người đi trước thiếu trách nhiệm mà thế hệ sinh viên tiếp nối không được ưu đãi như trước”, ông Nhân phân tích.

Rõ ràng, làm thêm theo đúng quy định đang trở thành điều kiện mà du học sinh Việt Nam buộc phải tuân thủ. Tuy nhiên, điểm qua những công việc sinh viên Việt Nam làm thêm vẫn thấy có điều gì đó bất ổn.

Bà Nga Phạm cho biết, du học sinh Việt Nam rất chịu khó, chấp nhận làm công việc bưng bê, phụ bếp, lau dọn... (là những việc người bản xứ ít chịu làm) để có thu nhập cao.

“Những công việc này chỉ giải quyết được nhu cầu có được thu nhập trước mắt, về lâu dài sẽ không có lợi cho sinh viên, nhất là trong công việc sau này”, bà Nga Phạm nhấn mạnh.

Theo bà Nga, thấy được nhu cầu của du học sinh nên rất nhiều trường đã tạo điều kiện cho sinh viên kiếm tiền, chẳng hạn như làm tình nguyện viên cho trường, phụ việc cho giáo viên... Tuy thu nhập có thể không cao, nhưng những việc này sẽ giúp sinh viên có thể tích lũy kiến thức, mở rộng quan hệ, trau dồi các kỹ năng mềm...

Không muốn trút hết gánh nặng cơm áo lên vai phụ huynh, du học sinh Việt Nam đi làm thêm là điều đáng khuyến khích. Thế nhưng, chọn công việc nào và sắp xếp thời gian ra sao để làm thêm không ảnh hưởng đến việc học mới là điều cần quan tâm nhất hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Du” nhưng không “học”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO