Đọc gì trong Doanh Nhân Sài Gòn số 253 (ra ngày 24/7)

P.V| 22/07/2013 01:38

Hạ lãi suất đồng nghĩa với nới lỏng tiền tệ, kích thích tăng trưởng tín dụng. Tăng tỷ giá đồng nghĩa với hạ giá tiền đồng, khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, chống lại sự dịch chuyển của tiền đồng sang đầu cơ ngoại tệ.

Đọc gì trong Doanh Nhân Sài Gòn số 253 (ra ngày 24/7)

Báo Doanh Nhân Sài Gòn số 253 (phát hành ngày 24/7) có các nội dung chính sau:

Ý kiến chuyên gia:
(TS. NGUYỄN ĐẠI)

Hai “gọng kìm” chính sách

Hạ lãi suất đồng nghĩa với nới lỏng tiền tệ, kích thích tăng trưởng tín dụng. Tăng tỷ giá đồng nghĩa với hạ giá tiền đồng, khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, chống lại sự dịch chuyển của tiền đồng sang đầu cơ ngoại tệ. Hạ lãi suất kèm tăng tỷ giá đã tạo ra “hai gọng kìm” chính sách, lái dòng vốn nội tệ đi vào nhu cầu của người vay, tăng cầu cho nền kinh tế. Đặc biệt là không để chúng triệt tiêu nhau bằng quá trình dịch chuyển phương tiện đầu tư.

Đến nay, cả lãi suất và tỷ giá đã trải qua nhiều “phép thử”. Thậm chí bản thân nó cũng đã đến lúc tự tìm ra “đường cong” hợp lý mà không cần sự tham gia một cách quá khích của bàn tay hữu hình. Do đó, trên thị trường tín dụng có thể tự do hóa hoàn toàn việc huy động vốn và thiết lập “trần mềm” cho vay.

Nhưng một vấn đề đặt ra trong dài hạn, có nên kỳ vọng và sẽ cổ xúy như thế nào cho “đường cong” của lãi suất, của tỷ giá?

Chuyên đề:
Giày đi hia mơ đường vạn dặm

Theo Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm nay, giày dép xuất khẩu đạt gần 4 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2012. Kết quả này được đánh giá là rất khả quan trong bối cảnh thị trường còn khó khăn. Tuy nhiên, con số hấp dẫn này lại không khỏi khiến nhiều DN trong ngành ngậm ngùi vì đa phần lợi nhuận đều đổ dồn vào những DN có vốn nước ngoài (FDI). Mặc dù chỉ chiếm 23% số lượng DN toàn ngành da giày Việt Nam, khoảng 500 DN, nhưng các DN FDI có kim ngạch xuất khẩu đạt 76% kim ngạch toàn ngành và sản xuất cho hầu hết các thương hiệu nổi tiếng với số lượng đơn hàng lớn.

Vấn đề của ngành da giày Việt Nam cũng không khác gì ngành dệt may hay một số ngành có thế mạnh xuất khẩu khác. Cụ thể, những nhóm ngành này, đặc biệt là các DN nội địa trong ngành da giày luôn tồn tại những bất lợi dễ thấy: thứ nhất, không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu, phụ thuộc vào khách hàng và các nhà cung cấp từ Đài Loan, Hàn Quốc và nhiều nhất là Trung Quốc, hơn 60% nguyên phụ liệu được nhập khẩu từ đây; thứ hai, máy móc, thiết bị, công nghệ yếu, hầu hết phải nhập khẩu; thứ ba, hoạt động xúc tiến thương mại không được chú trọng.

Hiện Việt Nam có gần 600 nhà máy sản xuất da giày, với sự có mặt của những thương hiệu lớn như Nike, Skechers USA, Timberland (Mỹ), adidas, Puma, Asics (Nhật Bản), Reebok (Anh)... Song, riêng với Nike, Việt Nam đang chiếm tới 41% sản lượng của Hãng. Các đối thủ chính trong nước bao gồm các DN như Pou Yuen Việt Nam, Taekwang, Kainan... có thế mạnh hơn hẳn về vốn đầu tư, kinh nghiệm quản lý sản xuất, tiếp thị xuất khẩu, vì vậy những công ty này cạnh tranh hơn hẳn về chất lượng, giá trị, thị trường xuất khẩu cũng rộng lớn hơn.

Theo Hiệp hội Da Giày Việt Nam (Lefaso), các DN da giày trong nước chỉ mới đảm nhiệm được phân khúc thứ 3 (dây chuyền sản xuất, nguồn nhân lực và công nghệ sản xuất), giỏi lắm đảm nhiệm thêm một phần phân khúc 2 (máy móc thiết bị, quy trình công nghệ, vật tư). Nhưng để tiến lên khâu 4 (kênh phân phối) và khâu 1 (R&D, thiết kế, marketing) thì hoàn toàn không dễ.

Chuyện làm ăn:
TPP: Thời gian không còn nhiều

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) có thể mang lại lợi ích lớn cho Việt Nam trong việc phát triển kinh tế và đẩy mạnh xuất khẩu, tạo thuận lợi cho thương mại và hiệu quả trong chuỗi cung ứng, hiện đại hóa các lĩnh vực dịch vụ, tiếp cận thị trường các nước TPP. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Thương mại hai chiều giữa Mỹ - Việt đã tăng từ 1 tỷ USD NĂM 2001 tới 26 tỷ USD vào năm ngoái. Để hoàn tất đàm phán TPP vào tháng 10 năm nay, Mỹ và Việt Nam còn nhiều nội dung cần trao đổi để đi đến thống nhất. Giới chuyên gia nhận định quá trình đàm phán của Việt Nam còn khó khăn tuy thời gian không còn nhiều, những tính toán lợi hại cần phải được thấy rõ trước hiệp định ký kết.

Ngành dệt may, da giày: Nửa mừng, nửa lo

Đối lập với những kỳ vọng vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hàng dệt may và da giày Việt Nam là những cảnh báo không thể bỏ qua.

Một khi đi vào thực tiễn TPP sẽ quy tụ 12 quốc gia kiểm soát đến 40 % GDP toàn cầu. Chính vì vậy, TPP được các DN Việt Nam trông đợi như cánh cửa lớn bước vào thị trường Mỹ. Tại các diễn đàn, hội nghị do các tổ chức đến từ Mỹ thực hiện thời gian gần đây, hầu hết các ý kiến phân tích đều chỉ ra rằng, Việt Nam là nước được thụ hưởng nhiều nhất khi có TPP.

Sản phẩm da giày Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 0%, giảm từ mức 14,3%. Điều này sẽ giúp các DN giày Việt Nam tăng sức cạnh tranh với các nhà xuất khẩu giày lớn khác không phải thành viên của TPP. Ngoài ra, các sản phẩm sẽ được hưởng thuế trong Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) tại thị trường EU từ đầu năm tới. Thuế EU sẽ là 0% khi Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU có hiệu lực. Tuy nhiên, theo nhiều DN nhận định, thách thức lớn đối với DN Việt Nam là hầu hết đều làm theo phương thức gia công. Bên cạnh đó, do hầu hết nguyên liệu phải nhập khẩu, nên những am hiểu về chất lượng, hóa chất cấm, những yêu cầu riêng... đòi hỏi phải cập nhật liên tục thì hầu như DN Việt Nam không theo kịp.

Nông sản nên mở cửa có lộ trình
VĂN ĐỨC MƯỜI - Tổng giám đốc Công ty Vissan

Một hiệp định với mục tiêu xóa bỏ phần lớn thuế quan cho hàng hóa giữa 12 nước TPP sẽ là con đường không thể tốt hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với các thuận lợi là những thách thức.

Việc giảm thuế quan chắc chắn sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam với giá cả cạnh tranh. Hệ quả tất yếu là DN phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, thị phần hàng hóa của Việt Nam sẽ bị thu hẹp, thậm chí là nguy cơ mất thị phần nội địa.

Về nông nghiệp, khi đã mở cửa thị trường (loại bỏ 100% dòng thuế) trong khi rào cản kỹ thuật chưa có hoặc không cao, nên thị trường cũng gặp bất lợi. Khó khăn là ở chỗ các nước TPP đều có xu hướng đàm phán hạn chế, giữ bảo hộ đối với nông sản nội địa. Trong khi đó, vì nền nông nghiệp của Việt Nam chưa được bền vững, thu nhập không cao và nhóm nông dân đồng thời là nhóm dễ bị tổn thương trong hội nhập nên Việt Nam cần bảo hộ một số lĩnh vực nhất định trước sức ép cạnh tranh từ bên ngoài (giữ mức thuế cao trong một số dòng thuế, đặc biệt là với những sản phẩm mà các nước TPP có thế mạnh...).

Ngược lại, về mặt xuất khẩu, rào cản kỹ thuật của các nước sẽ khắt khe hơn, trong khi năng lực cạnh tranh của Việt Nam không cao, dẫn đến khó tận dụng lợi ích từ việc giảm thuế quan.

Nhà đất:
Cơ hội nào cho Quốc Cường Gia Lai?

Đầu tháng 7, theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG) đã thoái vốn khỏi 2 công ty con. Đó là Công ty TNHH Thương mại xây dựng đầu tư phát triển Nhà Hưng Thịnh và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nhà Quốc Cường. 

Song, vấn đề này gây chú ý ở chỗ, QCG thoái vốn khỏi Nhà Quốc Cường vào thời điểm nhạy cảm, khi tranh chấp giữa Nhà Quốc Cường và khách hàng vẫn còn. Do đó, dư luận ít nhiều cho rằng, QCG rút khỏi Nhà Quốc Cường để tránh rắc rối.

Tại thời điểm cuối tháng 3/2013, QCG chỉ có 2,4 tỷ đồng tiền mặt, giảm mạnh so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, trong cơ cấu tài sản ngắn hạn của QCG lại có sự gia tăng khoản phải thu và hàng tồn kho.

Báo cáo kinh doanh cũng cho biết, QCG đã giảm được đáng kể chi phí lãi vay. So với cùng kỳ năm ngoái, chi phí lãi vay đã giảm còn bằng 1/5. Một phần nhờ lãi suất cho vay hạ nhiệt, phần khác do QCG đã giảm được nợ vay. Hiện tại, tuy QCG vẫn là doanh nghiệp nợ hàng ngàn tỷ đồng, nằm trong top các doanh nghiệp địa ốc nợ “khủng” nhưng theo báo cáo tài chính, mức độ vay nợ của QCG vẫn trong vòng kiểm soát.

Nhưng vấn đề của QCG là phải thúc đẩy hơn nữa thanh khoản cho các danh mục đầu tư, giải phóng tồn kho, gia tăng dòng tiền. Dòng tiền cho đầu tư và dòng tiền từ tài chính ở QCG hiện đang âm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đọc gì trong Doanh Nhân Sài Gòn số 253 (ra ngày 24/7)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO