Doanh nhân - Người thầy ngoài giảng đường

VY KHÁNH - BÍCH TRÂM - VÂN THẢO| 10/05/2016 07:29

Trong quá trình tuyển dụng, doanh nhân thường không đòi hỏi kinh nghiệm làm việc chuyên môn từ những ứng viên mới ra trường, thay vào đó là những yêu cầu về kinh nghiệm sống, thái độ làm việc và kỹ năng mềm.

Doanh nhân - Người thầy ngoài giảng đường

Chuỗi Giao lưu Doanh nhân - Sinh viên trong khuôn khổ Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2016, với chủ đề "Hành trang hội nhập", diễn ra từ ngày 10/3-28/4/2016, tại 9 trường đại học (ĐH), với sự tham gia của gần 3.000 sinh viên cùng gần 40 diễn giả là các doanh nhân thành công trong nhiều lĩnh vực.

Đọc E-paper

Sinh viên với lợi thế được trang bị nhiều kiến thức kinh tế, xã hội và chuyên ngành từ cơ bản đến bắt đầu chuyên sâu trong thời gian học đại học - chính là nòng cốt của lực lượng lao động trong tương lai của đất nước. Đứng trước vận hội mới của Việt Nam - hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, lực lượng nòng cốt này cũng đón nhận nhiều cơ hội phát triển bản thân và sự nghiệp hơn, bởi khung trời phía trước họ đã được mở rộng ra ngoài biên giới đất nước, đến không chỉ các nước láng giềng mà còn nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp năm châu.

Tuy nhiên, để có thể nắm bắt được các cơ hội đó trong một "thế giới phẳng", họ phải có hai "hành trang" lớn: trí và lực.

Sinh viên ĐH Hutech tham gia giao lưu

Đồng hành cùng Báo Doanh Nhân Sài Gòn trong chương trình GTTNLVC nhằm giúp giới trẻ tri thức trở thành lực lượng lao động ưu tú trong xã hội - vừa biết làm giàu cho bản thân, vừa góp phần xây dựng nền kinh tế quốc gia vững mạnh, các doanh nhân - diễn giả đã tận tình chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp những tư vấn thiết thực và thẳng thắn chỉ ra "lỗ hổng" tư duy để sinh viên kịp thời chấn chỉnh và chuẩn bị hành trang "trí và lực" phù hợp với điều kiện thực tế, sẵn sàng bước vào "sân chơi" hội nhập.

Vượt "chướng ngại vật"

Hội nhập kinh tế, khi vấn đề nhân khẩu không còn là rào cản nữa, người lao động của quốc gia này có thể tự do ứng tuyển và được nhận vào làm việc tại quốc gia khác, thì "chướng ngại vật" mà người lao động cần phải vượt qua chỉ còn là năng lực của chính bản thân.

Là những doanh nhân nhiều kinh nghiệm, đồng thời là những nhà tuyển dụng, các diễn giả cho biết, khi tuyển dụng, các doanh nghiệp thường không đòi hỏi kinh nghiệm làm việc chuyên môn từ những ứng viên mới ra trường, thay vào đó là những yêu cầu về kinh nghiệm sống, thái độ làm việc và kỹ năng mềm.

Theo các doanh nhân, để tham gia vào "sân chơi" lớn hơn, sinh viên trước hết cần trau dồi kiến thức chuyên ngành được học tại trường, chủ động tham gia hoạt động xã hội, nâng cao thể chất, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng ngoại ngữ và cuối cùng là thái độ làm việc tích cực.

Sinh viên ĐH Ngoại thương - Cơ sở 2 tại TP.HCM giao lưu với các doanh nhân

Các nhà tuyển dụng phân tích: Việc thiếu trau dồi ngoại ngữ sẽ khiến ứng viên không thể nắm bắt được văn hóa bản địa, văn hóa doanh nghiệp, dẫn đến thiếu tự tin khi tham gia thị trường lao động quốc tế. Người lao động Việt Nam đa số mắc một số khuyết điểm phổ biến như thái độ làm việc thiếu tích cực, chưa sẵn sàng nhận công việc được giao, chưa biết tự đánh giá  hoặc rất tự ti, hoặc đánh giá quá cao năng lực bản thân.

Kỹ năng mềm là những thứ còn rất thiếu và yếu ở lực lượng lao động trẻ hiện nay. Từ những điều đơn giản như viết email, soạn thảo văn bản, tác phong làm việc, đến trình bày ý tưởng, chuẩn bị hồ sơ xin việc... đều là những kỹ năng cơ bản không thể không trang bị, nhưng trên thực tế lại thường bị các sinh viên bỏ qua.

Các diễn giả giao lưu tại ĐH Mở TP.HCM (từ trái qua): Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Ngân hàng OCB; GS-TS-Nhà nông học Võ Tòng Xuân - Chủ tịch Hội đồng Cố vấn; Chủ tịch Hội đồng Giám khảo GTTNLVC; ông Lại Minh Duy - Chủ tịch HĐQT Công ty TST Tourist; ông Nguyễn Thanh Tân - Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn Phát triển Kinh doanh Brainmark

Các nhà tuyển dụng cho biết, khả năng làm việc nhóm tốt và phong cách giao tiếp phù hợp có thể mang về cho ứng viên những "điểm cộng" quý giá. Bằng những trải nghiệm thực tế, các doanh nhân khẳng định: Quản lý thời gian và nuôi dưỡng mối quan hệ hiệu quả là những kỹ năng đóng vai trò quan trọng, là chiếc chìa khóa có thể mở cánh cửa thành công.

Bà Ngô Ánh Thái - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hải Lộc khẳng định: "Cơ hội chỉ đưa đến tay người có thái độ đúng. Hội nhập quốc tế đồng nghĩa với việc đưa quốc gia mình lên vị trí ngang hàng với những quốc gia khác, vì vậy, nếu không yêu nước thì khó thành công. Người Việt Nam vốn ham học hỏi, do đó, người trẻ hãy học từ những điều nhỏ nhất đến những kiến thức uyên bác từ những người đi trước lẫn bạn bè quốc tế, hãy nâng những giá trị còn đang tiềm ẩn như lòng tự hào dân tộc, đạo đức kinh doanh lên một tầm cao mới".

"Tích vốn" để khởi nghiệp

Khởi nghiệp, nếu hiểu theo nghĩa là bắt đầu xây dựng để phát triển nghề nghiệp thì người trẻ có thể khởi nghiệp bất cứ lúc nào, thậm chí ngay khi đang học. Khởi nghiệp kinh doanh thì khác - đó là việc tạo ra sản nghiệp bằng cách mở một doanh nghiệp để kinh doanh, và việc này cần có thời gian để chuẩn bị. Bà Đinh Hà Duy Trinh - Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT chia sẻ bốn vấn đề cơ bản mà các nhà khởi nghiệp kinh doanh cần quan tâm, bao gồm: Am hiểu về lĩnh vực kinh doanh, nắm rõ các quy định pháp lý khi thành lập doanh nghiệp, có kiến thức về tổ chức nhân sự và tài chính.

Bà Đinh Hà Duy Trinh - Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT giao lưu với sinh viên

Tìm hiểu kỹ và nắm bắt nhu cầu thị trường, nhà khởi nghiệp sẽ xác định lĩnh vực kinh doanh phù hợp với đam mê và năng lực của bản thân trước khi lập ra kế hoạch kinh doanh cụ thể. Ngoài ra, sinh viên cũng cần đánh giá ý tưởng kinh doanh có mang lại ý nghĩa thiết thực gì cho xã hội, cho cộng đồng hay không rồi mới bắt tay vào làm.

"Việc có lý do và mục đích khởi nghiệp rõ ràng sẽ giúp các bạn tìm được partner (người cùng làm dự án khởi nghiệp) cùng đam mê, nhiệt huyết để thực hiện dự án, tăng cơ hội thành công" - doanh nhân Hoàng Tùng - Nhà sáng lập, CEO Pizza Home cho biết.

Những "vốn" trên, sinh viên có thể chuẩn bị và tích lũy ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bằng việc nâng cao kiến thức xã hội, mạnh dạn thiết lập mối quan hệ với các giảng viên, doanh nhân nhiều trải nghiệm trong lĩnh vực mình quan tâm để có nhà tư vấn (mentor) tin cậy nhằm tăng khả năng thành công, giảm rủi ro thất bại khi khởi nghiệp. Việc làm thuê để tích lũy kinh nghiệm trước khi khởi nghiệp kinh doanh cũng là lời khuyên của nhiều doanh nhân.

Ông Phan Công Chính - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Toàn cầu nhận định, đi làm thuê chính là một cách để các nhà khởi nghiệp tích lũy kinh nghiệm, tìm kiếm đồng đội và giảm thiểu nguy cơ thất bại khi thành lập doanh nghiệp sau này. Kỹ năng chuyên môn chưa phải là yếu tố đủ để khởi nghiệp, mà còn cần một êkip với những người giỏi trong nhiều lĩnh vực.

Sinh viên ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) chụp ảnh cùng đại diện Ban Giám hiệu, đại diện Ban tổ chức GTTNLVC 2016 và các diễn giả - doanh nhân sau buổi giao lưu

Quan điểm về giá trị đồng tiền cũng sẽ tạo nên những nhà khởi nghiệp thành công hay thất bại. Bởi vì, theo doanh nhân Trần Hải Linh - Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ, nếu người khởi nghiệp có xu hướng thích xin hoặc vay tiền từ gia đình, người thân, bạn bè thì sẽ dẫn đến rủi ro thất bại rất cao.

Và, điều quan trọng nhất mà người trẻ cần xác định là dù làm thuê hay làm chủ cũng đều cần không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng và cải thiện thái độ làm việc. Tư duy đó có thể xem là "kim chỉ nam" giúp sinh viên chuẩn bị được đầy đủ và kỹ lưỡng hành trang để bước vào "sân chơi" mang tên "hội nhập" của đất nước.

Ông Nguyễn Tân Kỷ - Tổng giám đốc Công ty CP
Vinacafé Biên Hòa:

Hành trang mà các bạn trẻ cần có khi khởi nghiệp chính là tinh thần doanh nhân (entrepreneurship) thay vì mong muốn được làm chủ (owner). Khi đã có tinh thần doanh nhân, ý tưởng tốt, ý chí và kinh nghiệm thì khả năng khởi nghiệp thành công sẽ rất cao.

Bà Phan Thị Tuyết Mai - Tổng giám đốc Công ty Thủy sản Tài Nguyên:

Sinh viên nên tham gia các cuộc thi khởi nghiệp, như GTTNLVC, trước khi chính thức bước chân vào thương trường. Nhờ trải qua các vòng thi, thí sinh có cơ hội tương tác với các doanh nhân để lắng nghe kiến thức và kinh nghiệm thực tế, rèn luyện kỹ năng thuyết trình, lập chiến lược xây dựng thương hiệu, tính toán lợi nhuận, thuế suất… Từ đó, con đường khởi nghiệp kinh doanh sau này sẽ thuận lợi hơn.

Ông Lại Minh Duy - Chủ tịch HĐQT Công ty TST Tourist:

Trên thế giới, vốn không nhiều quốc gia sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ, điều đó có nghĩa là đối với những quốc gia còn lại, tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Do đó, các bạn đừng sợ nói sai vì trong bối cảnh thực tế, người nghe sẽ hiểu cái sai đó của bạn và họ có thể sửa giúp mình. Nếu các bạn cứ giữ tâm lý sợ nói sai mà không dám nói hoặc không dám viết ra thì sẽ rất khó thành công.

Ông Ngô Vi Đồng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT:

Năm bí quyết để sinh viên tự tin hội nhập:

- Học tập nghiêm túc trong nhà trường và mở rộng kiến thức, quan hệ quốc tế, ngoại ngữ

- Trang bị kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin

- Trang bị những kỹ năng mềm (giao tiếp, trình bày, quản lý thời gian)

- Tham gia công tác xã hội

- Biết cách cân bằng cuộc sống để khỏe về thể chất, tinh thần

Khi cảm thấy bản thân thiếu kỹ năng gì thì cần phải bổ sung ngay để chuẩn bị
hành trang hội nhập tốt nhất.

Vòng 1

  * Thời gian thi: Từ 1/3 – 15/5/2016
  * Nội dung thi:
- Kiến thức kinh tế, xã hội
- Tư tưởng làm giàu của danh nhân Lương Văn Can
- Khả năng Anh ngữ
 * Địa chỉ thi trực tuyến: luongvancan.doanhnhansaigon.vn
hoặc www.doanhnhansaigon.vn

>Còn 10 ngày dự thi Vòng 1

>Sinh viên trang bị kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm từ các cuộc thi

>Sinh viên khởi nghiệp và hội nhập: Bắt đầu từ những điều đơn giản nhất

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân - Người thầy ngoài giảng đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO