Doanh nhân góp ý mô hình chính quyền đô thị

T.T (tổng hợp)| 05/09/2013 09:00

Ngày 3/9, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị doanh nhân góp ý đề án chính quyền đô thị TP.HCM. Ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy chủ trì hội nghị.

Doanh nhân góp ý mô hình chính quyền đô thị

Ngày 3/9, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị doanh nhân góp ý đề án chính quyền đô thị TP.HCM. Ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy chủ trì hội nghị.

>Lắng nghe ý dân để xây dựng Đề án Chính quyền đô thị
>Chính quyền đô thị: Mô hình được mong chờ
>Góp ý dự thảo Đề án thí điểm chính quyền đô thị 

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải (thứ hai từ phải qua) trao đổi với các doanh nhân về đề án chính quyền đô thị.

Tại hội nghị, hầu hết các doanh nghiệp đều đồng tình với việc triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên điều lo ngại lớn nhất của doanh nghiệp là việc tổ chức thực hiện mô hình thế nào để bộ máy chính quyền gọn nhẹ nhưng chuyên nghiệp và phải gần dân, gần doanh nghiệp hơn.

Ông Lương Công Huỳnh - Tổng thư ký Hội Dây và Cáp điện TP.HCM băn khoăn đề án bỏ HĐND cấp cơ sở thì người dân sẽ phản ánh ở đâu và ai nghe? Theo ông Huỳnh, trong đề án phải làm rõ cấp phường sẽ được tổ chức lại ra sao để bớt gây phiền hà cho người dân. 

Cùng vấn đề vai trò của cấp phường, ông Phạm Minh Thuận - Tổng giám đốc Công ty CP Phát hành sách TP.HCM (FAHASA) góp ý, trên thực tế, phường là đơn vị tưởng nhỏ nhưng lại phải giải quyết rất nhiều việc của dân, do đó không nên bớt người, bớt quyền của cấp này, ngược lại nên tăng quyền, tăng nhân lực cho chính quyền phường để tăng kết nối với dân. 

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, bày tỏ nguyện vọng của doanh nghiệp: “Thủ tục hành chính bớt rườm rà, cán bộ đừng nhũng nhiễu, đừng bắt doanh nghiệp đi quá nhiều cửa như hiện nay, cần đồng hành và chia sẻ với hoạt động sản xuất kinh doanh doanh nghiệp”.

Theo ông Minh, thành phố nên tổ chức thêm các hội thảo khoa học, các hình thức lấy ý kiến, hiến kế của người dân về tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị để tạo sự đồng thuận cao trong dân.

Ông Nguyễn Phước Hưng, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng việc hướng đến bộ máy chính quyền hai cấp là xu hướng phù hợp với nguyện vọng của người dân vì sẽ giúp tinh gọn được bộ máy, cải cách thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, ông Hưng cũng bày tỏ lo lắng việc thành lập thêm 4 thành phố Đông, Tây, Nam, Bắc theo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị TPHCM có thể sẽ làm bộ máy chính quyền phình to. Trong khi nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân là bộ máy chính quyền càng gọn càng tốt.

Trao đổi với PV bên lề hội nghị, ông Huỳnh Văn Minh cho rằng một doanh nghiệp muốn phát triển phải có 3 điều kiện gồm vốn, cán bộ giỏi và cơ chế chính sách.

Nếu có vốn, có cán bộ giỏi mà cơ chế chính sách không an toàn thì rất dễ mất vốn. Vấn đề doanh nghiệp “chết” hàng loạt thời gian qua có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân cơ chế chính sách chưa phù hợp.

“Nguyện vọng của doanh nghiệp là muốn bộ máy chính quyền càng gọn càng tốt, cái doanh nghiệp cần là các thủ tục hành chính bớt rườm rà, cán bộ đừng nhũng nhiễu, đồng hành và chia sẻ với hoạt động sản xuất kinh doanh doanh nghiệp, đừng bắt doanh nghiệp đi quá nhiều cửa như hiện nay”, ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, điều đáng lo là do các chính sách thiếu ổn định nên dẫn đến việc đầu tư của doanh nghiệp hiện nay rất yếu và con số về doanh nghiệp lời giả, lỗ thật còn tiềm ẩn rất lớn trong cộng đồng doanh nghiệp hiện nay.

Nhiều ý kiến cho rằng ngân sách phân bổ cho một đô thị đặc biệt như TP.HCM là 23% như hiện nay là quá thấp, Thành ủy, chính quyền TP.HCM cần quyết liệt trong vấn đề xin Trung ương phân bổ ngân sách cho thành phố tương xứng với mức đóng góp GDP hiện nay... 

Ghi nhận, tiếp thu ý kiến của các đại biểu doanh nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải khẳng định nếu được thông qua, việc triển khai đề án trên địa bàn TP.HCM sẽ được làm từng bước, đồng bộ, hạn chế thấp nhất sự xáo trộn, bảo đảm an dân.

Ông Lê Thanh Hải cho biết việc ghi nhận các ý kiến, hiến kế sẽ được tiếp tục trên tinh thần “lắng nghe được càng nhiều càng tốt” để hoàn thiện đề án.

Nhận định tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn rất khó khăn, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải mong các doanh nhân TP.HCM tiếp tục hiến kế để tổ chức bộ máy chính quyền đô thị phù hợp với thực tiễn TP.HCM.

Theo dự thảo đề án, dự kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII diễn ra vào tháng 10 và tháng 11/2013, Chính phủ sẽ trình Quốc hội để ban hành nghị quyết cho phép triển khai mô hình chính quyền đô thị TP.HCM và cho phép thành lập 4 thành phố Đông, Tây, Nam, Bắc thuộc chính quyền TP.HCM.

Sau khi có nghị quyết của Quốc hội, thành phố sẽ lập phương án tổ chức sắp xếp bộ máy nhân sự, xác định chức năng nhiệm vụ của chính quyền từng đô thị, dự toán ngân sách triển khai đề án hoàn thành trong năm 2015 để có thể triển khai áp dụng mô hình mới từ năm 2016 cùng với thời điểm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân góp ý mô hình chính quyền đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO