Doanh nghiệp người Hoa ở TP.HCM: Hợp lực phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài

CÁC NGỌC| 06/03/2007 05:42

Đồng bào Hoa ở TP.HCM có gần 500.000 người, chỉ chiếm 7% dân số thành phố nhưng số doanh nghiệp (DN) chiếm đến 30% tổng số DN đang hoạt động tại đây. Bên cạnh sự trung thực, năng động trong kinh doanh, DN người Hoa được chính quyền tạo mọi điều kiện để phát huy tiềm lực, nên rất nhiều DN người Hoa đã phát triển mạnh, có uy tín trên thương trường...

Doanh nghiệp người Hoa ở TP.HCM: Hợp lực phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài

Đi đầu trong các lĩnh vực kinh tế chủ lực

Cộng đồng người Hoa ở thành phố đã tham gia phát triển kinh tế rất mạnh mẽ trong những năm qua. Năm 1995, thành phố có 1.380 DN người Hoa được cấp phép kinh doanh, thì đến năm 2006, đã có khoảng 24.000 DN người Hoa đăng ký sản xuất - kinh doanh, chiếm trên 94% DN người Hoa cả nước.

DN người Hoa có mặt trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế chủ lực của thành phố, nhiều DN đang trong tốp dẫn đầu, như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank, Công ty TNHH dây cáp điện Tân Cường Thành, Công ty cổ phần Hữu Liên - Á Châu (ống thép không rỉ), Công ty cổ phần Kinh Đô (bánh kẹo), Công ty sản xuất - thương mại Thiên Long (bút viết), Công ty Dệt may Thái Tuấn, Công ty Biti’s (giày dép), Công ty Vạn Thịnh Phát (khách sạn)...

Sản xuất ống inox ở Công ty cổ phần Hữu Liên - Á Châu

Các DN người Hoa đã tạo dựng thương hiệu có uy tín trong và ngoài nước. Một số cổ phiếu của DN người Hoa niêm yết trên thị trường chứng khoán đã thu hút sự quan tâm của giới đầu tư như cổ phiếu STB của Sacombank, KDC của Kinh Đô.

Những đóng góp tích cực của DN người Hoa cho nền kinh tế đất nước và thành phố đã được công nhận: Công ty Kinh Đô và Công ty Dệt may Thái Tuấn được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Luôn được tạo mọi điều kiện để hoạt động, cạnh tranh bình đẳng, cộng đồng DN người Hoa đã phát huy tinh thần tương trợ, cùng phát triển. Trung tâm tư vấn - dịch vụ phát triển kinh tế Chợ Lớn (CEC) được thành lập, chuyên cung cấp các thông tin về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, đầu tư và các dự án mời gọi đầu tư trong nước, cung cấp các văn bản pháp luật của Chính phủ, bộ ngành và địa phương đến DN người Hoa; tư vấn pháp lý (đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, thủ tục vay vốn ngân hàng...); xúc tiến tìm kiếm đối tác trong nước và nước ngoài.

Hội chợ triển lãm “Chợ Lớn 2006” do CEC tổ chức tuy mới ở qui mô nhỏ, nhưng qua hội chợ đã có 4 hợp đồng được ký kết với giá trị giao dịch 66.000 USD.

Để hỗ trợ người Hoa làm ăn, Sacombank đã thành lập chi nhánh Chợ Lớn từ năm 1993. Ban lãnh đạo Sacombank nhận xét: Với bản tính chịu khó và khả năng thương mại thiên phú, cùng với tinh thần đoàn kết giúp nhau trong kinh doanh, cộng đồng người Hoa ngày càng trở thành lực lượng kinh tế có tiềm lực lớn tại TP.HCM.

Người Hoa kinh doanh theo kiểu chắc nhịp, ít mạo hiểm, thường đi lên từ nghề truyền thống của gia đình, từ quy mô nhỏ, phát triển dần dần, lại là những người đặc biệt coi trọng chữ tín nên Ngân hàng khá yên tâm trong việc cấp tín dụng. Sacombank đã chọn hướng đi gắn bó lâu dài với cộng đồng người Hoa và ngành nhựa.

Mặt khác, Sacombank đã thành lập Ban Hoa Vụ để làm cầu nối giữa Ngân hàng với đồng bào Hoa. Hoạt động của Ban được đông đảo người Hoa ủng hộ và Sacombank đã trở thành người bạn thân thiết của tiểu thương, chủ DN. Đặc biệt, với sự trợ giúp về vốn của Sacombank, tiểu thương người Hoa đã tránh được tình trạng vay nợ nặng lãi như nhiều năm trước đây.

Nguồn lực thu hút đầu tư nước ngoài

DN người Hoa không chỉ làm ăn giỏi mà hiện còn là nguồn lực thu hút đầu tư nước ngoài. Tổng hội Hoa thương Singapore, Hiệp hội Xúc tiến thương mại quốc tế tỉnh Quảng Tây và Thương hội thành phố Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) đã có những thỏa thuận hợp tác thương mại, đầu tư với các DN người Hoa TP.HCM.

Nhiều nhà DN của thành phố Tương Đàm đã sang đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Doanh nhân người Hoa có mối quan hệ họ tộc, đồng hương với nhiều người Hoa đang sinh sống tại các nước trên thế giới, nên họ có khả năng kêu gọi thương gia người Hoa nước ngoài bỏ vốn đầu tư vào Việt Nam.

Trong những năm gần đây, với nhiều chính sách ưu đãi đối với Việt kiều được Nhà nước ban hành, ngày càng có nhiều Việt kiều gốc Hoa về Việt Nam đầu tư và sinh sống. Ông Phan Thành, một Việt kiều người Hoa hiện là Chủ tịch Hiệp hội DN Việt kiều đã nhận định cơ hội đầu tư, kinh doanh đang rộng mở.

Ông đã về Việt Nam đầu tư cả chục năm qua, DN không ngừng phát triển và ông đang dự định thành lập Ngân hàng người Việt Nam ở nước ngoài. Để phát huy tiềm lực của Việt kiều người Hoa đóng góp vào sự phát triển kinh tế của thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đã thành lập Chi hội Doanh nghiệp Việt kiều người Hoa.

Sự lớn mạnh của DN người Hoa đã được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đưa vốn vào. Từ năm 2003, Công ty cổ phần Kinh Đô đã nhận được sự đầu tư của Vietnam Ventured Limited, VinaCapital, Prudential, Temasek (Singapore), Asia Value Investment Ltd, Quỹ Đầu tư chứng khoán (VF1)... Tháng 7/2006, Kinh Đô liên kết với tập đoàn thực phẩm hàng đầu thế giới là Cadbury Schweppes chuẩn bị cho kế hoạch phát triển lâu dài sau khi Việt Nam là thành viên WTO.

CÁC NGỌC

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp người Hoa ở TP.HCM: Hợp lực phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO