![]() |
Điệp khúc “mất mùa được giá, được mùa mất giá” lại vận vào người nông dân trồng sắn huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Chưa kịp mừng vì cây sắn được mùa, những hộ nông dân trồng sắn tại các xã miền núi Hà Tĩnh đang phải đối mặt với nguy cơ hàng trăm tấn sắn biến thành rác thải...
Trong những tháng vừa qua, nhiều hộ trồng sắn thuộc các xã Kỳ Lâm, Kỳ Sơn, Kỳ Thượng, Kỳ Hợp… của huyện Kỳ Anh đã tiến hành thu hoạch hàng ngàn hecta sắn. Nhưng phần vì trời mưa, phần vì nhà máy chế biến tinh bột sắn chỉ thu mua với mức độ cầm chừng nên nhiều hộ nông dân lâm vào cảnh điêu đứng vì sắn sau thu hoạch không thể bán được, đổ đống ngoài sân, thậm chí tràn lên cả mặt đường.
![]() |
Anh Trương Công nghị xót xa bên đống sắn đã bốc mùi do không thể bán được |
Anh Trương Công Nghị, một người trồng sắn kỳ cựu ở xã Kỳ Hợp ngán ngẩm nói: “Chúng tôi đã thu hoạch số sắn này gần được một tháng nay, để trong nhà thì không có chỗ chứa đành đưa ra ngoài đường, may có lái thương nào hỏi mua thì bán, nếu không, chắc tuần nữa phải mang đi đổ thôi…”.
Gia đình anh có 4 hecta trồng sắn nhưng đã nhổ được 1/4, còn 3 hecta nữa không dám nhổ vì hiện nay giá sắn bị giảm rất mạnh, từ 1.800đ/kg (năm 2011) đến nay chỉ còn 800đ/kg, trong khi chi phí đầu vào mọi thứ đều tăng.
![]() |
Từng đoàn xe chở sắn nối đuôi nhau đứng trước cổng nhà máy hàng tuần nay |
Tại nhà máy chế biến tinh bột sắn Hà Tĩnh, hàng trăm xe tải trọng lớn xếp hàng nối đuôi nhau chờ để được bốc hàng. Nhiều người nằm ở đây đã hơn một tuần nhưng cũng chưa bán được, dẫn đến tình trạng sắn bị hư, bốc mùi hôi cả một vùng dân cư.
Ông Võ Xuân Thắng, một nông dân xã Kỳ Thượng, mang sắn đi bán cho nhà máy than thở: “Khổ lắm, để sắn ngoài đồng không thu hoạch thì tiếc, nợ ngân hàng đã đến hạn phải trả, đành liều thu hoạch. Nhưng thuê xe chở sắn vào đây đã hơn một tuần nay cũng chưa thể nhập được, một số sắn trên xe đã bị phân hủy...”.
Ông Dương Xuân Linh, Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn cho biết: nhà máy đóng ngay trên địa phương, mấy năm qua lượng thu mua sắn của nhà máy lớn, giá thành cao nên nhiều hộ nông dân ồ ạt đua nhau trồng. Do khối lượng trồng nhiều, lại thu hoạch cùng một lúc, trong lúc nhà máy lại giảm lượng thu mua, tình trạng được mùa rớt giá là không thể tránh khỏi.
![]() |
Sắn được chất đống ngay bên vệ đường |
Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sáu, trợ lý Giám đốc Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hà Tĩnh cho biết: thị trường xuất khẩu của nhà máy chủ yếu là Trung Quốc. Thị trường này luôn biến động rất mạnh, khó lường. Năm ngoái, mỗi ngày chỉ thu mua có 400 tấn, mà công ty đã thua lỗ đến hơn 20 tỷ. Năm nay, lượng sắn cần bán của nông dân tăng lên rất nhiều, nên khó có thể giải quyết được.
Với tình hình này, liệu năm sau những hộ nông dân ở đây có mặn mà với loại cây trồng này nữa hay không, và ai sẽ là người giải bài toán khó “được mùa rớt giá” này cho nông dân?
Ý KIẾN CỦA BẠN