Đi tìm nhà sản xuất có lương tâm

HỒNG NGA| 08/04/2011 04:32

Thực phẩm là một trong những mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày, nhưng loại nào an toàn cho sức khỏe người sử dụng thì không ai có thể thống kê được. Và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân có phải là trách nhiệm của doanh nghiệp - những nhà sản xuất sản phẩm cung ứng ra thị trường?

Đi tìm nhà sản xuất có lương tâm

An toàn vệ sinh thực phẩm, trách nhiệm không của riêng ai

Câu hỏi này được bàn thảo kỹ tại tọa đàm “An toàn vệ sinh thực phẩm nhìn từ trách nhiệm doanh nghiệp” do Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM và Báo Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp tổ chức.

“Đại dịch” nhiễm độc tố

Nhiễm độc thực phẩm đang là mối lo ngại của tất cả mọi người. Các số liệu do Trung tâm Phân tích Thí nghiệm Đại học Nông Lâm TP.HCM thu thập được từ năm 2003 đến nay cho thấy, người dân TP.HCM đang tiêu thụ các loại rau thủy sinh có hàm lượng độc tố cao gấp hàng chục lần so với mức cho phép. Cụ thể, kẽm có trong rau muống cao gấp 30 lần; chì có trong rau nhút cao gấp 35 lần, trong ngó sen cao gấp 14 lần...

Nhiều hộ dân trồng rau còn sử dụng các loại thuốc trừ sâu và cả thuốc diệt cỏ (có khả năng gây ung thư gan, lá lách...) để ngâm rau muống nhằm giữ cho rau tươi xanh. Số liệu từ Trung tâm Đào tạo và Phát triển Sắc ký TP.HCM cũng xác định, dư lượng thuốc trừ sâu, diệt nấm, kim loại nặng trên rau quả vượt ngưỡng cho phép gấp nhiều lần.

Thậm chí, các loại rau được xem là rau an toàn ở TP.HCM thực chất vẫn chưa đảm bảo an toàn. Giáo sư Ngô Văn Tố, Giám đốc Trung tâm Sau thu hoạch TP.HCM, khẳng định: “Các loại rau an toàn ở quận 12, Củ Chi hiện nay chưa phải là rau an toàn. Khi kiểm tra, các loại rau này vẫn nhiễm vi sinh, hóa chất”.

Về thịt gia súc, mỗi ngày thành phố tiêu thụ khoảng 9.000 con heo và 6.000 con bò, nhưng số lượng được giết mổ công nghiệp trên dây chuyền hiện đại và được bán trong các cửa hàng văn minh chỉ chiếm chưa đầy 14%.

Còn lại, đến 86% lượng thịt heo, bò tiêu thụ trên thị trường được giết mổ thủ công, không đảm bảo ATVSTP. Đã vậy, lượng thịt heo, bò này lại được giết mổ từ các tỉnh rồi mang về thành phố tiêu thụ, nên không ai có thể đảm bảo đây là thịt an toàn!

PGS.TS. Phan Phước Hiển, Giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, cho rằng, nhiễm độc tố có trong thực phẩm không còn là hiện tượng, mà đã trở thành “đại dịch”.

Báo cáo của Bộ Y tế gần đây cho thấy, số người chết vì ung thư đã tăng lên 200.000 người/năm, trong đó 35% là do ăn thực phẩm có nhiễm độc tố. Ngoài ra, độc tố có trong thực phẩm cũng gây nên bệnh vô sinh, giảm tỷ lệ tinh trùng ở nam giới.

Trách nhiệm không của riêng ai

Bà Lý Kim Chi, Phó chủ tịch Hội Lương thực, Thực phẩm TP.HCM, cho biết: "Phần lớn DN trong ngành có quy mô nhỏ và vừa, nhưng sản phẩm của họ lại ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng".

Theo ông Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý ATVSTP TP.HCM, trách nhiệm đảm bảo ATVSTP trước tiên thuộc về doanh nghiệp (DN), những nhà sản xuất sản phẩm, vì chỉ có nhà sản xuất mới biết được sản phẩm nào không an toàn.

Và hiện nay, hầu hết các DN lớn, các DN có thương hiệu đều chú ý đến vấn đề ATVSTP. Sản phẩm của những DN này đều được sản xuất theo các tiêu chuẩn quản lý chất lượng như: ISO, HACCP, SQF, GMP..., nên đáp ứng được yêu cầu.

Trong khi đó, các DN, cơ sở sản xuất nhỏ vẫn chưa quan tâm đến vấn đề này. Một số do thiếu hiểu biết, còn phần đông vì hám lợi nên dù biết tác hại của những sản phẩm mình bán ra nhưng vẫn làm.

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho rằng: “Một DN làm ăn chân chính không thể sản xuất những sản phẩm kém chất lượng. Đây là lương tâm và trách nhiệm của DN đối với cộng đồng và xã hội”.

Cũng theo ông Mười, nhà sản xuất phải trang bị máy móc hiện đại để sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Và DN phải tự kiểm soát tất cả các hoạt động của mình một cách nghiêm túc. Bên cạnh đó, DN còn phải triển khai quản lý chất lượng sản phẩm theo chuỗi “từ trang trại đến bàn ăn”.

Dù là nhà sản xuất “có lương tâm” hay “nhà sản xuất chân chính” thì ngoài mục đích phục vụ xã hội và cộng đồng, họ còn phải quan tâm đến hiệu quả kinh doanh. Vì thế, các cơ quan chức năng cũng cần phải quản lý, kiểm tra, kiểm soát DN bằng cách “đồng hành” với họ.

Nhưng trên thực tế vẫn còn rất nhiều DN làm ăn bất chính, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà vẫn “ung dung tự tại” khiến người tiêu dùng lo lắng.

Ông Hòa công nhận, hiện nay, bộ máy quản lý vẫn chưa đủ mạnh để có thể thanh - kiểm tra hết tất cả các DN sản xuất. Trong khi đó người tiêu dùng có thu nhập thấp vẫn chiếm số đông, nên dù biết sản phẩm không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn nhắm mắt sử dụng.

Thực hiện tốt ATVSTP không chỉ là trách nhiệm của DN, cơ quan quản lý nhà nước, mà còn cần có sự “hợp tác” của người tiêu dùng. Họ phải là những người hiểu biết, biết nói “không” với những sản phẩm không an toàn.

Và sắp tới đây, từ ngày 1/7, khi Luật Bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực, người tiêu dùng có quyền kiện DN nếu mua phải sản phẩm chất lượng kém. Và nếu DN không làm ăn chân chính thì sẽ bị tẩy chay.

Nhưng “việc thực hiện ATVSTP chỉ có thể tốt hơn nếu chúng ta có hành lang pháp lý chặt chẽ và biện pháp quản lý đủ mạnh”, ông Đặng Văn Khoa, Đại biểu HĐND TP.HCM, nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đi tìm nhà sản xuất có lương tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO