Đê biển Vũng Tàu - Gò Công: Lợi còn xa, hại đã trước mắt

NGÂN AN/DNSGCT| 17/11/2012 00:53

Nếu được xây dựng, đây sẽ là dự án vượt biển lớn nhất Việt Nam, được xem như là phương án tốt trong việc giải quyết bài toán quy hoạch tổng thể thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long, có ảnh hưởng lớn đến hệ thống giao thông đường thủy và hệ sinh thái ngập mặn rừng Cần Giờ.

Đê biển Vũng Tàu - Gò Công: Lợi còn xa, hại đã trước mắt

Nếu được xây dựng, đây sẽ là dự án vượt biển lớn nhất Việt Nam, được xem như là phương án tốt trong việc giải quyết bài toán quy hoạch tổng thể thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long, có ảnh hưởng lớn đến hệ thống giao thông đường thủy và hệ sinh thái ngập mặn rừng Cần Giờ. Tuy nhiên, xung quanh dự án này đang có nhiều tranh luận trong giới chuyên môn và các nhà khoa học. Điều đáng chú ý nhất là lợi ích kinh tế thì chưa thể xác định được cụ thể, nhưng tác động xấu đến môi trường lại là điều chắc chắn!

Đọc E-paper

Lợi ích trên báo cáo

Theo Tổng cục Thủy lợi, tuyến đê biển có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, lồng ghép các nhiệm vụ giảm ngập úng, giảm xâm nhập mặn, ứng phó mực nước biển dâng đối với phát triển đô thị biển. Vì vậy, dự án này cần thiết đối với một đô thị luôn bị ngập như TP.HCM.

Nhiều năm qua, thành phố này đã phải vất vả chống ngập, nhưng tình trạng ngập vẫn chưa được xử lý có hiệu quả. Các dự án chống ngập trước đây do thiếu tầm nhìn về quy hoạch nên cứ loay hoay đối phó, chống được nơi này thì ngập chỗ khác.

Tình trạng mạnh ai nấy làm, không có một “nhạc trưởng” chỉ huy thống nhất đã khiến các giải pháp đưa ra không mang tính hệ thống, tốn kém nhiều nhưng hiệu quả vẫn thấp.

Cũng theo báo cáo trên, do vùng Đồng Tháp Mười chưa có công trình kiểm soát lũ nên tuyến đê này cùng một số công trình đã có trên sông Tiền sẽ kiểm soát được lũ và mặn, tạo điều kiện bật dậy tiềm năng kinh tế cho toàn vùng.

Với tình hình biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp và có ảnh hưởng đến nhiều nơi trong cả nước, công trình còn có nhiệm vụ chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng biển trong khu vực đê bao.

Hơn nữa, tuyến đê này khi hoàn thành sẽ là con đường nối rút ngắn khoảng cách từ Vũng Tàu về các tỉnh miền Tây một cách đáng kể, tạo sự liên kết giữa các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ. Song song đó, việc hình thành và phát triển đô thị biển sẽ kiến tạo cảnh quan hiện đại, thu hút được vốn đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác.

Theo các nhà khoa học, dự án đê biển sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ

Cảnh báo tác hại đến môi trường

Thế nhưng, những ý kiến trên nhận được sự phản hồi trái chiều của các chuyên gia môi trường. Theo GS-TSKH Lê Huy Bá, tuyến đê biển sẽ làm thu hẹp dòng chảy của đường thoát lũ tự nhiên nên không thể tăng khả năng thoát lũ và giảm ngập úng.

Không những vậy, nó còn có nguy cơ làm mất dải rừng ngập mặn Cần Giờ, đồng thời ảnh hưởng tới xâm nhập mặn khu vực Tiền Giang và bồi các cửa sông như cửa Đại, cửa Tiểu.

Trong báo cáo về dự án xây dựng tuyến đê biển, các nhà khoa học cũng nhận định rằng nhiều vấn đề về môi trường, xã hội chưa được đánh giá đúng mức và dự báo đầy đủ. Ý tưởng của dự án trên được phát xuất từ dự án đê biển Saemangeum của Hàn Quốc vừa được xây dựng xong và khánh thành vào năm 2010.

Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể tham khảo chứ không thể sao chép được, vì mục đích của hai dự án hoàn toàn khác nhau. Mục đích chính của đê biển Saemangeum là bảo vệ vùng đất sẽ được khai thác ở bên trong đê, còn mục đích chính của đê biển Vũng Tàu – Gò Công là chống lũ lụt và ngập úng.

Về kinh phí, theo tính toán sơ bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kinh phí cần thiết để xây dựng tuyến đê biển là khoảng 60.000 tỉ đồng. Nhưng trong thực tế khi triển khai, hẳn kinh phí sẽ còn tăng lên rất nhiều. Đây là khoản kinh phí không nhỏ mà khi thực hiện, chắc chắn nước ta sẽ phải gánh thêm khoản nợ từ các nguồn viện trợ.

Về mặt xã hội, dự án chưa đề cập trong báo cáo nghiên cứu về các vấn đềảnh hưởng đến sinh kế của người dân các địa phương liên quan. Trong khi đó, khu vực thực hiện dự án đang là nơi nuôi trồng thủy sản, là hoạt động mang lại nguồn lợi kinh tế chủ yếu cho hàng ngàn hộ dân các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM, Long An và Tiền Giang.

Một vấn đề nữa là tuyến đê biển sẽ làm cản trở hoạt động của tàu thuyền tại các cảng nước sâu như Cái Mép – Thị Vải (Vũng Tàu), Hiệp Phước – Tân Cảng (TP.HCM)… Đó là chưa kể đến những hệ quả khác, ví dụ việc xây dựng đê biển có thể làm cho các nhà đầu tư quốc tế bỏ ý định chọn những cảng biển ở khu vực này để làm điểm xuất phát đến các nước khác. Như vậy, dự án sẽ gây những tổn thất, thiệt hại rất lớn, không thể lường được cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đê biển Vũng Tàu – Gò Công mô phỏng từ công trình đê biển Saemangeum của Hàn Quốc

Về môi trường, GS-TS Nguyễn Tất Đắc nhận định rằng dự án này mang lại hiệu quả thấp trong việc giảm ngập úng cho TP.HCM vì hồ điều tiết nằm ở hạ nguồn. Ngoài ra, đê biển còn bịt kín cả hai cửa ngõ ra biển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Thị Vải và Soài Roạp) nên sẽ gây khó khăn, ảnh hưởng lớn đến lượng tàu bè thường xuyên ra vào tại đây, không tránh khỏi nguy cơ ách tắc tại các âu tàu.

Việc ngăn vịnh Gành Rái – Đồng Tranh bằng đê biển nhằm ngọt hóa vùng cửa sông Đồng Nai – Sài Gòn chắc chắn làm suy thoái các hệ sinh thái rừng ngập mặn trong vùng, đặc biệt là rừng ngập mặn Cần Giờ – khu dự trữ sinh quyển đã được UNESCO công nhận.

Nguyên nhân chính là độ mặn của các sông và kênh rạch bị giảm, làm thay đổi điều kiện sống của các loài thực vật ngập mặn như mắm, đước, bần… Nếu đặc tính sinh học của rừng ngập mặn bị thay đổi, Gành Rái sẽ trở thành vịnh chết, bãi lầy và mất đi chức năng phòng hộ.

Trong khi đó, cửa sông là vùng hệ sinh thái rất nhạy cảm, dễ bị biến đổi, nếu mức độ biến đổi diễn ra nghiêm trọng thì sẽ không phục hồi được. Những luồng cá di chuyển từ biển qua cửa sông, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế cao như cá hồi, cá lăng, cá chình… có khả năng bị giảm thiểu.

Ngoài ra, việc ngăn vịnh Đồng Tranh – Gành Rái còn làm gia tăng khả năng bồi lắng vùng cửa sông và ven biển, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái nước, nhất là tác động xấu đến giao thông đường thủy trong khu vực. Ngành nuôi trồng thủy sản nước mặn của các khu vực ven vịnh Gành Rái với diện tích rộng trên 10.000ha cũng sẽ bịảnh hưởng nghiêm trọng.

GS-TSKH Lê Huy Bá còn cho biết rằng các chuyên gia môi trường Hà Lan với nhiều kinh nghiệm đã lên tiếng khuyến cáo Việt Nam không nên vội vàng thực hiện kế hoạch làm đê biển. Do những khác biệt về địa lý, địa hình, kinh tế…, khi xây dựng bất cứ công trình nào cũng phải xem xét kỹ lưỡng mọi vấn đề, tránh tạo ra những ảnh hưởng xấu đến môi trường tự nhiên vì nguyên tắc của phát triển bền vững là phải tôn trọng, bảo vệ môi trường tự nhiên.

Sau đó, một yếu tố quan trọng nữa mà lâu nay tại Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức là trình độ quản lý. Việc quản lý có vai trò quan trọng không kém gì việc xây dựng, nếu quản lý yếu kém, không phát huy được tác dụng của công trình thì đó sẽ là sự lãng phí lớn.

Về dự án đê biển Vũng Tàu – Gò Công, từ những yếu tố môi trường và kinh tế đã phân tích ở trên, có thể nói đây chưa phải là một dự án có hiệu quả cao, khó mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Vì vậy, nếu thực hiện thì có thể sẽ phải trả giá đắt về môi trường và kinh tế của cả một khu vực. Đó chính là kết luận của các chuyên gia môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đê biển Vũng Tàu - Gò Công: Lợi còn xa, hại đã trước mắt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO