Đặt lòng tin vào hàng nội

06/08/2010 08:00

Người tiêu dùng đã quan tâm mua sắm các mặt hàng trong nước sản xuất bằng sự tin tưởng hơn về chất lượng và giá cả. Doanh nghiệp tận dụng “cơ hội vàng” để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo uy tín thương hiệu...

Đặt lòng tin vào hàng nội

Người tiêu dùng đã quan tâm mua sắm các mặt hàng trong nước sản xuất bằng sự tin tưởng hơn về chất lượng và giá cả. Doanh nghiệp tận dụng “cơ hội vàng” để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo uy tín thương hiệu...

Đó là một trong những chuyển biến tích cực được nêu ra tại buổi sơ kết một năm tổ chức triển khai cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN” trên địa bàn TP.HCM ngày 5/8.

Chiếm 95% trên quầy kệ ở siêu thị

"Các doanh nghiệp đã xông pha, người tiêu dùng đã sẵn sàng dùng hàng Việt, vai trò của Nhà nước được cụ thể hóa bằng các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp an tâm sản xuất"

Ông Nguyễn Bắc Son (phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương)

Ông Trần Hữu Đức, giám đốc đối ngoại NutiFood, cho rằng cuộc vận động đến giống như một cơn mưa rào trong lúc doanh nghiệp đang khát. “Các doanh nghiệp tận dụng tốt nguồn nước mưa ấy đã “tự giải khát” cho mình bằng những con số tăng trưởng trong doanh thu lẫn nhận thức của người tiêu dùng” - ông Đức chia sẻ.

Lấy thị trường nông thôn là trọng tâm trong bước chinh phục thị trường nội địa, những chuyến bán hàng về vùng sâu, vùng xa trong cả nước được Bộ Công thương cùng Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tập trung kỹ lưỡng.

Ông Nguyễn Bắc Sơn, giám đốc kinh doanh Công ty Điện Quang, cho biết những chuyến bán hàng này đã tạo sức ép với hệ thống phân phối tư nhân tại thị trường nông thôn, vốn đề cao lợi nhuận hơn chất lượng hàng hóa. “Đẩy hàng về nông thôn, đánh vào nhu cầu của người dân giúp nhà phân phối thấy rằng đây mới chính là thị trường có sức mua lớn, lợi nhuận bền vững. Hay nói cách khác, đó chính là đầu tư dài hạn chứ không phải ăn xổi ở thì” - ông Sơn chia sẻ.

Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo trung ương cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN” ngày 5-8, ông Dương Quan Hà, chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM tổng kết: tỉ lệ dùng hàng hóa trong nước ngày một tăng, các mặt hàng VN có chất lượng khá, nhất là lương thực - thực phẩm chế biến, bánh kẹo, quần áo... đều chiếm lĩnh thị trường thay thế hàng ngoại nhập cùng loại. Đặc biệt ở các siêu thị, tỉ lệ bày bán hàng hóa VN chiếm 95% quầy kệ. Tuy nhiên, hàng Việt vẫn còn nghèo nàn về mẫu mã, thiết kế không có nhiều chủng loại lựa chọn cho người tiêu dùng. Thách thức hiện nay đối với các doanh nghiệp vẫn là xây dựng và phát triển mở rộng hệ thống phân phối bài bản, đầu tư vốn khá lớn.

Cần nhân rộng mô hình

Chọn mua hàng Việt tại phiên chợ hàng Việt ở Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: N.B.

Bà Vũ Kim Hạnh, giám đốc BSA, cho biết những chuyến hàng đầu tiên chỉ gói gọn trong các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đến nay các chuyến hàng ngày càng đi sâu hơn vào nhu cầu của người tiêu dùng như mỹ phẩm, đồ gia dụng... “Sau hơn một năm thực hiện chương trình “Hàng Việt về nông thôn”, đã có 132 doanh nghiệp tham gia 46 phiên chợ tại 18 tỉnh thành, trong đó 60 doanh nghiệp tham gia thường xuyên, đầy đủ” - bà Hạnh nói.

Kết thúc giai đoạn một, các doanh nghiệp đã tiến hành xây dựng lại mạng lưới phân phối, làm những mũi đột phá đi sâu vào cơ sở, địa bàn. Đó là tiền đề tốt để bước vào giai đoạn hai xây dựng mạng lưới chân rết của hàng Việt ở nông thôn. Trong giai đoạn hai, những phiên chợ đưa hàng về nông thôn sẽ tiếp tục đến những địa phương mới mà trong năm qua vì nhiều lý do doanh nghiệp chưa đưa hàng về được để tạo sự lan tỏa sâu rộng tại các huyện, vùng sâu vùng xa, đồng thời tăng cường truyền thông hoạt động ở đô thị.

Theo bà Hạnh, trước mắt ngày 15/8 BSA sẽ khởi động việc vẽ bản đồ phân phối ở tỉnh Trà Vinh, tích hợp mạng lưới phân phối có sẵn của doanh nghiệp, từ đó nghiên cứu những cách làm nào phù hợp, chưa phù hợp để mở rộng hệ thống phân phối. Đồng thời cùng một số doanh nghiệp xây dựng những điểm chuyên bán hàng Việt.

Nhận xét về những hoạt động trong một năm qua của cuộc vận động trên địa bàn TP.HCM, ông Vũ Trọng Kim, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN, trưởng ban chỉ đạo cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN”, cho rằng: Với cách làm đồng bộ, hình thức phong phú, kêu gọi được nhiều đối tượng tham gia, TP.HCM đã tạo được hiệu ứng lan rộng trong đời sống người dân, doanh nghiệp quay về với hàng Việt. Ông Kim cũng đề nghị cần chia sẻ mô hình này cho các tỉnh, thành khác để hiệu quả chương trình nâng cao hơn. Ông Nguyễn Nam Hải, thứ trưởng Bộ Công thương, cho rằng nên phổ biến các mô hình mà TP.HCM đang thực hiện tốt tới sở, phòng công thương các tỉnh, huyện khác trên cả nước hoàn toàn khả thi nếu có ý chí và cách làm đúng.

Theo ông Kim, bên cạnh những hiệu quả khả quan, vẫn còn những thông tin như doanh nghiệp lợi dụng cơ hội để đẩy hàng tồn, hàng kém chất lượng hay các chính sách đi hỗ trợ doanh nghiệp, cơ chế giải ngân của Bộ Công thương còn lúng túng, người tiêu dùng vẫn sính hàng ngoại... “Cuộc vận động là quá trình dài hơi, không chỉ hai - ba năm mà cần kiên trì bền bỉ. Vì vậy, rà soát các mặt làm được, chưa làm được chính là điều kiện để chương trình tiếp tục phát huy tính nhân văn trong xã hội” - ông Kim nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đặt lòng tin vào hàng nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO