Đảm bảo không thiếu hàng, sốt giá trong Tết Canh Dần

05/02/2010 08:28

Bộ Công Thương khẳng định, hiện nay nguồn cung hàng hoá trên thị trường khá dồi dào, hầu hết các địa phương và các doanh nghiệp đã chuẩn bị đủ nguồn hàng để tham gia bình ổn thị trường Tết.

Đảm bảo không thiếu hàng, sốt giá trong Tết Canh Dần

Bộ Công Thương khẳng định, hiện nay nguồn cung hàng hoá trên thị trường khá dồi dào, hầu hết các địa phương và các doanh nghiệp đã chuẩn bị đủ nguồn hàng để tham gia bình ổn thị trường Tết, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu, nên sẽ không xảy ra tình trạng sốt hàng, sốt giá trong dịp Tết Canh Dần.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 2008/CT-TTg ngày 1/12/2009, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-BCT ngày 19/10/2009 về công tác phục vụ Tết Nguyên đán Canh Dần 2010 và Chỉ thị 03/CT-BCT ngày 15/1/2010 về tăng cường kiểm tra, kiểm soát đảm bảo bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết, triển khai kế hoạch chuẩn bị hàng hoá và các chương trình phục vụ Tết Nguyên đán Canh Dần 2010.

Ngày 4/12/2009, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Công văn số 914/QLTT-THLN gửi các sở Công Thương, chi cục quản lý thị trường địa phương yêu cầu tăng cường kiểm tra tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tại các địa bàn trọng điểm. Tiếp đến, ngày 11/12/2009, Bộ Công Thương đã tổ chức 5 đoàn kiểm tra, phối hợp với 30 chi cục quản lý thị trường để trực tiếp chỉ đạo và kiểm tra, kiểm soát nhằm tạo bước chuyển biến rõ rệt trong công tác bình ổn thị trường...

Về phía các địa phương, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và các bộ chức năng, Sở Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hoá trên địa bàn chuẩn bị tốt nguồn hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết; tổ chức các mạng lưới bán hàng rộng khắp nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng bị bão lũ.

Các Sở, ban, ngành chức năng trên địa bàn hỗ trợ doanh nghiệp vốn vay mua hàng Tết (từ nguồn ngân sách tạm thời nhàn rỗi của địa phương) và theo dõi sát việc chuẩn bị nguồn hàng, có kế hoạch tổ chức các hoạt động phục vụ Tết, tăng cường công tác quản lý thị trường, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, an ninh xã hội và trật tự đô thị. Đến nay đã có nhiều địa phương thực hiện việc hỗ trợ lãi suất cho vay cho các đơn vị được giao nhiệm vụ sản xuất, chế biến và tổ chức dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết.

Cụ thể: Hà Nội hỗ trợ 250 tỷ đồng; Thái Nguyên: 14 tỷ đồng; Bắc Cạn: 1 tỷ đồng; Bắc Giang: 10 tỷ đồng; Lai Châu: 3 tỷ đồng; Quảng Ninh: 10,5 tỷ đồng; Hưng Yên: 6,5 tỷ đồng; Ninh Bình: 22 tỷ đồng; Quảng Trị: 10 tỷ đồng; Thừa Thiên-Huế: 1 tỷ đồng; TP. Hồ Chí Minh: 422,31 tỷ đồng; Cần Thơ: 15 tỷ đồng; Đà Nẵng: 9,7 tỷ đồng; Ninh Thuận: 5 tỷ đồng; Bình Thuận: 2 tỷ đồng; Kon Tum: 12,5 tỷ đồng; Đồng Nai: 15 tỷ đồng; Bình Dương: 40 tỷ đồng; Bà Rịa-Vũng Tàu: 40 tỷ đồng; Long An: 5 tỷ đồng; Trà Vinh: 10 tỷ đồng; Cần Thơ: 15 tỷ đồng; Tiền Giang: 19 tỷ đồng...

Ông Hoàng Thọ Xuân- Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương- cho biết: Đến nay, thị trường hàng hoá đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc và sôi động hơn Tết năm 2009. Sức mua có khả năng thanh toán của người dân tăng lên và nhất là khi niềm tin của người tiêu dùng vào sự phục hồi kinh tế đã tăng lên nhiều.

Dự kiến, nhu cầu hàng hoá trong dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng khoảng 20- 30% so với các tháng trong năm và tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng. So với cùng kỳ năm trước, tháng 1/2010, sức mua đã tăng khá cao (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của Hà Nội ước tăng 11,7%, TP. Hồ Chí Minh tăng 34,2%, cả nước tăng 23,1%).

Hiện nay, giá bán của nhà sản xuất đối với một số mặt hàng tiêu dùng như bánh kẹo, đồ uống, thực phẩm chế biến... đã tăng nhẹ từ 3 - 10% do nguồn nguyên liệu đầu vào tăng nhưng giá thị trường những hàng hóa trên tăng từ 5 -10%. Ở TP. Hồ Chí Minh có mặt hàng tăng giá đến 15% như bánh mứt kẹo, thực phẩm chế biến thủy sản khô..., giá bia trên thị trường bị đẩy lên khá nhiều so với giá nhà sản xuất tăng đến trên 20%.

Tuy nhiên, tỉ lệ các mặt hàng tăng giá chưa nhiều nên mặt bằng giá cả chung chưa có biến động lớn. Do hầu hết các địa phương đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng và chương trình, các chính sách hỗ trợ bình ổn thị trường Tết nên giá cả hàng hoá sẽ không tăng đột biến và quá cao ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã bước đầu phát huy hiệu quả. Sở Công Thương các địa phương đã có kế hoạch, chương trình triển khai phối hợp với ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, với các quận huyện, với các hiệp hội, trường học... để tuyên truyền, tổ chức, thực hiện cuộc vận động. Lượng hàng sản xuất trong nước chuẩn bị phục vụ Tết chiếm đến khoảng 85 - 90% tổng lượng hàng hoá trong các siêu thị.

Theo Bộ Công Thương, một số mặt hàng thiết yếu trong dịp tết như lương thực, thực phẩm, bia rượu, muối, đường, bánh kẹo được chuẩn bị khá dồi dào. Cụ thể: Lượng gạo dự trữ trong kho của thành viên Hiệp hội Lương thực ước có 1,4 - 1,5 triệu tấn gạo, riêng của 2 Tổng công ty lương thực miền Bắc, miền Nam khoảng 970 ngàn tấn; sản lượng thịt gia súc, gia cầm, trứng, rau quả các loại năm 2009 đều tăng khá so với năm trước: thịt lợn tăng 4,45%, thịt bò tăng 13,7%, thịt gia cầm các loại tăng 12,16%; nguồn cung đủ đáp ứng nhu cầu dịp Tết. Giá thực phẩm tươi sống tăng từ tháng 12/2009 và đang đứng ở mức cao; sản lượng bia sản xuất phục vụ tết tăng mạnh so với các tháng trước và so với cả năm trước.

Tổng công ty cổ phần Bia- rượu- NGK Hà Nội sản lượng bia (3 tháng 11,12/2009 và tháng 1/2010) tăng 38,8%, rượu tăng 1,4% so với cùng kỳ. Tổng lượng bia cung cấp cho các tháng Tết (từ tháng 12/2009 đến tháng 2/2010) khoảng 245 triệu lít, rượu khoảng 135 triệu lít; lượng đường tồn tại kho các nhà máy đến ngày 31/12/2009 là 120.000 tấn, dự kiến sản xuất tháng 1là 230.000 tấn; tháng 2 là 150.000 tấn, đảm bảo đủ nhu cầu trong dịp Tết.

Để bình ổn giá đường đang tăng cao, cần xem xét đẩy nhanh vấn đề nhập khẩu đường (hiện đã cấp hạn ngạch 150 ngàn tấn); lượng rau quả chuẩn bị tăng 10- 15% so với năm trước, riêng Tổng công ty Rau quả khoảng 12.000 tấn rau quả các loại.

Nguồn cung các loại rau sẽ bị ảnh hưởng nếu thời tiết tiếp tục mưa rét. Nhu cầu tiêu dùng xăng dầu thường tăng cao trong dịp Tết, trong đó xăng ô tô tăng 30 - 35%. Do đó, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam đã có kế hoạch dự trữ đảm bảo đủ 30 ngày bán ra, riêng dầu hoả trên 40 ngày, với kế hoạch mua hàng trong quí I khoảng 2,1 triệu m3 tấn, dầu hoả dự trữ 15 ngàn m3 tấn.

Ngoài ra, đối với mặt hàng sữa, từ đầu tháng 1/2010 giá tăng và đứng ở mức cao, một số nhóm hàng nhập khẩu có nguyên liệu sữa giá tăng 5 - 15%; Bộ Tài chính đã có Công điện số 01 ngày 12/01/2010 về quản lý giá sữa...

Bộ Công Thương khẳng định, hiện nay nguồn cung hàng hoá trên thị trường khá dồi dào, hầu hết các địa phương và các doanh nghiệp đã chuẩn bị đủ nguồn hàng để tham gia bình ổn thị trường Tết, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu, nên sẽ không xảy ra tình trạng sốt hàng, sốt giá. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đảm bảo không thiếu hàng, sốt giá trong Tết Canh Dần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO