Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII: Nhiều kỳ vọng lớn

NGUYÊN BẢO| 19/01/2016 04:36

Cùng với việc nhìn lại 30 năm đổi mới, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (Đại hội XII) được kỳ vọng sẽ có nhiều quyết sách định hướng phát triển cho giai đoạn tiếp theo của đất nước.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII: Nhiều kỳ vọng lớn

Cùng với việc nhìn lại 30 năm đổi mới, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (Đại hội XII) được kỳ vọng sẽ có nhiều quyết sách định hướng phát triển cho giai đoạn tiếp theo của đất nước. 

Đọc E-paper

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI tại Đại hội XII nêu rõ, Đại hội XII diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, đất nước đứng trước nhiều vấn đề mới, có cả những thuận lợi, thời cơ đan xen với những khó khăn, thách thức.

Cán bộ, đảng viên và nhân dân đặt nhiều kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ, phù hợp của Đảng để phát huy thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Vì vậy, Đại hội XII có ý nghĩa rất quan trọng, định hướng cho toàn đảng, toàn dân và toàn quân trong 5 năm tới: tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Nền tảng từ 30 năm đổi mới

Một trong những nội dung quan trọng được Đại hội XII đề cập lần này là nhìn lại 30 năm đổi mới (1986 - 2016). Đây là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự phát triển của đất nước, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển ổn định, quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Đặc biệt, trong giai đoạn 10 năm trở lại đây (2006 - 2015), Việt Nam bắt đầu hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng, Chính phủ, kinh tế đất nước đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn.

Từ việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, đến nay, chúng ta đã ký hơn 60 hiệp định kinh tế và thương mại song phương, cũng như thiết lập quan hệ đầu tư với trên 84 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đáng chú ý, chỉ trong năm 2015, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán và ký kết 4 hiệp định thương mại có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ về mặt kinh tế mà còn nâng cao uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Tính đến thời điểm 2015, nước ta có quan hệ thương mại và đầu tư với khoảng 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 ước đạt 165 tỷ USD, tăng 4,63 lần năm 2005, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 19,2%/năm.

Song song với việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì và nâng lên tầm cao mới những quan hệ đối ngoại truyền thống, như quan hệ tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, hợp tác Campuchia - Lào - Việt Nam - Myanmar, hay quan hệ đối tác chiến lược với Liên bang Nga, Nhật Bản...

Hội nhập quốc tế là nền tảng quan trọng, là một trong những điều kiện đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, là tiền đề thúc đẩy hoạt động thương mại, thu hút đầu tư của đất nước.

Điều này được minh chứng qua dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trưởng trong suốt một thập kỷ qua. Theo đó, giai đoạn 2006 - 2010, Việt Nam thu hút 146,8 tỷ USD vốn FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài), gấp 2,7 lần kế hoạch đề ra và gấp hơn 7 lần so với giai đoạn 2001 - 2005.

Đến cuối năm 2015, Việt Nam đã thu hút trên 270 tỷ USD vốn FDI và trên 2.000 công trình còn hiệu lực từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2011 - 2015, dù nền kinh tế vẫn còn chịu tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ năm 2008, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ và Quốc hội, nền kinh tế đã dần đi vào quỹ đạo.

Lạm phát từng bước được kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô được củng cố, chỉ số giá tiêu dùng từ 11,75% tại thời điểm 2010 đã hạ xuống còn 1,84% năm 2014, và năm 2015, theo Tổng cục Thống kê, chỉ số này xuống dưới 1%, tỷ lệ thấp nhất trong 15 năm qua.

Nhìn nhận về sự thay đổi của Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2015, tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2015, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, 5 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt gần 6% trong khi các nước trong khu vực đạt 5,6%, làm cho quy mô nền kinh tế tăng lên gấp đôi, hiện nay đạt khoảng 200 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người tăng 4,8% hàng năm.

Đầu tư và thương mại phát triển không chỉ góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế mà còn góp phần đảm bảo vấn đề an sinh xã hội. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp trong thời gian qua đã giảm đáng kể, từ 50% trong thập niên 1990, nay chỉ còn dưới 4,5%.

Những kết quả đạt được trong suốt 30 năm qua cho thấy sự lãnh đạo, định hướng đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo điều hành sát sao, kịp thời của Chính phủ, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội và sự chung sức, chung lòng của toàn dân, toàn quân.

Đó là nền tảng vững chắc, là sức mạnh tổng hợp để nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới, giai đoạn hội nhập sâu rộng hơn nữa với nhiều thử thách, từ những hạn chế trong nội tại nền kinh tế cũng như những tác động của yếu tố bên ngoài.

Những mục tiêu “quyết định” cho nhiệm kỳ mới

Bên cạnh những thành tựu kinh tế - xã hội đạt được trong những năm qua, nền kinh tế của nước ta còn đối mặt với không ít hạn chế, thách thức cần đặc biệt quan tâm và cải thiện trong giai đoạn 5 năm tới (2016 - 2020).

Đó là vấn đề chất lượng tăng trưởng còn thấp. Điển hình, trong cả 2 giai đoạn 2006 - 2010 và 2011 - 2015, tăng trưởng GDP đều không đạt so với mục tiêu đề ra (tương ứng thực hiện 7% và 5,9% so với mục tiêu 7,5 - 8% và 6,5 - 7%), đóng góp của khu vực kinh tế trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu giảm từ 50,6% (năm 2011) xuống 33,3% năm 2015...

Việc tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, sau 30 năm đổi mới, mô hình tăng trưởng của Việt Nam vẫn theo chiều sâu, thâm dụng vốn, lao động và tài nguyên.

Chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao còn thiếu và yếu, năng suất lao động tuy có cải thiện nhưng mới chỉ bằng 1/3 Thái Lan, 1/18 Singapore và 1/135 Nhật Bản...

Trên cơ sở thành tựu và những hạn chế trong những năm qua, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng và Chính phủ xác định trong 5 năm tới là kinh tế tăng trưởng cao hơn 5 năm trước trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế tri thức, nâng cao trình độ khoa học công nghệ của các ngành, lĩnh vực; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển nhanh, bền vững, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu.

- Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 20 - 28/1/ 2016 tại Hà Nội. Có 1.510 đại biểu đại diện cho hơn 4,5 triệu đảng viên tham dự.

- Chủ đề của Đại hội XII dự kiến bàn về việc: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

- Đại hội có nhiệm vụ đánh giá kết quả 30 năm đổi mới, kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng (nhiệm kỳ 2011 - 2015), quyết định phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020; bầu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII nhiệm kỳ 2016 - 2020.

>Cộng đồng doanh nghiệp góp ý Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XII

>Kết thúc Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII: Dấu ấn "chất vấn"

>TP.HCM tổ chức quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII: Nhiều kỳ vọng lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO