Còn lệ thuộc linh kiện nhập khẩu

Nguồn SGTT| 19/09/2009 00:52

Khoảng 30% máy nông nghiệp do Việt Nam sản xuất, nhưng linh kiện chủ yếu là hàng nhập.

Còn lệ thuộc linh kiện nhập khẩu

Khoảng 30% máy nông nghiệp do Việt Nam sản xuất, nhưng linh kiện chủ yếu là hàng nhập.

Theo các chuyên gia chế tạo máy, Việt Nam hiện nay có khoảng 550.000 máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là máy nổ và máy phát điện, còn máy cày, máy gặt đập và các dòng máy chuyên dùng khác không đáng kể… Nhóm máy phục vụ sản xuất nông nghiệp được phân chia theo tỷ lệ: máy nhập từ Trung Quốc chiếm khoảng 60%, máy do Việt Nam sản xuất chiếm khoảng 30%, còn lại là nguồn máy cũ. Nếu phân tích chi tiết hơn, trong 30% thị phần của máy nông nghiệp Việt, có nhiều dòng sản phẩm là kết quả của liên doanh.

Máy cấy tám hàng được giới thiệu tại hội chợ Nông nghiệp Cần Thơ. Ảnh: H.L

Khó tìm máy 100% Việt

Từ năm 2007 trở lại đây, theo một chuyên gia của tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (viết tắt là VEAM), lượng máy nổ do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất khoảng 40.000 máy, chiếm khoảng 35% thị phần máy nổ.

Nhưng để tìm kiếm một chiếc máy nổ “thuần Việt” không phải là dễ. Ông Nguyễn Đức Hiển, phòng thị trường công ty Động cơ và máy nông nghiệp miền Nam (Vikyno & Vinapro) cho biết, trong những sản phẩm máy nổ “thuần Việt” do công ty sản xuất chỉ có hai model là loại 5,5 mã lực và 6 mã lực chạy bằng xăng. “Hai sản phẩm này có thể cạnh tranh với máy nhập từ Trung Quốc vì có giá rẻ hơn, thiết kế mẫu mã chấp nhận được.

Và tôi tin là chất lượng tốt hơn các máy đến từ Trung Quốc”, ông Hiển nói. Cửa hàng Đông Anh (Pleiku, Gia Lai) xác nhận, những chiếc máy nổ chạy xăng của Vikyno & Vinapro bán khá chạy vì ít hao nhiên liệu, lượng khói thải ít và động cơ êm hơn. Được biết, những dòng máy trên không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu.

Việc một vài doanh nghiệp như Vikyno & Vinapro đưa ra thị trường những chiếc máy “thuần Việt” là cố gắng khá lớn. Xu hướng chung được các doanh nghiệp sản xuất máy hướng đến là liên doanh. Một nguồn tin từ VEAM tiết lộ: trong chiến lược phát triển sản phẩm của VEAM với nhóm sản phẩm máy nông nghiệp chỉ sản xuất khoảng 60% linh kiện do các nhà máy thuộc VEAM như nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, công ty Sông Công, nhà máy cơ khí Hà Tây, công ty phụ tùng máy số 1 cung cấp. Trong đó, chủ yếu là vỏ máy, bánh đà, 40% linh kiện được nhập từ Trung Quốc vì giá rẻ hơn rất nhiều so với hàng ở trong nước sản xuất.

Công ty cổ phần cơ khí An Giang là doanh nghiệp có tên tuổi trong nhóm máy sản xuất máy nông nghiệp cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhưng với dòng sản phẩm chủ lực là máy gặt đập cũng phải liên doanh với công ty thiết bị nông nghiệp Mịch La Trung Thiên Long Châu (Hồ Nam, Trung Quốc) để sản xuất hai model GĐ 1.8 và GĐ 2.0. Model GĐ 1.5 do công ty tự sản xuất nhưng chỉ sản xuất được phần thân, còn phần động cơ và bánh xích cao su buộc phải mua từ Trung Quốc. Lý do chính là trong nước chưa thể sản xuất được loại bánh xích cao su tốt hơn và rẻ hơn”.

“Cái gì ta cũng có thể sản xuất được nhưng vấn đề là giá cả và chất lượng như thế nào? Đừng đòi hỏi doanh nghiệp phải sản xuất bằng được những gì mà thiên hạ sản xuất với giá rẻ hơn và tốt hơn ta”, một chuyên gia chế tạo máy lý giải.

Vòng tròn luẩn quẩn

Ngành công nghiệp chế tạo máy Việt Nam buộc phải chấp nhận lắp ráp hơn là sản xuất đồng bộ từ động cơ đến ốc vít. Một chuyên gia trong ngành chế tạo máy cho biết, hiện có hơn 20 doanh nghiệp sản xuất máy móc Trung Quốc có mặt tại Việt Nam. Họ có năng lực sản xuất tất cả các linh kiện với giá chỉ bằng 1/4 giá linh kiện sản xuất tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Hay, phó hiệu trưởng đại học Nông lâm TP.HCM có nhận xét: các doanh nghiệp sản xuất máy trong nước khó mà trụ vững trước những áp lực cạnh tranh từ những sản phẩm nước ngoài chỉ vì năng lực và trình độ sản xuất. Ông Nguyễn Tịnh Hiếu, giám đốc công ty cơ khí Định Hưng Phú (TP.HCM) nói: “Doanh nghiệp cơ khí trong nước đang trong vòng tròn luẩn quẩn. Muốn đầu tư phải có đầu ra tốt nhưng vì đầu ra yếu nên không thể đầu tư”. Chính vòng tròn xoay quần đó mà máy móc sản xuất, trình độ tay nghề của các doanh nghiệp sản xuất linh kiện trong nước hiện nay được đánh giá là lạc hậu. Đây là nguyên nhân vì sao giá linh kiện trong nước cao hơn linh kiện nhập khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Còn lệ thuộc linh kiện nhập khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO