Chúng ta sẽ viết tiếp câu chuyện Việt Nam giàu mạnh, ngẩng cao đầu đi khắp năm châu

Tùy Phong| 14/10/2019 07:00

Đó là thông điệp được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ vào ngày 13/10/2019, khi dự kỷ niệm 15 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, 74 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho giới công thương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đồng thời, tại buổi lễ, Giám đốc Khu vực châu Á - Phòng Thương mại Quốc tế và Liên đoàn các Phòng Thương mại Thế giới (ICC) Lee Ju Song chia sẻ, bà đánh giá cao các thành tựu mà Việt Nam đã đạt được thời gian qua, trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.

“Với nỗ lực thúc đẩy hợp tác công tư, mấu chốt của việc phát triển một môi trường kinh doanh thuận lợi của ngài Thủ tướng đã đưa Việt Nam tăng 10 bậc từ vị trí 77/141 nền kinh tế lên vị trí 67 trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Đây là một kết quả xuất sắc, đặc biệt trong bối cảnh leo thang các cuộc thương chiến trên toàn cầu”, bà Lee nói.

Dẫn lại ý kiến của bà Lee, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, với việc WEF cách đây ba ngày công bố Việt Nam tăng 3,5 điểm và 10 bậc, nước ta đã trở thành quán quân về sự bứt phá trên đường đua toàn cầu về cải thiện năng lực cạnh tranh.

Thủ tướng tiếp bà Lee Ju Song - Giám đốc Khu vực Châu Á – Phòng Thương mại Quốc tế và Liên đoàn các Phòng Thương mại Thế giới (ICC). Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng tiếp bà Lee Ju Song - Giám đốc Khu vực châu Á - Phòng Thương mại Quốc tế và Liên đoàn các Phòng Thương mại Thế giới (ICC) - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Ngoài ra, Ngân hàng Phát triển châu Á tuần qua cũng ghi nhận Việt Nam là quốc gia dẫn đầu ASEAN và nằm trong nhóm những nước dẫn đầu châu Á về tốc độ tăng trưởng. Trong bối cảnh kinh tế thế giới giảm tốc và bất ổn gia tăng, đây là một thành công lớn, mà trong đó có vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp (DN) Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân.

Nhấn mạnh vai trò của doanh nhân, Thủ tướng cho rằng doanh nhân đã có sự hy sinh lớn trong việc xây dựng đất nước và làm giàu chính đáng cho bản thân cũng như gia đình.

“Doanh nhân làm việc không ngừng nghỉ 24/7, có khi ngay cả trong mơ cũng còn trăn trở về bài toán kinh doanh, về thương trường vì trách nhiệm lớn lao phải gánh vác. Bởi, đằng sau mỗi doanh nhân không chỉ là tài sản của cá nhân mình mà còn là cuộc sống của hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn hay chục nghìn người lao động và gia đình họ”, Thủ tướng chia sẻ.

Theo Thủ tướng, Việt Nam hiện có hàng triệu doanh nhân, điều hành gần 750.000 DN và 5,2 triệu hộ kinh doanh, tạo ra việc làm cho hàng chục triệu người dân, đóng thuế cho Nhà nước và tham gia giải quyết các vấn đề xã hội.

“30 năm qua, chúng ta đã cùng nhau làm nên câu chuyện vượt nghèo vĩ đại, truyền cảm hứng mạnh mẽ tới bạn bè quốc tế và 30 năm tới, chúng ta sẽ cùng nhau viết tiếp câu chuyện một Việt Nam giàu mạnh, ngẩng cao đầu đi khắp năm châu”, Thủ tướng nói thêm.

Thủ tướng cùng các đại biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng cùng các đại biểu tại buổi lễ - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, Trung ương mấy ngày qua đã thảo luận về chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045 - các thời điểm hệ trọng, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng và thành lập Nước.

Theo đó, mục tiêu Việt Nam hướng tới là trở thành nước phát triển có thu nhập cao, có thể chế và năng lực cạnh tranh vượt trội, nằm trong nhóm các nền kinh tế dẫn đầu khu vực ASEAN và châu Á.

Để đạt mục tiêu này, Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục thúc đẩy công cuộc cải cách thể chế, vươn tới những chuẩn mực hàng đầu trong khu vực và thế giới để tạo môi trường và bệ đỡ cho sự phát triển nhanh và bền vững của DN, doanh nhân. Và Chính phủ sẽ đồng hành cũng như hậu thuẫn cho sự nghiệp làm ăn của người dân, DN. 

“Trong thành công của DN có đóng góp của chính quyền và trong thất bại của DN có trách nhiệm của chính quyền. Thành công của DN, doanh nhân là thành công của Chính phủ, của nhân dân và đất nước”, Thủ tướng nói.

Đồng thời, Thủ tướng cũng đề nghị cộng đồng DN, doanh nhân chung tay với Đảng và Nhà nước trong những nỗ lực phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách thể chế pháp luật, hoàn thiện môi trường kinh doanh, đồng thời phấn đấu tự nâng cấp mình, vươn tới những chuẩn mực toàn cầu.

“Chúng ta cần có hàng trăm, hàng ngàn và cả một thế hệ doanh nhân và các nhà công nghiệp dân tộc hùng mạnh. Những con sếu đầu đàn và chúng ta cần có cả đàn chim Việt bay cao, bay xa trong nền kinh tế toàn cầu”, Thủ tướng nói.

Link bài viết

Được biết, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo, tạo môi tường kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho các DN, doanh nhân, mà trước hết là ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định cơ bản tỷ giá đồng Việt Nam, đặc biệt là giảm thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chồng chéo cũng như thực hiện nghiêm túc chỉ thị 21 của Thủ tướng.

Chính phủ bảo vệ quyền tài sản, quyền công dân như theo đúng Hiến pháp năm 2013, không hình sự hóa kinh tế, trừ trường hợp vi phạm cận phải xử lý.

Dẫn lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là "cần thiết phong tặng anh hùng, các loại huân huy chương cho DN tư nhân có thành tích đóng góp xây dựng tổ quốc", Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ khen thưởng thích đáng cho các DN.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương, các ngành tạo điều kiện cho DN, doanh nhân hoạt động thuận lợi, chống gây phiền nhiễu với tinh thần như lời dạy của Bác: “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng, nghĩa là kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng” và “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong cuộc kiến thiết này”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chúng ta sẽ viết tiếp câu chuyện Việt Nam giàu mạnh, ngẩng cao đầu đi khắp năm châu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO