Chủ tịch nước Trần Đại Quang - người nâng vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

QUANG DUY| 25/09/2018 04:24

Trong thời gian giữ cương vị người đứng đầu Nhà nước Việt Nam từ tháng 4/2016 đến tháng 9/2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang luôn quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nhân và kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với doanh nghiệp.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang - người nâng vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp đón các nguyên thủ quốc gia tại APEC 2017

Đặc biệt, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có rất nhiều hoạt động nhằm tạo diện mạo mới cho Việt Nam trên chính trường quốc tế, nhất là tại các sự kiện đối ngoại quan trọng như APEC 2017, đón tiếp nguyên thủ các nước đến thăm Việt Nam, thăm cấp nhà nước nhiều quốc gia.

6-hinh-bai-trang-6-2-3633-1537801868.jpg

Đánh giá cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân

Tại buổi làm việc giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM với doanh nhân Thành phố hồi tháng 10/2016 với sự hiện diện của Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM, nhiều doanh nhân đã bày tỏ mong muốn việc thực thi các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp sẽ sớm đi vào cuộc sống. Điều này một mặt tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, mặt khác nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trước làn sóng vốn đầu tư và hàng hóa của doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam.

Sau khi lắng nghe tiếng nói của doanh nhân TP.HCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, hội nhập lần này, sức ép cạnh tranh sẽ gay gắt hơn trên cả 3 cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Do đó, đội ngũ doanh nhân nói chung, đặc biệt là doanh nhân TP.HCM phải thực sự đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau để tăng khả năng cạnh tranh, giữ vững thị trường.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, trong các chính sách của Đảng, Nhà nước về kinh tế có phần rất quan trọng là xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân, lực lượng doanh nghiệp. Trong đó nhắm đến xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, hoạt động có chất lượng cao, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu, không ngừng phát triển ngang tầm khu vực và thế giới.

Link bài viết

Chủ tịch nước yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục hoàn thiện thể chế về phát triển doanh nghiệp, tạo dựng môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, đẩy mạnh cải cách hành chính, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, đổi mới quản lý nhà nước và quản trị nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư, kinh doanh và phát triển.

Thời điểm đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đưa ra chỉ đạo với các cơ quan quản lý nhà nước, đó là hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, về tài chính công, thuế, tài nguyên, môi trường, bảo vệ người tiêu dùng, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, xây dựng và thực hiện tốt các cơ chế bảo đảm tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quan hệ giữa Nhà nước với doanh nghiệp và đề cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm bảo vệ môi trường, cạnh tranh lành mạnh, đội ngũ doanh nhân phải thật liêm chính trong kinh doanh.

Đồng thời chú trọng nâng cao vai trò, năng lực của các hiệp hội, tổ chức đại diện của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trong việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nhân hội viên.

Ngay sau thông tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, ông Adam Sitkoff - Giám đốc Điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội nói với hãng tin Bloomberg: "Ông Trần Đại Quang là vị Chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam gặp gỡ chúng tôi, phát biểu tại một hội nghị kinh doanh Việt - Mỹ. Ông ấy là người dành sự tin tưởng lớn lao cho khối tư nhân và việc cải thiện quan hệ Việt - Mỹ".

Nâng vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Hơn 2 năm trên cương vị đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chủ trì khoảng 20 lễ đón chính thức nguyên thủ các quốc gia, các quan chức cấp cao thăm và làm việc tại Việt Nam, cùng với đó là thực hiện gần 20 chuyến thăm cấp nhà nước và tham dự các hội nghị đa phương ở nước ngoài. Ông cũng đã có hơn 1.000 cuộc tiếp khách đối ngoại, gặp gỡ song phương.

Trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Nhật Bản hồi cuối tháng 5 đầu tháng 6/2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi làm việc với một số tập đoàn kinh tế lớn thuộc Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (Keidanren), Phòng Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản (JCCI), Hiệp hội Giới chủ doanh nghiệp Nhật Bản (Doyuki), Hiệp hội Mậu dịch Nhật Bản (Boekikai). Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết Việt Nam chủ trương hội nhập ngày càng sâu hơn, vươn lên ngày càng cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Để đạt được các mục tiêu đó, Việt Nam tiếp tục thực hiện nhiều chính sách, biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính phù hợp với thông lệ và các cam kết quốc tế. Việt Nam cũng xác định khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài là một trong những động lực quan trọng để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Sau một thời gian lâm trọng bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do bệnh nặng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã từ trần ngày 21/9/2018 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Tang lễ Chủ tịch nước Trần Đại Quang được tổ chức theo nghi thức quốc tang trong 2 ngày 26 - 27/9. Ban lễ tang do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban.

Việt Nam luôn khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và Nhật Bản có thế mạnh. Ví dụ xây dựng kết cấu hạ tầng, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng, môi trường, tài chính - ngân hàng, tham gia mua cổ phần doanh nghiệp nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

"Nhà nước Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để các bạn đầu tư kinh doanh có hiệu quả, ổn định lâu dài tại Việt Nam. Chúng tôi luôn coi sự thành công và sự hài lòng của các bạn, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân Nhật Bản cũng chính là thành công của chúng tôi", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Với vai trò là người chủ trì Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương tại Việt Nam năm 2017 (APEC 2017), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thành công trong việc tiếp đón lãnh đạo 21 nền kinh tế của APEC và đưa hình ảnh Việt Nam lên tầm cao mới. Lãnh đạo các nền kinh tế cho rằng, những tuyên bố được đưa ra tại APEC Việt Nam 2017 "mạnh mẽ và quyết liệt hơn", APEC vẫn là nơi thỏa thuận cơ chế về vấn đề tự do thương mại, chống chủ nghĩa bảo hộ.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO Summit) - sự kiện chính của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, phát biểu trước hàng trăm doanh nhân đến từ các tập đoàn lớn trên thế giới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang một lần nữa khẳng định, trải qua hơn 30 năm đổi mới và gần 20 năm tham gia APEC, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, từ một nước kém phát triển trở thành một nền kinh tế đang phát triển có thu nhập trung bình, một mắt xích quan trọng trong mạng lưới 16 hiệp định thương mại tự do.

"Là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn, tương lai của hơn 90 triệu người dân Việt Nam ngày càng gắn kết chặt chẽ với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều nền kinh tế thành viên APEC đang và sẽ tiếp tục là những nhà đầu tư lớn nhất và những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Việc đăng cai Năm APEC lần thứ hai sau đúng 11 năm là minh chứng sinh động thể hiện quyết tâm đó", Chủ tịch nước nhấn mạnh trong bài phát biểu.

Hơn 2 năm đảm đương vai trò đứng đầu Nhà nước, những dấu ấn mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang để lại cho bạn bè quốc tế về hình ảnh một Việt Nam cởi mở, năng động, sẵn sàng tạo mọi điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát triển là vô cùng sâu sắc.

Vĩnh biệt ông - người đã nâng vị thế Việt Nam trên trường quốc tế!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chủ tịch nước Trần Đại Quang - người nâng vị thế Việt Nam trên trường quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO