Chiến lược chống dịch phải là sự tổng lực và đồng bộ trên cả nước

Chuyên gia Phan Chánh Dưỡng| 09/08/2021 06:00

Chiến lược chống dịch phải giải quyết được hai mục tiêu: bảo vệ người dân tránh khỏi sự tác hại của dịch bệnh đồng thời giữ được nền kinh tế phát triển, bảo đảm có chén cơm manh áo cho mọi người dân. Vì thế, ở tầm vĩ mô chiến lược chống dịch phải là sự tổng lực và đồng bộ trên cả nước.

Dịch Covid-19 xuất hiện chính thức từ cuối năm 2019 tại Vũ Hán, đến nay (tháng 8/2021) kéo dài khoảng 18 tháng, đã lan tràn khắp thế giới với những biến thể khác nhau, tốc độ lây lan ngày càng nhanh và nguy hiểm hơn cho sức khỏe con người, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của mọi quốc gia trên thế giới.

Chia vùng dịch thành những khối không gian cụ thể 

Tập trung đối phó với dịch bệnh ngoài vaccine ngừa và thuốc trị bệnh còn phải áp dụng biện pháp cách ly để dịch không lây lan. Nhưng biện pháp cách ly chính là cách ly người với người, người với mọi vật đang vận hành trong xã hội, gây ra sự đứt gãy ở mọi chuỗi giá trị của nền kinh tế, làm hại đến mục tiêu thứ hai của chúng ta. 

Do đó, bài toán chiến lược ở tầm vĩ mô phải là sự tổng lực và đồng bộ trên cả nước. Quan trọng nhất là nhận dạng kịp thời thực trạng từng vùng miền, từng lĩnh vực, ngành nghề trước mức độ nhiễm dịch, từ đó kịp thời phân chia ra từng khối “không gian nhiễm dịch” để áp dụng biện pháp kỹ thuật phù hợp, với sự tham gia trực tiếp của mọi lực lượng xã hội.

Với tình hình nhiễm dịch cao như TP.HCM và một số huyện của Bình Dương, Long An, cần phải xem là một khối “không gian” xử lý đặc biệt. Các huyện thị khác của Bình Dương và Long An sẽ xử lý theo một “không gian cục bộ” khác, giữ cho được mục tiêu sản xuất, cung ứng và sinh hoạt của người dân. 

Tại TP.HCM, phân theo yếu tố ngành nghề sẽ chia thành khối không gian khu chế xuất, khu công nghiệp, khối không gian y - dược, khối không gian giao thông và đường phố, khối trường học… nhất là khối giao thông vận tải, bảo đảm cho hệ thống logistic được vận hành xuyên suốt.

Như vậy trong mỗi khối, chúng ta có những quy tắc vận hành phòng chống dịch và duy trì hoạt động kinh doanh, sản xuất khác nhau. Đây là bài toán vi mô, bài toán kỹ thuật để các chuyên gia, đơn vị quản lý và người hoạt động trong ngành đó đề xuất quy tắc cụ thể. Các loại không gian khác nhau sau khi đã định tính, định lượng cụ thể, chúng ta phải có tên, mã số hóa để thống nhất quản lý thông tin xuyên suốt đến cấp lãnh đạo phòng chống dịch trung ương.

xe-hang-jpeg-6392-1628404009.jpg

Logistics có vai trò rất quan trọng việc vận hành cho cả hai mục tiêu của chiến lược

Từ khái niệm này chúng ta sẽ triển khai cho toàn quốc, tạo ra các khối không gian khác nhau. Ngay trên trung ương phải có bộ phận theo dõi xuyên suốt cập nhật từng buổi (mỗi 6 tiếng đồng hồ) để kịp thời ứng phó và hoàn thiện cơ chế nầy.

Tạo điều kiện để khối logistic vận hành thuận lợi

Riêng khối logistics hết sức quan trọng, là hệ thống cung ứng và vận hành cho cả hai mục tiêu của chiến lược. Do đó, có thể chia khối logistic thành ba quy mô: 

Ở quy mô tỉnh-thành, sự vận hành giới hạn trong phạm vi tỉnh, sẽ do lãnh đạo tỉnh nghiên cứu đề xuất và báo cáo lên lãnh đạo phòng chống dịch trung ương.

Ở quy mô vùng (liên tỉnh) do các tỉnh và Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Y tế cùng các chuyên gia chuyên ngành đại diện các DN đề xuất và báo cáo lên lãnh đạo phòng chống dịch trung ương.

Ở quy mô liên vùng hay cả nước, trên cơ sở quy chế, quy tắc của liên tỉnh thành, có thể bổ sung tính liên vùng, cả nước. Do đó, sẽ do Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương và Bộ Y tế phối hợp cùng TP. Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM - là đại diện ba vùng miền,  tham gia xây dựng và báo cáo lên lãnh đạo phòng chống dịch trung ương. 

Nội dung của từng quy mô khối logistic gồm cung đường giao thông vận tải, trạm dừng chân dọc đường, còn phải có những biện pháp phòng chống dịch lây lan qua con đường đóng gói hàng, nơi giao nhận hàng (đầu giao, đầu nhận), trạm dừng chân nếu đường dài qua đêm, phải có hệ thống khử khuẩn dịch bệnh…      

Một khối không gian tiếp theo cũng vô cùng quan trọng là khối đối ngoại (hàng hóa xuất nhập cảnh). Cả nước chọn ra bao nhiêu cửa khẩu cho xuất nhập cảnh (hàng không, hàng hải, đường thủy, đường bộ), mỗi nơi sẽ là một khối không gian cục bộ với quy mô khác nhau. Trên cơ sở đó, chúng ta xây dựng ra quy chế, quy tắc vận hành cụ thể. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chiến lược chống dịch phải là sự tổng lực và đồng bộ trên cả nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO