Chia quyền lợi từ tín dụng ngoại tệ

26/07/2011 02:30

Gần đây, báo chí đề cập nhiều chuyện thị trường ngoại tệ có những biểu hiện trái chiều: nguồn cung ngoại tệ đã dồi dào hơn, nhưng một số ngân hàng vẫn huy động USD với lãi suất vượt trần. Sở dĩ có tình trạng này do ngân hàng cần vốn để đáp ứng nhu cầu vay ngoại tệ của doanh nghiệp đang tăng mạnh, trong khi các quy định về hạn chế cho vay ngoại tệ còn lỏng lẻo.

Chia quyền lợi từ tín dụng ngoại tệ

Gần đây, báo chí đề cập nhiều chuyện thị trường ngoại tệ có những biểu hiện trái chiều: nguồn cung ngoại tệ đã dồi dào hơn, nhưng một số ngân hàng vẫn huy động USD với lãi suất vượt trần. Sở dĩ có tình trạng này do ngân hàng cần vốn để đáp ứng nhu cầu vay ngoại tệ của doanh nghiệp đang tăng mạnh, trong khi các quy định về hạn chế cho vay ngoại tệ còn lỏng lẻo.

>Cẩn trọng với tín dụng ngoại tệ: Rủi ro do cung ảo
>
Chia quyền lợi từ tín dụng ngoại tệ
> Thị trường ngoại tệ: Liệu có bình ổn lâu dài?

Việc tăng lãi suất huy động đôla Mỹ góp phần hút nguồn kiều hối vào ngân hàng. Ảnh: Lê Quang Nhật

Tháng 3/2011, ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố mục đích ban hành thông tư số 07 là nhằm phù hợp với khả năng huy động vốn ngoại tệ ở trong nước của tổ chức tín dụng (TCTD); kiểm soát tín dụng, hạn chế được các nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ để nhập khẩu hàng hoá, hạn chế tình trạng đôla hoá. Những tưởng sau khi thu hẹp đối tượng khách hàng vay vốn ngoại tệ thì tốc độ tăng tín dụng ngoại tệ sẽ chậm lại, góp phần cho quan hệ cung – cầu về ngoại tệ được cải thiện theo hướng tích cực, nhưng tình hình đã không như kỳ vọng, dư nợ ngoại tệ vẫn tăng mạnh. Có vẻ như NHNN đã bước đầu thành công trong việc khơi cung, ổn định tỷ giá, nhưng chưa thành công trong việc giảm cầu tín dụng ngoại tệ.

Khi quy định lỏng

Mặc dù thông tư số 07/2011/TT-NHNN quy định chỉ cho vay ngoại tệ với khách hàng vay có ngoại tệ để trả nợ vay từ nguồn thu sản xuất – kinh doanh, mua của TCTD cho vay hoặc TCTD khác được cam kết bằng văn bản; khách hàng vay có đủ ngoại tệ để trả nợ vay từ nguồn thu xuất khẩu. Nhưng thực tế vì lợi ích (lãi suất thấp hơn, dễ được giải ngân hơn...) một số khách hàng không có nguồn thu ngoại tệ vẫn cam kết có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ, còn thực tế có hay không thì không thiếu lý do đổ tại nguyên nhân bất khả kháng (sai sót trong giao dịch bằng L/C, thanh toán chậm trễ, khiếu kiện kéo dài, không được thanh toán hoặc thậm chí là bị lừa...)

Việc trên sẽ khó xảy ra nếu NHNN quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn việc khách hàng phải xuất trình các chứng từ chứng minh khả năng nguồn ngoại tệ trả nợ của khách hàng. Ví dụ, hồ sơ vay vốn phải có hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng cam kết mua ngoại tệ để trả tiền vay cho TCTD theo hình thức giao dịch hối đoái foward (là giao dịch hai bên cam kết sẽ mua với nhau một lượng ngoại tệ theo một mức tỷ giá xác định và việc thanh toán sẽ được thực hiện vào thời điểm xác định trong tương lai. Kỳ hạn của hình thức giao dịch này nằm trong khoảng từ 3 – 365 ngày).

Ngân hàng và doanh nghiệp chia quyền lợi

Tính đến ngày 10/6/2011 tổng huy động vốn tăng 2,37%, trong đó huy động vốn bằng VND tăng 1,15%, huy động vốn bằng ngoại tệ tăng 8,89%.

Tín dụng đối với nền kinh tế tăng 7,05%, trong đó tín dụng VND tăng 2,72%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 22,21%. (Nguồn: NHNN)

Vì lợi nhuận và giữ chân khách, khó tránh ngân hàng thương mại làm lơ, thậm chí tư vấn cho khách hàng lách quy định. Nếu chế tài không nghiêm thì ngân hàng thương mại thường không chặt chẽ trong việc xem xét tiêu chuẩn (đối tượng vay) của khách hàng, họ chỉ chú ý đến khả năng trả nợ của khách hàng và mức độ khách hàng chấp nhận những điều kiện có lợi cho ngân hàng.

Hợp đồng vay vốn nào cũng có điều khoản khách hàng vay bằng đồng tiền nào thì phải trả bằng đồng tiền đó. Tuy nhiên, có kèm theo điều khoản nếu thay đổi đồng tiền trả nợ thì phải được sự đồng ý của ngân hàng thương mại. Điều này mở ra cho khách hàng vay USD có thể thay đổi đồng tiền trả nợ bằng VND nếu tỷ giá bất lợi. Và để giữ chân khách hàng, ngân hàng thương mại cũng có thể đồng ý với việc chuyển đổi đồng tiền trả nợ. Khách hàng vay ngoại tệ có thể gặp rủi ro về tỷ giá, nhưng ngân hàng thương mại thì rủi ro rất ít.

Nếu tỷ giá ổn định thì ngân hàng thương mại mua/bán USD cho khách hàng một cách bình thường (hưởng chênh lệch tỷ giá theo biên độ cho phép). Trong những lúc nguồn cung USD căng thẳng, ngân hàng thương mại hoặc mua/bán USD thoả thuận với khách hàng (hạch toán chính thức vẫn theo tỷ giá niêm yết), hoặc làm trung gian/môi giới cho khách hàng mua/ bán USD thoả thuận với nhau, ngân hàng thương mại hưởng hoa hồng. Khi tỷ giá thị trường tự do thấp hơn tỷ giá niêm yết thì khách hàng không đươc phép mang USD vào nộp trả nợ mà phải mua USD của ngân hàng thương mại với giá cao hơn...

Quy định chưa chặt chẽ, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp hành động vì lợi ích của mình là lẽ thường trong kinh doanh, và dẫn đến tốc độ tăng dư nợ ngoại tệ vẫn cao. Và hiện tượng lãi suất huy động USD tăng vượt trần gần đây có vẻ giống như “một cơn sóng ngầm đang dậy ở đáy sông”. Tình hình này, NHNN cần sớm có các biện pháp khắc nghiệt hơn để tác động giảm tốc độ tăng dư nợ ngoại tệ nhằm ổn định tỷ giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chia quyền lợi từ tín dụng ngoại tệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO