Cả xã hội cùng tiếp sức mùa thi

02/07/2009 08:02

Chỉ còn 2 ngày nữa là các thí sinh sẽ chính thức bước vào đợt thi đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009. Nhiều ngành, nhiều cấp và cả xã hội đã cùng chung tay với ngành giáo dục lo cho kỳ thi.

Cả xã hội cùng tiếp sức mùa thi

Chỉ còn 2 ngày nữa là các thí sinh sẽ chính thức bước vào đợt thi đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009. Nhiều ngành, nhiều cấp và cả xã hội đã cùng chung tay với ngành giáo dục lo cho kỳ thi.

Sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM hướng dẫn thí sinh tìm nhà trọ. Ảnh: TH.UYÊN

Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hằng năm luôn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Mỗi thay đổi trong quy chế cũng như công tác tổ chức thi đều liên quan trực tiếp đến hàng triệu thí sinh và người nhà thí sinh. Hơn nữa, đây luôn được xem là bước chuyển quan trọng trong con đường sự nghiệp của thí sinh và là bước chọn lựa nguồn nhân lực sau này cho đất nước. Chính vì vậy, tổ chức tốt kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ luôn là trọng trách và áp lực đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).

Những kết quả bước đầu được xã hội ghi nhận qua kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua là cơ sở và cũng là động lực để Bộ GD-ĐT quyết tâm tổ chức thật tốt kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay. Ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ 2009 chỉ đạo các hội đồng thi phải chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ.

Đích thân Thứ trưởng GD-ĐT đi kiểm tra công tác chuẩn bị và sự hỗ trợ của một số địa phương đối với các cụm thi liên trường. Các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị in sao đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ đã triển khai và hoàn thành công tác kiểm tra tại 25 cơ sở in sao đề thi. Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ 2009 cũng đã nhanh chóng, linh hoạt giải quyết những vướng mắc cụ thể, tạo điều kiện cho nhiều thí sinh được tham dự kỳ thi năm nay.

Những điểm mới của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2009; những điểm lưu ý để làm bài thi trắc nghiệm đạt kết quả đều được Bộ GD-ĐT sớm công bố để các thí sinh yên tâm, tự tin bước vào phòng thi.

Ðể kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đáp ứng yêu cầu và mục đích đề ra, thực tế những năm qua cho thấy, không chỉ ngành giáo dục mà các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị- xã hội đều phải vào cuộc.

Trước kỳ thi năm nay, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã gửi Công điện tới Bộ trưởng các Bộ: Công an, Giao thông Vận tải, Y tế, Thông tin và Truyền thông; Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bí thư thứ nhất Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh; Chủ tịch Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam đề nghị phối hợp chặt chẽ để bảo đảm kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2009 diễn ra nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế.

Cho đến nay, tất cả các ngành liên quan đã cùng chung tay với Bộ GD-ĐT để tổ chức tốt kỳ thi. Công an các tỉnh, thành phố có điểm thi ĐH, CĐ đều đã lên phương an đảm bảo an toàn giao thông, phân luồng xe cộ, tránh ách tắc trong những ngày thi. Ngành điện lực cũng cố gắng để không xảy ra sự cố trong dịp này. Ngành Y tế cử cán bộ tham gia Ban chỉ đạo thi tuyển sinh ĐH, CĐ ở các địa phương và có khuyến cao các thí sinh các đảm bảo sức khỏe, phòng chống dịch bệnh trong mùa thi, đặc biệt là phòng tránh cúm A/H1N1.

Lực lượng áo xanh tình nguyện đã có mặt khắp nơi để giúp các thí sinh (Ảnh: Vnexpress)

Những ngày này, ở nhiều nhà ga, bến xe, trên đường phố và gần các điểm thi chúng ta cũng bắt gặp nhiều bóng áo xanh của sinh viên tình nguyện. Nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức xã hội đã nhường thuận lợi, chia sẻ bớt khó khăn cho thí sinh và người nhà đi cùng. Nhiều câu chuyện về những tấm lòng nhân hậu trong mùa thi, khiến cộng đồng xúc động, cảm phục.

Có thể nói, cả xã hội đang cùng tiếp sức cho các thí sinh có thể yên tâm, thoải mái bước vào kỳ thi tuyển sinh. Song bên cạnh đó còn phụ thuộc rất lớn vào sự chỉ đạo cụ thể, sâu sát của ngành giáo dục đào tạo trong tất cả các khâu quan trọng của kỳ thi: Từ ra đề, vận chuyển, in sao đề thi, bố trí lực lượng coi thi, thanh tra, giám sát... cho đến khâu chấm thi, công bố điểm và triệu tập tập thí sinh. Mỗi cán bộ, nhân viên tham gia quá trình tuyển sinh cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình vì một kỳ thi nghiêm túc, hiệu quả.

Ngày 3/7, thí sinh thi ĐH đợt 1 (khối A) sẽ đến trường làm thủ tục chuẩn bị cho hai ngày thi 4 và 5/7. Lời khuyên của các trường ĐH là thí sinh không nên bỏ qua ngày làm thủ tục dự thi.

Thạc sĩ Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, cho biết nhiều quy định của trường thi sẽ được cán bộ coi thi dặn dò thí sinh trong ngày này.

Đọc kỹ quy định, tránh phạm quy chế

Trong ngày làm thủ tục dự thi, các trường hợp không nhận được giấy báo dự thi hoặc bị mất giấy báo dự thi sẽ được trường đối chiếu với hồ sơ gốc và danh sách lưu tại trường. Nếu các thông tin chính xác, thí sinh sẽ được làm giấy cam đoan và chụp lại ảnh tại chỗ để cấp lại giấy báo dự thi. Thí sinh cũng cần báo với cán bộ tuyển sinh của trường nếu thông tin trên giấy báo dự thi sai sót. Cán bộ tuyển sinh sẽ chỉnh sửa trong hồ sơ gốc, giấy báo dự thi và ký xác nhận vào phiếu đăng ký dự thi số 2. Nhiều thí sinh chủ quan, không điều chỉnh thông tin sai sót trên giấy báo dự thi có liên quan đến đối tượng ưu tiên, sau kỳ thi không thể điều chỉnh được nữa.

Trong ngày làm thủ tục dự thi, đối với các môn thi trắc nghiệm, cán bộ coi thi sẽ dặn dò thí sinh các quy định trong việc làm bài theo hình thức trắc nghiệm.

Thí sinh cần lưu ý, theo quy định mang tài liệu vật dụng trái phép vào phòng thi, dù sử dụng hay chưa sử dụng đều bị lập biên bản đình chỉ thi. Thí sinh không được mang vào phòng thi: giấy than, bút xóa, tài liệu, vũ khí, chất gây nổ... Một điểm thí sinh dễ nhầm lẫn dẫn đến vô tình phạm quy, đó là đối với thi tuyển sinh ĐH, CĐ, không được mang vào phòng thi bảng tuần hoàn và atlat địa lý.

Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi: bút viết, bút chì, compa, máy tính không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ cắm thêm vào...

Lưu ý chiếc điện thoại

Để kỳ thi tuyển sinh diễn ra nghiêm túc, Bộ GD-ĐT vừa có thông báo gởi chủ tịch hội đồng tuyển sinh các trường ĐH, CĐ quy định về việc sử dụng phương tiện thông tin liên lạc trong đợt tuyển sinh sắp tới. Theo đó, tại mỗi điểm thi, chỉ bố trí một điện thoại cố định do điểm trưởng quản lý.

Tất cả cán bộ (lãnh đạo ban coi thi, lãnh đạo điểm thi, thư ký, cán bộ coi thi, giám sát, phục vụ, y tế, trật tự viên, bảo vệ, công an, thanh tra...) không mang theo điện thoại di động, phương tiện thông tin liên lạc khác khi làm nhiệm vụ. Khi làm phách và chấm thi, lãnh đạo, cán bộ và thư ký làm phách, thư ký chấm thi, cán bộ chấm thi không mang điện thoại di động, phương tiện thông tin liên lạc khác vào khu vực làm phách, khu vực chấm thi.

Đối với thí sinh, chiếc điện thoại di động cũng là vật cấm trong phòng thi. Nhiều vụ đình chỉ thi đáng tiếc xảy ra do thí sinh chủ quan tưởng mình đã khóa máy nhưng điện thoại đến giờ báo thức vẫn reng nên giám thị coi thi phát hiện, thí sinh bị đình chỉ thi.

Thạc sĩ Trần Thế Hoàng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TPHCM, khuyên thí sinh tốt nhất là đi thi không đem theo điện thoại di động. Khi bị phát hiện mang điện thoại di động, dù sử dụng hay không sử dụng đều bị đình chỉ thi. Thí sinh cũng tránh mang tư trang, tài sản quý vì tất cả túi xách, cặp sách đều không được mang vào phòng thi.

Đi sớm tránh kẹt xe

Điều lo lắng nhất hiện nay của các trường khu vực nội thành TPHCM là việc đi lại của thí sinh. Theo thạc sĩ Trần Thế Hoàng, hiện nhiều đường phố có lô cốt, rất dễ kẹt xe. Do đó, thí sinh nên đến địa điểm thi trước kỳ thi ít nhất một ngày để biết đường đi, ước lượng thời gian đến địa điểm thi.

Đặc biệt, thí sinh cần dự thi đúng giờ, tránh bị ảnh hưởng về tâm lý khi đến trễ, thậm chí nếu đi trễ quá giờ quy định sẽ không được dự thi.

Trong phòng thi, thí sinh nên bình tĩnh và tự tin làm bài, đọc đề kỹ để tránh sai sót, phần nào dễ làm trước, khó làm sau...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cả xã hội cùng tiếp sức mùa thi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO