Brownee giúp nông dân vùng cà phê

LẠC LÂM| 31/10/2012 00:21

Từ ba năm nay, một dự án nhằm nâng cao nhận thức, kỹ thuật trồng và chế biến cà phê cho nông dân đã được một nhóm sinh viên thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM thực hiện.

Brownee giúp nông dân vùng cà phê

Từ ba năm nay, một dự án nhằm nâng cao nhận thức, kỹ thuật trồng và chế biến cà phê cho nông dân đã được một nhóm sinh viên thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM thực hiện.

Đọc E-paper

Dự án có tên Brownee (viết tắt từ Brown Coffee), trực thuộc Câu lạc bộ SIFE, với thành viên là các sinh viên tâm huyết, mong muốn áp dụng những kiến thức, hiểu biết của mình vào thực tế, góp phần nâng cao lợi ích cho người nông dân trồng cà phê.

Brownee được tổ chức khá quy củ, các thành viên tham gia phải qua xét tuyển và được phân công vào các bộ phận tùy theo sở thích: quản lý dự án, nhân sự, kế toán, đối ngoại, hoạch định tài chính..., và hoạt động dưới sự cố vấn của các thầy cô và một số giám đốc doanh nghiệp. Hằng tháng, Ban điều hành Câu lạc bộ SIFE đều mời các chuyên gia đến huấn luyện các kỹ năng như lãnh đạo, tiếp cận thị trường, kinh doanh, đối ngoại...

Địa điểm đầu tiên Brownee tìm đến là huyện Lâm Hà (vùng trọng điểm cà phê của tỉnh Lâm Đồng) với chuỗi chương trình "Chế biến phân nguyên sinh từ vỏ cà phê”.

Trước đây, nông dân thường dùng vỏ cà phê làm chất đốt hoặc vứt bỏ mà không hề biết phế phẩm này có thể chế biến để tiết kiệm chi phí. Nguyễn Ngọc Giao, một thành viên của Brownee, cho biết: "Ban đầu bà con không tin lắm vì nghĩ sinh viên không có kinh nghiệm thực tế. Sau khi được hướng dẫn trực tiếp, nghe tuyên truyền và thấy được hiệu quả từ các mô hình mẫu, số bà con đăng ký tham gia chương trình từ một vài hộ tăng lên hơn 50 và bây giờ Brownee đã có uy tín tại Lâm Hà”.

Thừa thắng xông lên, Brownee tiếp tục triển khai chương trình "Chế biến chế phẩm sinh học" và các thành viên trong dự án đều đặn trực tiếp đến Lâm Hà để hướng dẫn cho bà con. Chỉ trong một năm, ước tính Brownee đã giúp nông dân tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng tiền phân bón.

Từ Lâm Hà, nhóm mở rộng địa bàn đến khu vực xã Xuân Trường, Cầu Đất (Đà Lạt) với chương trình hướng dẫn cách "chế biến ướt". Đây là vùng trọng điểm cà phê Arabica của cả nước, thế nhưng kỹ thuật canh tác còn đơn giản, nhất là công đoạn thu hoạch, chế biến.Nông dân thu hái, chế biến, bảo quản theo cách truyền thống, rất thô sơ nên không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, số lượng thất thoát lớn và sản phẩm kém chất lượng chiếm tỷ lệ cao.

Đội trưởng Nguyễn Quang Huy cho biết: "Nông dân là người quyết định chất lượng hạt cà phê tốt hay xấu nhưng lại thường không nắm vững các công đoạn sau thu hoạch. Họ là những người nằm ở mắt xích đầu của chuỗi giá trị, nhưng thường xuyên thu được lợi nhuận rất ít do không biết khai thác và tạo nên giá trị cho sản phẩm của mình".

Không chỉ hướng dẫn kỹ thuật trồng và chế biến, dự án Brownee còn tư vấn cho nông dân kiến thức về thị trường, phương thức kinh doanh và quản lý tài chính, đầu tư cho vườn cà phê.

Trước hiệu quả Brownee mang lại cho nông dân, các thành viên của dự án quyết định mở rộng địa bàn và hiện đã vươn tới Đắk Min, huyện có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh Đắk Nông và Tây Nguyên.

Trong thời gian tới, Brownee có tham vọng mở rộng ra khắp Tây Nguyên nhằm giúp nông dân nâng cao hiệu quả trồng, chế biến cà phê và thu được lợi nhuận cao nhất từ chính sản phẩm mình làm ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Brownee giúp nông dân vùng cà phê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO