Bộ Tài chính ban hành chỉ thị bình ổn giá dịp Tết

06/11/2012 05:22

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Chỉ thị số 04/CT-BTC nhằm tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013.

Bộ Tài chính ban hành chỉ thị bình ổn giá dịp Tết

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Chỉ thị số 04/CT-BTC nhằm tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013.

Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Giám đốc Sở tài chính các tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, rà soát cân đối cung - cầu đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trên địa bàn như lương thực, thực phẩm, đường, thuốc phòng và chữa bệnh cho người, xăng dầu, gas, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ đi lại, y tế…

Đối với các địa phương có triển khai Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá, Bộ trưởng yêu cầu tăng cường giám sát và tổ chức thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và thường xuyên kiểm tra, giám sát doanh nghiệp bán hàng hóa với giá cả và chất lượng theo đúng cam kết.

Mặt khác, có biện pháp nhằm tăng cường đưa hàng bình ổn giá đến khu vực ngoại thành, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, khu tập trung đông dân cư; kết hợp với tổ chức bán hàng lưu động, các hình thức khuyến mãi để kích thích tiêu dùng, tăng sức mua...

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu Sở Tài Chính phối hợp với các Sở ban ngành để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh giãn thời gian điều chỉnh giá một số hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá, kiểm soát giá như: giá dịch vụ khám chữa bệnh; giá dịch vụ giáo dục (học phí); giá nước sạch sinh hoạt; giá cước xe buýt được nhà nước trợ giá…

"Trường hợp điều chỉnh giá phải xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá để hạn chế thấp nhất tác động xấu đến sản xuất và đời sống nhân dân, cũng như việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế tại địa phương; việc điều chỉnh giá hàng hoá, dịch vụ phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét cho ý kiến trước khi thực hiện", chỉ thị nêu rõ.

Cũng tại chỉ thị này, Bộ trưởng cũng yêu cầu sở tài chính phối hợp với sở công thương và các sở, ngành chức năng tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để thực hiện việc tăng cường kiểm soát thị trường. Trong đó, thực hiện nghiêm việc kiểm soát đăng ký giá, kê khai, niêm yết giá đối với các mặt hàng thiết yếu.

“Kiên quyết dừng các trường hợp đăng ký, kê khai tăng giá không hợp lý so với tác động của yếu tố đầu vào. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá; hành vi đầu cơ găm hàng, thao túng giá cả; các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, trốn thuế; công khai kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng”, chỉ thị nhấn mạnh.

Hiện nay, cả nước có 36 tỉnh, thành thực hiện chương trình bình ổn giá với khoảng 6.400 điểm bán hàn, tổng số vốn vay ước khoảng 1.650 tỷ đồng. Hai địa phương triển khai mạnh nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được sự đánh giá tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Giá bán các mặt hàng bình ổn tại hệ thống phân phối của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá luôn đảm bảo thấp hơn giá các sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 5-10%, đã tạo định hướng rất tốt cho thị trường cả nước, góp phần hạn chế mức tăng giá chung, nhất là trong dịp lễ tết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bộ Tài chính ban hành chỉ thị bình ổn giá dịp Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO