Bình Dương đất lành

XUÂN LỘC - CÔNG TOẠI| 06/06/2009 09:01

Cơn mưa trái mùa vào sáng sớm ngày đầu năm cộng với thời tiết se lạnh không làm chùn bước làn sóng người từ phía cầu Bình Triệu thuộc địa bàn TP.HCM đổ sang các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Bình Dương làm việc.

Bình Dương đất lành

Cơn mưa trái mùa vào sáng sớm ngày đầu năm cộng với thời tiết se lạnh không làm chùn bước làn sóng người từ phía cầu Bình Triệu thuộc địa bàn TP.HCM đổ sang các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Bình Dương làm việc.

Công ty Ins Vina tuyển lao động

Chỉ vào các loại xe ô tô, xe buýt đang đậu dọc chợ Bình Triệu, trên Quốc lộ 13, đối diện với Phân hiệu Trường Đại học Luật TP.HCM, anh Nguyễn Văn Kỳ - nhân viên một công ty chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp cho biết, công nhân ở trọ tại các phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức và cả các quận Bình Thạnh, quận 12... sang Bình Dương làm việc rất sớm: khoảng 5 giờ họ thức dậy, làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng, đưa con gửi nhà trẻ, xong tập trung tại khu vực chợ Bình Triệu trước 6 giờ 30 phút để xe công ty đến đón. Trường hợp đến muộn, họ phải đi nhờ xe người nhà hoặc đi xe ôm từ chợ Bình Triệu đến công ty với giá chừng 15.000 đồng/cuốc xe cho tuyến đường khoảng 15km.

Mồ hôi tụ về

Mời tôi uống cà phê tại quán “Xóm Vắng 1” trên đường Mồi ở thị trấn Dĩ An, Kỳ kể: Quê tận Thanh Hóa, Kỳ được người chú ruột nuôi ăn học suốt 4 năm đại học. Vừa tốt nghiệp cử nhân Đại học Luật TP.HCM, Kỳ xin vào làm tại một công ty chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp, có văn phòng tại KCN Sóng Thần. Kỳ nhớ lại: Vào những năm 2000 - 2002, dù KCN đã hình thành nhưng số nhà máy còn ít, do đó cũng ít công nhân đến làm việc, nhà cửa ven hai bên đường còn lưa thưa.

Bắt đầu từ năm 2003, hàng loạt nhà máy mọc lên, đường sá cũng được mở rộng, từ đường đất đỏ thành đường nhựa, hàng trăm ngàn công nhân từ khắp mọi miền đất nước đổ về các KCN ở Bình Dương để làm việc, sinh sống và định cư. Hồi mới đến đây là thanh niên độc thân, nay Kỳ đã có vợ con. Dung - vợ Kỳ làm việc tại một công ty dầu khí, lương khá cao. Kỳ khoe: sau 6 năm làm việc tại Bình Dương, đến nay gia đình Kỳ đã tậu được hai mảnh đất nhỏ và Dung muốn cả hai vợ chồng cố gắng làm việc, dành dụm một số vốn kha khá để xây nhà trọ cho công nhân thuê. Trước mắt, ngay trong năm 2009 này, Kỳ dự định sẽ cùng bạn bè chung vốn mở công ty chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp.

“Bọn em dự tính vốn chừng 1 tỷ đồng, do công ty còn mới nên sẽ áp dụng mô hình gia công, nấu ăn tại công ty của khách hàng. Chừng nào công ty đủ mạnh sẽ xây dựng nhà xưởng nấu ăn, sau đó chở đến các doanh nghiệp đặt hàng”, Kỳ không giấu được vẻ hân hoan và cho biết thêm: “Dù áp dụng mô hình nào, vấn đề an toàn thực phẩm vẫn là trên hết. Tuy nhiên, một vấn đề khác cũng mang tính sống còn là suất ăn phải cung cấp đủ năng lượng cho công nhân để họ đủ sức khỏe làm việc và giá cả cũng phải có tính cạnh tranh cao”.

Không riêng gì gia đình Kỳ - Dung gặp may mắn, thuận lợi trong công việc và dự định sẽ trở thành công dân mới trên vùng đất Bình Dương. Anh chị Lê Bá Quynh và hai con quê ở Hưng Yên, vào Bình Dương từ năm 2005, ở trọ gần nơi chị làm việc. Mỗi tháng anh chị kiếm được khoảng 6 triệu đồng, sau khi trừ chi phí điện, nước, thuê nhà, ăn uống... cũng còn dư chút ít. Cuối năm 2008, họ tiết kiệm được gần 20 triệu đồng gửi về quê. Trường hợp khác là gia đình chị Đào, anh Tuyên quê ở xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa vào Bình Dương từ năm 2006. Cả gia đình dành dụm cũng để dành được mươi triệu/năm gửi về quê cho ông bà lo cho các cháu nhỏ. Thấy ở Bình Dương làm ăn được, năm 2007, chị Đào gọi em ruột là chị Hoa cùng vào làm việc. Chỉ trong vòng chưa tới một năm, chị Hoa đã trả được món nợ 9 triệu đồng ở quê và vài tháng sau đã mua được chiếc xe gắn máy làm phương tiện đi lại.

Nỗi lòng người xa xứ

Giá sinh hoạt tại Bình Dương khá hấp dẫn đối với người lao động nhập cư. Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp trong các KCN vẫn chưa xây dựng nơi ở cho công nhân nên họ phải thuê nhà trọ. Theo thống kê mới nhất, hiện có trên nửa triệu lao động đang làm việc tại Bình Dương, trong đó có 300.000 lao động nhập cư, hầu hết đều phải thuê nhà trọ để ở. Nhiều công nhân bức xúc về điều kiện sống thấp, tình hình an ninh trật tự bất ổn tại các khu nhà trọ đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của họ.

Anh Lê Quang Bé hiện đang công tác tại Công ty cổ phần An Thái phản ánh: Nhiều người quen, bạn bè là lao động nhập cư phải thuê nhà trọ với diện tích rất nhỏ, từ 10 - 12m2/phòng, chỉ có một lối ra vào, khi đóng cửa không khí rất ngột ngạt. Do vậy, cũng rất bất tiện khi có khách đến chơi. Trước đây giá thuê chỉ khoảng 250.000 đồng/phòng/tháng, nay tăng lên 400.000 - 500.000 đồng/tháng. Anh Lê Văn Phước - Giám đốc phụ trách nhân sự của một doanh nghiệp tại KCN Sóng Thần cho hay: Hầu hết công nhân xa xứ đều có thân nhân tốt, họ mong muốn có việc làm lâu dài, thu nhập ổn định, thậm chí định cư tại quê hương mới Bình Dương.

Tình người Bình Dương

Anh Trần Tình - Chủ studio Trần Tình chuyên chụp ảnh, cho thuê đồ cưới trên đường Yersin, thị xã Thủ Dầu Một - cho biết, năm 2000, toàn thị xã Thủ Dầu Một có rất ít cửa hiệu chụp ảnh, nay đã có trên 100 tiệm. Nhà hàng “công nghệ cưới” cũng mọc lên khá nhiều, như Khu nhà hàng tiệc cưới từ Ngã tư 550 đến huyện Dĩ An; rồi Khu nhà hàng tiệc cưới Ngã tư An Phú đến Quân đoàn 4, mỗi khu có từ 20 - 30 nhà hàng, mỗi nhà hàng có thể phục vụ cùng lúc 4 - 5 tiệc cưới. Chỉ cần khoảng 10 - 12 triệu đồng là đôi bạn trẻ đã có một tiệc cưới khá tươm tất. Studio Trần Tình đã cưu mang nhiều bạn trẻ ở các nơi đến học nghề, lập nghiệp.

Chú rể Nguyễn Đức Toàn - cô dâu Nguyễn Thị Thanh Hằng hạnh phúc bên nhau trên đất Bình Dương

Gần đây nhất, anh Trần Tình nhận Nguyễn Đức Toàn quê ở Bình Thuận, vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào học nghề. “Tôi rất thương các bạn trẻ cần cù, chịu khó làm ăn, bởi bản thân tôi cũng từng trải qua khó khăn. Giờ, dù đã là chủ của hệ thống studio Trần Tình với hàng chục nhân viên, nhưng tôi vẫn cố gắng học hỏi, cải tiến công nghệ và giúp đỡ những thanh niên có chí”, anh Tình nói.
Hai ngày đến các KCN ở Bình Dương để tìm hiểu đời sống của công nhân xa xứ đến đây làm ăn, sinh sống, chúng tôi đã phần nào hiểu vì sao Bình Dương lại thu hút được nhiều lao động trong cả nước đến vậy. Khi được hỏi, nhiều lao động nhập cư đều cho biết, họ rất quý trọng tấm lòng của người dân Bình Dương. Do vậy, nhiều người đã xem Bình Dương như quê hương thứ hai của mình.

Theo báo điện tử tỉnh Bình Dương (www.binhduong.gov.vn), tính đến cuối tháng 1/2009, tỉnh Bình Dương có 1,4 triệu người, trong đó có 300.000 công nhân lao động nhập cư.
Toàn tỉnh hiện có 27 KCN, trong đó 23 KCN đã hoạt động, thu hút 1.450 doanh nghiệp mới với gần 50.000 tỷ đồng; tổng số dự án là 1.288 với tổng vốn trên 10 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu đạt 6,2 tỷ USD, nhập khẩu đạt 5,8 tỷ USD. Năm 2008, tuy tăng trưởng GDP 14,8%, nhưng vẫn thua năm 2007 (15%). Về việc làm, tỉnh đã giải quyết trên 46.000 lao động. Đến cuối tháng 1/2009, tỉnh có 96 doanh nghiệp gặp khó khăn, trong đó 40 doanh nghiệp ngừng sản xuất, 8.500 công nhân mất việc tạm thời. Hiện nay, Bình Dương đang triển khai một số dự án để thu hút lao động, chuyển toàn bộ số lao động mất việc sang doanh nghiệp mới hoặc đào tạo ngắn hạn để phù hợp nhu cầu của doanh nghiệp. Năm 2009, tỉnh đã có nghị quyết tăng GDP 13%; đảm bảo cung ứng đủ lao động đã qua đào tạo cho doanh nghiệp. UBND tỉnh đã lập nhiều tổ công tác để theo dõi, giải quyết tình trạng công nhân mất việc; đồng thời thành lập nhóm chuyên viên đánh giá lại khả năng các doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ hiệu quả với từng doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bình Dương đất lành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO